Bốn rưỡi chiều mỗi thứ ba, thứ năm hàng tuần, điểm sinh hoạt khu phố 3, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM rộn ràng tiếng trẻ em nô đùa. Khoảng 20 em nhỏ, từ mầm non tới THCS rất chờ đợi buổi dạy nhảy của cô giáo mầm non Lê Trúc Lan Vy (Trường mầm non Bông Sen, P.Tân Quý). Trẻ em không chỉ được hòa mình trong các điệu nhảy, múa dễ thương, mà còn được dạy các kỹ năng trình diễn trước đám đông, sự tự tin, kết nối với bạn bè.
Lê Trúc Lan Vy, 25 tuổi, bắt đầu với nghề cô giáo mầm non từ 4 năm nay. Luôn năng động, sáng tạo, thích xê dịch, trong dịp trường mầm non nghỉ hè, cô giáo trẻ này tham gia các hoạt động hè tại P.Tân Quý và đảm trách lớp dạy nhảy miễn phí cho trẻ em trong phường. Trong khu phố hay phường có hoạt động văn nghệ nào, cô giáo mầm non cũng là người biên đạo các tiết mục nhảy, múa, dẫn dắt học trò biểu diễn thành công.
“Làm việc với trẻ em luôn cho tôi cảm giác rất thoải mái. Những ngày hè không đến trường làm việc, tôi rất nhớ học trò. Những khi được dạy nhảy, được nói cười với các bé cho tôi thấy mình làm được nhiều điều ý nghĩa”, Lan Vy kể.
Khoảnh khắc từ một trái mít
Lê Trúc Lan Vy cho biết mình vốn có sở trường về múa, hát, nhảy, đồng thời là một người tự tin, năng động, tuy nhiên cô chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành giáo viên mầm non. Theo lời khuyên của mẹ, cô học ngành sư phạm mầm non, nhưng ngay cả khi ngồi trên giảng đường, cô vẫn chưa thể mường tượng ra rằng nghề nuôi dạy trẻ có thể cực đến thế.
Cho tới một ngày, có một khoảnh khắc bất ngờ đến, khiến cô ngộ ra đây chính là hạnh phúc trong công việc mà mình đã lựa chọn.
“Ngày đầu tiên tới trường mầm non để thực tập, tôi đã sốc nặng, sốc đến bần thần người và chỉ muốn òa khóc mà không biết làm sao. Trẻ ói khắp người tôi, có bé đã ị ngay giữa lớp học. Ngày kế tiếp, có trẻ ăn không tiêu đã ói ra khắp người, tôi ẵm bé vào toilet, tắm rửa hết thay đồ cho bé và dọn lớp. Nhiều người nói rằng cô giáo mầm non chỉ cần dạy trẻ múa, hát, vẽ tranh… Nhưng đó chỉ là một phần trong vô vàn công việc của các cô quần quật mỗi ngày, từ vệ sinh lớp học, làm học cụ, trang trí lớp, tổ chức lớp, rèn nề nếp, kỹ năng cho trẻ, cho trẻ ăn, trẻ ngủ, vệ sinh cho trẻ…”, cô giáo trẻ cho hay.
Một lớp có khoảng 30 bé và 2 cô giáo. Bài học đầu tiên của cô giáo mầm non khi mới ra trường, đi làm trong thực tế đó là kiên nhẫn học nghề, quan sát cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ của những cô giáo nhiều kinh nghiệm để học hỏi. Nhiều người bạn của Lan Vy đã bỏ dở kỳ thực tập, tạm dừng việc học sư phạm mầm non ngay khi mà kỳ thực tập mới chỉ bắt đầu vì không thể vượt qua cú sốc trẻ ói, ị, khóc, quậy trong lớp học.
Dù vậy, Lan Vy cho hay khi đã kết thúc kỳ thực tập, trúng tuyển kỳ thi tuyển giáo viên và chính thức đi làm thì những ngày đầu tiên, cô vẫn không có cảm giác vui vẻ. “Dù ngày ngày tôi vẫn tới trường đúng giờ, làm tròn công việc của mình, nhưng tôi vẫn không thấy trọn vẹn”.
“Hôm đó, tôi có việc phải đi công tác bên ngoài, tới chiều, khi trở lại lớp Chồi thì các bé ùa ra, mừng rỡ chào cô. Tôi thắc mắc không biết chuyện gì thì mấy bé cùng nhau ôm một miếng mít, đưa cho tôi và tranh nhau khoe “cô Vy ơi cô Vy, tụi con phần cô Vy một miếng”. Đồng nghiệp kể lại, hôm nay nhà trường cho trẻ được trải nghiệm hái mít chín từ cây trong sân trường và cùng nhau thưởng thức. Học trò nhất định kêu cô giáo phải chừa lại một miếng mít để phần cho cô Vy về ăn. Tôi nghe đến đó thì thấy sống mũi mình cay xộc. Giây phút ấy tôi như thức tỉnh, tôi biết rằng mình đã may mắn, chọn đúng nghề để cống hiến rồi”, cô giáo mầm non 25 tuổi xúc động kể.
Trẻ gọi điện cho cô rủ… đi uống cà phê
Cô giáo mầm non Lan Vy phần lớn được phân công dạy các lớp Chồi (4-5 tuổi) và Lá (5-6 tuổi). Gắn bó với trẻ lâu, yêu trẻ, có nhiều sáng tạo trong các hoạt động trong lớp, trường học, cô giáo “kute” càng được nhiều em nhỏ yêu mến.
Nhiều bé lớp Lá, chia tay cô giáo mầm non để vào lớp 1 thì khóc sướt mướt. Dịp nghỉ hè, trường học nghỉ dạy, biết cô Lan Vy dạy nhảy miễn phí, nhiều bé xin mẹ tới để học. Có nhiều bé nghỉ hè ở nhà lâu quá, còn mượn điện thoại của ba mẹ để gọi cho cô rủ… đi uống cà phê vì mong được gặp cô…
Cô giáo trẻ cho biết sự yêu mến của trẻ càng khiến các cô giáo mầm non có thêm động lực để gắn bó, yêu nghề đã chọn. Nghề nào cũng có những vất vả gian nan, nhưng nếu làm nghề nghiêm túc, bằng cái tâm sẽ tìm thấy hạnh phúc…