Cây ổi lê hay ổi Hoành Bồ từ lâu trở thành cây thoát nghèo ở xã Sơn Dương (TP Hạ Long). Người trồng ổi ở Sơn Dương giờ đây đang đứng trước cơ hội làm giàu, trở thành triệu phú và đưa sản phẩm có thương hiệu này xuất ngoại…
Bỏ phố lên rừng trồng ổi
Còn nhớ dịp Tết Nguyên đán 2022, tôi được người bạn giới thiệu về sản phẩm OCOP ổi lê trồng ở Sơn Dương bán rất chạy. Sản phẩm có mặt tại Hội chợ OCOP Xuân 2022 với sản lượng chừng 500kg/ngày, cho doanh thu gần 100 triệu trong thời gian hội chợ.
Được giới thiệu, chúng tôi về Sơn Dương, tìm tới vùng trồng sản phẩm OCOP đắt khách kia. Gặp chị Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc HTX Nông – lâm – ngư nghiệp Việt Hưng (xã Sơn Dương), là người có nhiều đổi mới trong cách canh tác, đưa ổi lê “sang trang” mới về giá trị và thương hiệu. Để “mục sở thị”, chị đưa chúng tôi tới vườn ổi. Câu chuyện thú vị của chị Hà trên hành trình tới điểm canh tác khiến chúng tôi chú ý.
Chị Hà kể: Từ năm 2011, tôi đã có nhiều dịp lên Sơn Dương du lịch, mua ổi ở thủ phủ ổi nổi tiếng này. Thế nhưng nhiều lần mua về ổi chua nhạt và còn bị muội ám, bỏ đi khá nhiều. Trong khi đó, tôi cũng đã từng nhiều lần mua ổi ông Đới giòn ngọt, luôn giữ giá 30.000/kg, trong khi đó ổi Sơn Dương có thời điểm bán chỉ 5000-7000 đồng/kg. Là vựa hoa quả rộng lớn hàng trăm ha, trong đó ổi trồng rất nhiều nên nếu giữ được thương hiệu, giá trị, nguồn thu sẽ rất lớn.
Từ ý tưởng nâng tầm giống cây đặc sản này, chị Hà đã thành lập HTX và quyết tâm theo đuổi ý tưởng của mình. “Ban đầu, ý tưởng rời phố lên tận vùng miền núi Sơn Dương xa xôi để… trồng ổi của tôi khiến nhiều người ngạc nhiên. Khi đó, tôi đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để lập HTX, mua đất, vật tư, thuê nhân công… Trong suốt 2-3 năm đầu thành lập, HTX không có lãi. Số tiền đó là toàn bộ vốn liếng tôi dành dụm nhiều năm. Nhiều người nói tôi gàn dở, chồng con thì lo lắng cho tôi” – chị Hà kể.
Thế nhưng cơ duyên đã cho tôi gặp được ông Vương Văn Bình (thôn Vườn Rậm), Vi Văn Tuyên (thôn Đồng Giang), những người tiên phong, giàu kinh nghiệm trồng ổi ở Sơn Dương. Nhờ gợi ý của họ mà tôi và các cộng sự đã sáng tạo ra loại phân bón vi sinh làm từ chế phẩm sinh học trộn, ngâm với đậu nành, cá. “Với cây ổi, ngoài các chất khác, để quả đẹp và ngọt cần bổ sung Kali. Trong đó, Kali tự nhiên có nhiều trong hợp chất được ủ kĩ kia. Đó là gợi ý của những vị tiền bối” – chị Hà nhớ lại.
Tuy nhiên, để tổng hợp được thứ phân vi sinh dồi dào Kali tự nhiên, chị và các đồng sự đã mất hàng năm trời, với nhiều lần thất bại do tỉ lệ pha trộn, ngâm ủ chưa đạt. Sau chừng 1 năm, giữa năm 2022, chị Hà đã thành công sản xuất ra thứ phân bón giàu dinh dưỡng, giá thành rẻ từ đậu nành, cá để bón cây…
Dở chừng câu chuyện, chúng tôi đã tới vườn ổi. Mùa này, Sơn Dương ngoài những luống mía, ruộng dưa hấu là bạt ngàn những vườn ổi xanh ngát, được bao bọc cẩn thận trong bao xốp và túi nilon trắng. Chị Hà dẫn chúng tôi tới vườn của HTX, nơi sau khi loại phân hữu cơ kia thành công được chọn thí điểm bón.
Điều bất ngờ là cây ổi được cung cấp dưỡng chất xanh mướt, trĩu quả dù vào dịp đầu mùa – mùa ra lá, trổ hoa, đâm lộc, mọc cành. Dịp này, do ảnh hưởng bởi mưa nên cây ổi thường cho sản lượng quả thấp và nhạt. Thế nhưng nhờ thứ phân vi sinh mới này mà ổi vẫn ra quả đẹp, giòn, ngọt hơn các vườn ổi khác.
Sau khi bón thử cây mẫu thấy hiệu quả rõ rệt, chị mạnh dạn triển khai trên hơn 1.000 gốc ổi của HTX, thay cơ bản cho phân Kali hóa học. Vụ ổi dịp cuối năm 2022 bội thu. Không chỉ vườn ổi của HTX, chế phẩm này còn được áp dụng cho vườn ổi của các hộ tham gia trong chuỗi sản xuất của HTX.
