Các doanh nghiệp Nga đang sản xuất đạn pháo nhanh gấp 3 lần và với chi phí chỉ bằng 1/4 so với Mỹ và đồng minh châu Âu, Sky News trích dẫn phân tích của Công ty Tư vấn Bain, đưa tin.
Bất chấp phương Tây có quy mô nền kinh tế lớn hơn Nga, họ đang bị tụt lại phía sau Moscow về năng lực sản xuất đạn pháo.
Dự báo của Bain chỉ ra rằng vào năm 2024, Nga có thể sẽ sản xuất khoảng 4,5 triệu quả đạn pháo, trong khi EU và Mỹ cộng lại sẽ sản xuất khoảng 1,3 triệu quả.
Ngoài ra, chi phí sản xuất đạn pháo 152mm của Nga rẻ hơn đáng kể so với phiên bản 155mm của phương Tây.
Sự chênh lệch trong sản xuất đạn pháo giữa 2 bên đã thể hiện trong cuộc chiến ở Ukraine.
Trung bình, lực lượng Nga có thể bắn 5 quả đạn trong khi Ukraine chỉ có thể bắn 1 quả. Điều này buộc quân đội Ukraine phải nhắm mục tiêu hiệu quả hơn, sử dụng ít đạn hơn để đạt được hiệu quả tấn công.
Hồi giữa tháng, Ukraine cho biết lần đầu tiên kể từ khi chiến sự bùng phát, các lữ đoàn của nước này không ghi nhận tình trạng thiếu đạn pháo. Tuy nhiên, nguồn cung cho Kiev vẫn hạn chế và họ vẫn phải chờ những cam kết viện trợ đạn từ phương Tây trở thành hiện thực.
Vào đầu tháng, người đứng đầu tập đoàn quốc phòng Rostec của Nga Sergey Chemezov cho biết Moscow đang sản xuất hoặc tân trang số xe tăng nhiều hơn 350% so với năm 2022.
Ngoài ra, ông Chemezov cho hay, hoạt động sản xuất vũ khí và đạn dược ở Nga đã tăng gấp nhiều lần kể từ khi nổ ra xung đột giữa Moscow và Kiev vào năm 2022.
Ông Chemezov nói với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin rằng khoảng 80% vũ khí mà quân đội Nga sử dụng trong cuộc xung đột đều do Rostec cung cấp.
Giám đốc Rostec cho biết: “So với năm 2022, việc sản xuất và tân trang xe tăng tại các nhà máy của chúng tôi đã tăng gấp 3,5 lần và xe bọc thép hạng nhẹ tăng gấp 3 lần. Sản lượng pháo tự hành đã tăng gấp 10 lần, trong khi số lượng pháo kéo được sản xuất gấp 14 lần và sản lượng hệ thống hỏa lực phóng loạt (MLRS) đã tăng gấp đôi”.
Sản lượng đạn cho xe tăng và xe chiến đấu bộ binh tăng 900%, đạn pháo tăng 600% và đạn cho MLRS tăng 800%. Ông Chemezov cho biết số lượng rocket không dẫn đường dành cho hệ thống súng phun lửa hạng nặng đang được sản xuất nhiều gấp 3 lần.
Theo người đứng đầu Rostec, các loại thiết bị mới cũng đã được đưa tới chiến sự “thử lửa”, ví dụ như hệ thống súng phun lửa hạng nặng TOS-2, có khả năng khai hỏa bằng đầu đạn nhiệt áp và “được sử dụng rộng rãi trong tác chiến”. Các hệ thống rải mìn từ xa Zemledeliye cũng đang được sản xuất, cũng như đạn dẫn đường Krasnopol, UAV Kub và tên lửa dẫn đường cho máy bay không người lái.
Ông cho biết, Rostec cũng đang hợp tác với Tổng công ty Tên lửa Chiến thuật (KTRV) để trang bị bom hàng không tiêu chuẩn với các mô-đun lượn và hệ thống dẫn đường.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/co-may-quan-su-cua-nga-tang-toc-san-xuat-dan-phao-ap-dao-phuong-tay-20240526194708178.htm