Chiều 12-9, Hội Tin học TPHCM (HCA), Hội Thiết bị Y tế TPHCM (HMEA) tổ chức Hội thảo Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế, nhằm trao đổi chia sẻ về bức tranh tiềm năng, cũng như cơ hội, thách thức trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành y tế, thúc đẩy sự đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ của “Triển lãm Quốc tế thiết bị vật tư, công nghệ và dịch vụ y tế Pharmedi Viet Nam 2024”, được diễn ra từ ngày 11 đến 14-9 tại SECC (quận 7).
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội tin học TPHCM, nhận định khi phát triển công nghệ, hay ứng dụng AI vào lĩnh vực y tế, HCA không chỉ đứng từ góc độ của người làm công nghệ mà còn đặt mình vào vị trí của những người trực tiếp thụ hưởng, nhằm nâng cao trải nghiệm y tế sức khỏe cộng đồng.
Trí tuệ nhân tạo AI và các giải pháp công nghệ tiên tiến đang góp phần thay đổi cách thức chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên việc ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế vẫn còn nhiều thách thức, nhất là vấn đề dữ liệu, tài chính, nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu đến hành lang pháp lý. Do vậy, thông qua hội thảo, HCA mong muốn nhận thêm được nhiều ý kiến góp ý, sáng kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng thành công AI vào ngành y tế tại Việt Nam.
Thời gian qua, các cơ sở y tế tại Việt Nam đã chú trọng công tác chuyển đổi số, ứng dụng những thành tựu ban đầu của AI, tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung hoạt động này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các rào cản có thể kể đến chi phí đầu tư cao, thiếu hụt nguồn lực có chuyên môn về AI, những lo ngại về bảo mật dữ liệu y tế. Ngoài ra, việc chấp nhận công nghệ mới trong cộng đồng còn chậm, do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng và đào tạo chuyên môn cần thiết cần thiết cho đội ngũ y bác sĩ.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Giám đốc công nghệ TMA Innovation, nhận định rằng hiện nay chuyển đổi số trong ngành y tế tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp vì đặc thù ngành chứa nhiều dữ liệu, có xu hướng tăng thêm 36% mỗi năm. Y tế thông minh đã được đề cập nhiều trong các dự án, báo cáo nhưng vẫn cần tìm ra hướng giải quyết cụ thể, nhất là việc xử lý khối dữ liệu khổng lồ, đây là thách thức đầu tiên và quan trọng nhất trong việc phát triển AI trong y tế ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành y tế tại Việt Nam còn gặp khó khi ứng dụng AI do quá trình chuyển đổi số chưa hoàn thiện, thiếu dữ liệu đồng bộ, nền tảng công nghệ thông tin chưa cao, chưa có nhiều giải pháp AI riêng biệt cho ngành y tế, thiếu nguồn nhân lực nhân viên y tế.
“Thực tế, ngành y tế Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội để ứng dụng AI vào công tác quản lý điều hành, khám chữa bệnh, có thể kể đến như nguồn lực công nghệ thông tin dồi dào, đang trong giai đoạn chuyển đổi số, đây cũng là thời điểm thích hợp để xây dựng hệ thống ứng dụng AI vào bộ máy, từ đó giúp cơ sở y tế giảm chi phí và nâng cao hiệu quả ngay từ khi bắt đầu công tác chuyển đổi số. Hiện nay, các ứng dụng có thể triển khai bao gồm: Tự động hóa, quản lý hồ sơ bệnh án, OCR – nhận dạng tài liệu, hỗ trợ chẩn đoán, tầm soát ung thư…”, bà Hồ Thị Hoàng Yến chia sẻ thêm.
Ở mảng Logistics, ông Lại Văn Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog cho biết: “Để chuyển đổi số, ứng dụng AI vào ngành y tế thành công cần bắt đầu từ lĩnh vực logistics y tế, có thể kể đến như tích hợp công nghệ AI, Big Data, IoT và Machine Learning vào hệ thống, để quản lý hiệu quả việc vận hành kho, vận chuyển các sản phẩm (như dược phẩm, thiết bị y tế…). Chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng hệ sinh thái giải pháp Smartlog giúp các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong ngành y tế quản lý kho và vận tải hiệu quả hơn. Từ việc kiểm soát nhiệt độ, theo dõi chuỗi cung ứng, đến việc đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn y tế nghiêm ngặt…”.
BÙI TUẤN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/co-hoi-va-thach-thuc-khi-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-vao-nganh-y-te-post758620.html