Cách đó không xa, chừng hơn 1km là vườn ổi của hộ gia đình ông Đặng Đình Toán (thôn vườn Cau) tham gia chuỗi quy trình chăm sóc ổi của HTX Việt Hưng. Thời điểm này, đa phần các khu vườn chưa có hoặc ít quả thì khu vườn rộng chừng 2 sào của gia đình ông xanh tốt, vẫn cho trái khá to, trĩu quả, thu tới hàng chục kg quả/ngày.
Ông Toán kể: Nhờ ông anh họ giới thiệu, tôi vô tình biết tới cách chăm sóc này liền mạnh dạn thử. So với trước ổi to hơn, mượt, giòn, ngọt. Có khi vào vụ, trọng lượng ổi đạt 3-4 quả/kg. Ngoài cách chăm bón truyền thống ở Sơn Dương, có lẽ nhờ thứ phân lạ đó mà lá cây ổi dầy, xanh hơn. Nhờ đó cây khỏe hơn, quả nhiều.
Nhờ Kali tự nhiên quả ổi cũng to, ngọt hơn dù ổi thường rất nhạt dịp đầu hè. Tuy nhiên, cách chăm sóc cũng công phu hơn theo quy trình của HTX: Mỗi gốc cây được tưới 5 lít chế phẩm pha loãng với nước theo từng đợt. Đặc biệt khi cây ra hoa, quả được tưới tăng cường.
Nhờ cách làm này, vụ đầu sau 6 tháng chăm sóc, hơn 400 gốc ổi nhà ông đã cho thu hoạch 35-40 triệu đồng/tháng khi vào vụ. Ngoài thời gian chăm bón, gối vụ, thu nhập trung bình vụ ổi này đạt trên 100 triệu đồng, cao gần gấp rưỡi tới 2 lần với cách canh tác truyền thống. Đó là chưa kể chi phí vật tư, phân bón giảm đi nhiều, phân bón mới giúp cây khỏe, độ chống chọi sâu bệnh tốt hơn.
Mong ước nông nghiệp xanh, đưa quả ổi xuất ngoại
Thành công trong việc nghiên cứu, trồng ổi theo phương pháp mới, hiện HTX cũng đang mở rộng diện tích với phương pháp trồng ra các hộ dân. HTX cũng chuyển giao quy trình, cách thức chế biến các chế phẩm vi sinh để bón cho cây ổi cho 3 hộ dân ở xã. Điều các hộ phải tuân thủ triệt để là quy trình chăm sóc sạch, tưới đúng thời gian do HTX đề ra. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản lượng, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm OCOP của HTX” – chị Hà chia sẻ định hướng.
Sản phẩm của HTX đang đứng trước điều kiện thuận lợi, vận hội đi xa hơn. Liên tục trong tháng 8/2022 và 3/2023, mô hình trồng ổi bằng chế phẩm vi sinh của HTX là điểm đến tham quan tìm hiểu của đoàn Đại sứ quán Na Uy. Trong các buổi làm việc, vấn đề sản xuất sạch và xuất khẩu trái ổi ở Sơn Dương sang Na Uy đã được đề cập.
“Có thể nói đây là cơ hội, cánh cửa rộng mở cho trái ổi Sơn Dương nói riêng và trái ổi trong khu vực nói chung. Đây cũng là cách để người trồng ổi quan tâm nghiêm túc hơn về sản phẩm nông nghiệp sạch, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và nước ngoài, qua đó nâng cao thu nhập, vị thế cho sản phẩm” – ông Nguyễn Xuân Hải, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hạ Long, đánh giá về mô hình này.
Theo lãnh đạo UBND xã Sơn Dương thì một trong những lợi thế lớn là khu vực trồng ổi ở Sơn Dương là một trong 25 vùng trồng được cơ quan chức năng công nhận năm 2022. Có thể coi đây là tấm “hộ chiếu” để đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ra thị trường quốc tế. Được biết, doanh nghiệp cũng rất quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng hạng sản phẩm OCOP 5 sao. Đồng thời, HTX cũng đã ký kết hợp tác chặt chẽ, thu mua sản phẩm của các hộ gia đình, giúp nâng cao sản lượng cung ứng cho thị trường.
Không chỉ vậy, HTX Việt Hưng cũng đang định hướng phát huy giá trị nông nghiệp xanh, phát triển du lịch nông nghiệp bằng việc phát huy thế mạnh, nguồn lực của các thành viên HTX. Hiện nay, HTX đang xây dựng tour du lịch cộng đồng, du lịch canh nông gắn với di tích lịch sử cách mạng Sơn Dương, hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các gia đình, học sinh các trường học.
“Triệu phú hay làm giàu thì chưa rõ, nhưng chúng tôi vẫn đang lỗ!” – chị Hà đùa khi tiễn chúng tôi ra về.
Chị nhấn mạnh: “Điều chúng tôi mong muốn nhất chính là tăng thu nhập cho những người nông dân, tạo nên những vườn, ruộng ổi cho thu nhập cao. Người nông dân sẽ trở thành những triệu phú, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Bán những sản phẩm nông nghiệp với mức giá cao nhất, thì chất lượng cũng phải tương xứng. Một sản phẩm tốt xứng đáng với bao bì đẹp, sang trọng nhất. Chúng tôi sẽ hướng đến những khách hàng muốn sử dụng sản phẩm an toàn và muốn được phục vụ với thái độ trân trọng nhất”.