Mặc dù trường Nà Tạ, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể chỉ có 2 giáo viên “cắm bản”, nhưng khuôn viên điểm trường nhỏ luôn ngăn nắp, sạch sẽ và ngập tràn sắc màu của hoa. Góc học tập, góc vui chơi, góc trải nghiệm… được thiết kế đẹp, đảm bảo đúng tiêu chí của giáo dục hiện đại.
Điểm trường có 30 trẻ, chia thành 2 lớp, 100% trẻ là người dân tộc thiểu số, trong đó có tới 1/3 là con em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc thôn vùng đặc biệt khó khăn. Cô Phạm Thị Bách chia sẻ: Lớp học ở đây đã cũ bởi được xây dựng khá lâu, đồ dùng học tập còn hạn chế nên các cô giáo luôn cô gắng sáng tạo thêm những món đồ chơi, những thiết bị dạy học từ những vật dụng sẵn có để các em tiếp thu bài tốt hơn.
Cô cũng dành thời gian nghiên cứu nhiều đề tài, sáng kiến từ thực tế giảng dạy hàng ngày như: Sáng kiến “Một số biện pháp giúp trẻ dân tộc thiểu số lớp mẫu giáo 5-6 tuổi mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp”; Sáng kiến “Nâng cao hiệu quả trong việc tổ chức hoạt động vui chơi ở các góc cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong trường mầm non”… được hội đồng khoa học cấp huyện, tỉnh đánh giá cao.
“Là một giáo viên tôi mong trẻ luôn học trong môi trường đầy đủ vật chất, tinh thần để phát triển tốt nhất. Để làm điều đó, bản thân tôi luôn không ngừng trau dồi kiến thức, mạnh dạn đề xuất Ban giám hiệu những phương pháp dạy mới, phù hợp đặc điểm lớp, tình hình địa phương. Nhất là nắm tâm lý trẻ để kích thích sự sáng tạo, tò mò, hứng thú của trẻ”, cô Bách chia sẻ.
12 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Bách đã gắn bó với cả ngàn học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Cô Bách kể, hơn chục năm trước, khi mới nhận công tác ở điểm trường Nà Phạ (xã Đồng Phúc), lớp học chỉ là những miếng ván bưng lại, mái lợp proximăng. Học sinh ở điểm trường này đa phần là người dân tộc Dao, Mông. Thôn không ánh điện, những con đường gập ghềnh vượt dốc, trời mưa trơn trượt bùn đất, “cứ đi 3 bước lại phải lùi 1 bước”, không ít buổi học cả cô lẫn trò đều lấm lem…
Khó khăn khi đó từng làm nhiều cô giáo trẻ nao núng, thế nhưng cô Bách vẫn kiên trì bám trụ và dành trọn tình yêu với học trò nghèo. Một số trẻ không có tiền nộp ăn bán trú, cô Bách cùng các cô giáo trong trường tự nguyện góp tiền hỗ trợ và cũng không thu tiền trông trưa. Cô cũng cùng các thầy cô vận động, quyên góp thêm áo, chăn, hay những đôi ủng, đôi dép để các con bớt đi phần vất vả.
Chị Nông Thị Trang, một phụ huynh học sinh cho biết: “Cô Bách là một giáo viên nhiệt huyết, yêu nghề nên tôi rất an tâm, tin tưởng cho con học tại đây. Con học cô Bách về thấy con vui, khỏe mạnh hơn. Cô luôn động viên gia đình hướng dẫn tôi cách chăm sóc con khi trời rét, cách dạy con khoa học nên rất an tâm…”
Từ tình yêu trẻ, cô giáo Phạm Thị Bách có những chuyên đề dạy học được áp dụng theo định hướng đổi mới, sáng tạo. Trong 5 năm từ 2019 đến nay, cô Bách đã có 4 sáng kiến được Hội đồng khoa học cấp huyện công nhận và 2 sáng kiến được Hội đồng khoa học cấp tỉnh công nhận; 5 năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, và nhiều Bằng khen, giấy khen các cấp. Mới đây cô Phạm Thị Bách vinh dự là 1 trong 251 đại biểu nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương, khen thưởng.
Bà Nguyễn Mai Hiên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Giáo, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đánh giá: “Cô Bách là giáo viên trẻ, năng nổ, sáng tạo trong nhiệm vụ và luôn tiên phong trong hoạt động, phong trào thi đua của trường. Tích cực, sôi nổi và có nhiều ý tưởng, sáng tạo, giải pháp hay để đạt hiệu quả trong chăm sóc trẻ ở nhà trường và các nhóm lớp…”
Hơn 10 năm gắn bó với những điểm trường đặc biệt khó khăn giúp cô Phạm Thị Bách có thêm nhiều kinh nghiệm và vun đắp thêm tình yêu với những bản làng. Cô Bách bảo rằng: với những thầy cô giáo “cắm bản”, món quà ý nghĩa nhất trong cuộc sống, đó là niềm vui khi thấy những đứa trẻ vùng khó khăn có được bữa cơm ngon, có chiếc áo, đôi giày ấm đến lớp và hơn hết, các cô có sự ghi nhận, trân trọng và tình yêu thương của đồng nghiệp và đồng bào nơi bản làng. Đó cũng là động lực để các thầy cô vượt qua khó khăn, dành hết tình yêu thương cho những học trò nhỏ vùng cao.
Nguồn: https://vov.vn/xa-hoi/co-giao-cam-ban-duoc-vinh-danh-giao-vien-tieu-bieu-toan-quoc-post1136586.vov