Tin vào quảng cáo của spa nâng ngực không phẫu thuật, cô gái 19 tuổi được nhân viên tiêm chất làm đầy vào ngực. Sau đó, cô gái chóng mặt, choáng ngất được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Suýt phải cắt bỏ ngực vì nâng ngực bằng chất làm đầy
Sinh con đầu lòng xong, chị N.T.L. (19 tuổi, ở Hòa Bình) thấy ngực bị teo nhỏ đáng kể. Tin vào quảng cáo của spa nâng ngực không phẫu thuật, chị L. đã được tư vấn tiêm chất làm đầy vào ngực. Sau khi được tiêm, chị bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, choáng ngất và sau đó có dấu hiệu sốt rét run.
Chị L. được đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện, may mắn tình trạng ổn định. Tuy nhiên sau đó, chị vẫn sưng đau và nổi cục nhiều ở ngực, sưng nóng và sốt. Chị L. đến Bệnh viện Việt Đức thăm khám.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, trưởng khoa phẫu thuật hàm mặt – tạo hình – thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức, cho biết trường hợp này cô gái có thể phải cắt bỏ cả hai bầu ngực do nhiễm trùng từ chất làm đầy.
“Bệnh nhân mới 19 tuổi và còn muốn sinh con trong tương lai, vì vậy nếu phải cắt bỏ bầu ngực sẽ là biến chứng rất nghiêm trọng”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Điều này đặt ra thách thức cho các bác sĩ, làm sao lấy được tối đa chất làm đầy nhiễm trùng này ra khỏi cơ thể người phụ nữ mà không làm ảnh hưởng đến chức năng, khả năng nuôi con, đảm bảo thẩm mỹ.
Các bác sĩ đã sử dụng phương pháp mổ nội soi hiện đại, kết hợp với hệ thống siêu âm màu đa bình diện trong mổ đẻ để có thể lấy bỏ được hầu hết các khối chất filler lổn nhổn khắp nơi ra khỏi ngực bệnh nhân.
“Chỉ bằng với một đường rạch nhỏ, tối ưu về mặt thẩm mỹ và ít gây ảnh hưởng đến tuyến vú. Các bác sĩ đã áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để giữ lại chức năng của tuyến vú, giúp bệnh nhân có thể tiếp tục làm mẹ, tiết sữa cho con trong tương lai.
Với kỹ thuật này, bác sĩ đã có thể loại bỏ đến 90-95% chất filler một cách an toàn, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và giữ được chức năng của tuyến vú”, bác sĩ Hà cho biết thêm.
Sau một tuần phẫu thuật sửa lại bầu ngực cho chị L., kết quả siêu âm cho thấy các chất làm đầy đã được loại bỏ gần như hoàn toàn khỏi bầu ngực.
Nguy cơ ung thư gia tăng
Theo bác sĩ Hà tiêm filler, hay còn gọi là tiêm chất làm đầy vào ngực, là một hành động không được phép theo quy định của Bộ Y tế.
“Việc tiêm các chất không rõ nguồn gốc vào ngực có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngay lập tức, có thể xảy ra tình trạng tắc mạch máu, chất tiêm có thể di chuyển lên não hoặc phổi và gây tắc mạch ở các cơ quan này. Điều này tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Ngoài ra, việc tiêm các chất không rõ nguồn gốc, tại các cơ sở không được cấp phép còn làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Nhiều bệnh nhân sau khi tiêm filler ở các spa không rõ nguồn gốc thường bị sốt, rét run, nhiễm trùng hoặc bị chảy mủ qua vết tiêm”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Theo bác sĩ Hà, trước đây một số người đã tiêm silicon lỏng vào ngực nhưng loại chất này đã bị cấm từ lâu. Hiện nay, một số sản phẩm nhập lậu và không có giấy phép như mỡ nhân tạo được sử dụng để tiêm vào cơ thể.
Những chất này không rõ nguồn gốc và không an toàn, đặc biệt khi tiêm vào tuyến vú, một mô có chức năng tiết sữa và có nguy cơ gây ung thư cao.
Trong một số trường hợp, nhiễm khuẩn có thể kéo dài và làm ngực sưng đau, nổi cục hoặc thậm chí chảy mủ qua các vết rò. Những tình trạng này có thể kéo dài và điều trị rất khó khăn.
Nhiều bệnh nhân phải đến bệnh viện điều trị dài ngày, thậm chí phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú.
Các bác sĩ khuyến cáo trước khi quyết định tăng kích thước ngực, bạn nên tìm hiểu kỹ về các phương pháp an toàn và hiệu quả. Các phương pháp được Bộ Y tế và y học thế giới công nhận bao gồm nâng ngực bằng phẫu thuật.
Nguồn: https://tuoitre.vn/co-gai-19-tuoi-suyt-cat-bo-nguc-vi-nang-nguc-20250115144452944.htm