Cô giáo Trương Thị Mai vừa giành giải Nhất cuộc thi viết “Sức khỏe học đường, chất lượng nguồn nhân lực đất nước” do Tạp chí Công dân và Khuyến học tổ chức.
Đáng chú ý, cô Mai năm nay đã 60 tuổi, là một giáo viên mầm non về hưu.
Bài viết cô Mai gửi dự thi và được ban giám khảo chấm giải nhất có nội dung “Tầm quan trọng của biểu đồ sức khỏe trẻ mầm non”. Đó là một đề tài nghiên cứu công phu dựa trên những kinh nghiệm giảng dạy thực tế trong hơn 20 năm công tác.
Cô Mai xuất thân là một nghệ sỹ piano. Sau khi tốt nghiệp trường nhạc, vì lý do riêng, cô trở thành nữ tu tại TPHCM. Năm 1997, cô được bề trên cử đến Trường Mầm non Thanh Lịch (quận 9, TPHCM) để hỗ trợ các giáo viên ở đây chăm sóc trẻ.
Từ vai trò bảo mẫu hỗ trợ, cô Mai dần trở nên yêu thích nghề nuôi dạy trẻ. Cô đi học đại học ngành sư phạm mầm non khi đã gần 30 tuổi và gắn bó với công việc này cho đến lúc về hưu.
Điều đặc biệt là, trong suốt thời gian công tác, cô Mai thường được giao chăm trẻ khuyết tật.
Học trò khuyết tật đầu tiên của cô là một trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Sau khi tìm hiểu kỹ càng tình trạng sức khỏe và gia đình của trẻ, cô Mai xác định không thể chăm sóc trẻ một mình mà cần tất cả các trẻ trong lớp cùng chăm sóc bạn.
“Tôi nói chuyện với các con về bệnh của bạn, nhờ các con không chơi nhưng trò chơi vận động quá mạnh, chỉ chơi những trò nhẹ nhàng để bạn được chơi cùng. Sau mỗi tiết học, các con nhắc bạn uống nước để tránh đặc máu. Mỗi khi bạn có dấu hiệu gì khác thường, các con phải gọi cô ngay để cô giúp bạn.
Các con lớp 4 tuổi còn bé bỏng lắm, nhưng tâm hồn vô cùng nhân hậu. Khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ cô, các con sẵn lòng và hợp tác rất tốt với cô để cùng chăm sóc bạn, bảo vệ bạn”, cô Mai chia sẻ.
Một học trò khuyết tật đặc biệt khác của cô Mai là Thiện Nhân – em bé bị vứt bỏ lúc mới sinh, bị gia súc ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, sau đó được nhà báo Trần Mai Anh nhận làm con nuôi.
Thiện Nhân được giao vào lớp cô Mai khi cô vừa chuyển công tác ra Hà Nội và vừa nhận lớp được 2 ngày. Em học ở đây cho đến khi vào lớp 1.
Cô Mai tâm sự, với đứa trẻ bình thường, điều quan trọng nhất là miếng ăn và giấc ngủ. Với một đứa trẻ khuyết tật, miếng ăn và giấc ngủ được nâng tầm quan trọng lên nhiều lần. Bởi đó là hai yếu tố quyết định tới sức khỏe thể chất và tinh thần trên một cơ thể không may mắn của các em.
“Ngày nào gặp phụ huynh vào giờ trả trẻ, tôi cũng nói cho các phụ huynh biết nay con ăn gì. Mặc dù thực đơn nhà trường đã phát từ đầu tháng, nhưng không phải cha mẹ nào cũng chú tâm.
Sở dĩ tôi phải nhắc cho bố mẹ biết nay các con ăn gì, là để bố mẹ nấu cho con món ăn khác đi khi ở nhà. Dinh dưỡng ở trường là 70%, ở nhà là 30%, coi nhẹ mặt nào cũng khiến trẻ không tiếp nhận đủ dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển”, cô Mai chia sẻ.
Cô Mai nói thêm, có những ngày đầu tuần trẻ ăn uống kém, cô sẽ hỏi ngay bố mẹ xem con ăn gì để tìm ra vấn đề. Thông thường, lý do là ngày cuối tuần trẻ ăn quá nhiều đồ ăn nhanh hoặc là ăn trùng món với thực đơn ở trường.
“Có những giai đoạn được gọi là giai đoạn vàng phát triển, mà nếu cha mẹ, người nuôi dưỡng bỏ qua thì không thể nào bù đắp được sau này.
Vì thế, việc các con ăn gì được tôi ghi chép lại rất cẩn thận. Hàng tháng, tôi đo chiều cao cân nặng của các con, rồi tranh thủ lúc các con ngủ trưa thì bỏ sổ ra tính toán xem con nào tăng trưởng thế nào.
Với những bạn tăng cân nhanh, tôi ghi chú lại để tới bữa ăn thì nhắc các cô bảo mẫu cho trẻ ăn một bát canh trước, ăn cơm sau, nhằm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ.
Với những bạn tăng cân chậm, tôi sẽ nhắn tin cho bố mẹ để điều chỉnh thực đơn ở nhà cho các con”, cô Mai kể lại cách làm việc tỉ mỉ như một nhà nghiên cứu của mình.
Tương tự, giấc ngủ của trẻ cũng được cô Mai chăm lo cẩn thận. Với trẻ khó ngủ, hay trằn trọc, cô sẽ cho trẻ nằm cạnh mình để xoa đầu, xoa lưng cho trẻ dễ vào giấc.
Âm nhạc cũng là một liệu pháp được cô Mai sử dụng thường xuyên để trẻ hoạt động hiệu quả hơn trong giờ học, giờ chơi cũng như ăn ngon, ngủ ngon.
Cô Mai từng nhắc nhở một đồng nghiệp vì đã mắng trẻ khi thấy trẻ không ngủ trưa. Theo cô Mai, việc mắng trẻ vừa khiến trẻ không thể ngủ được, chỉ nhắm mắt vì sợ cô, vừa làm những trẻ khác thức giấc.
Những kinh nghiệm quý báu trong việc chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ của trẻ mầm non đã được cô Mai số hóa thành các biểu đồ công phu, thể hiện rõ ràng chi tiết từng kênh phát triển của trẻ và những giải pháp thiết thực.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, thành viên ban giám khảo, khi đọc bài dự thi của cô Mai đã vô cùng bất ngờ trước những số liệu dày dặn, khoa học và hấp dẫn được đúc kết từ thực chứng này.
Ngoài giải nhất dành cho cựu giáo viên mầm non 60 tuổi, ban tổ chức cuộc thi viết “Sức khỏe học đường, chất lượng nguồn nhân lực đất nước” còn trao 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích và 2 giải khích lệ dành cho bài viết nhiều người đọc nhất và tập thể có nhiều bài dự thi nhất.
Cũng tại lễ trao giải cuộc thi, Tạp chí Công dân và Khuyến học phát động cuộc thi mới có chủ đề “Gia đình học tập”.
Cuộc thi nhằm phản ánh những nét đẹp về học tập của các gia đình, tôn vinh những tấm gương gia đình có truyền thống hiếu học; tri ân công lao của ông bà, cha mẹ đối với sự học của con cháu; kết nối và lan tỏa cảm hứng học tập tới cộng đồng; đóng góp, đề xuất giải pháp thiết thực đối với phong trào học tập trong các gia đình Việt Nam…
Thời gian ban tổ chức nhận bài dự thi là 2/10/2024-1/5/2025.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/co-giao-mam-non-chuyen-nhan-tre-khuyet-tat-gap-phu-huynh-la-hoi-tre-an-gi-20240926153943641.htm