(NLĐO)- Nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng các dự án trọng điểm được gia hạn, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư quá nhiều lần
Chiều ngày 13-12, ngồi “ghế nóng” trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII về tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án có quy mô lớn, trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT), cho biết, trên địa bàn tỉnh có 23 dự án quy mô lớn, trọng điểm đang triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng 74.208 tỉ đồng. Trong số này chỉ có 7 dự án bảo đảm tiến độ.
Đặt vấn đề về các dự án chậm tiến độ, cá biệt có dự án chậm tới 20 năm, các đại biểu đề nghị Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thanh Hóa nêu rõ nguyên nhân chậm tiến độ, đồng thời chỉ rõ lý do và có các giải pháp để các nhà đầu tư sớm đưa dự án vào hoạt động.
Đại biểu Đỗ Ngọc Duy, Phó trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Thanh Hóa (Tổ đại biểu huyện Nga Sơn), cho rằng có rất nhiều dự án chậm tiến độ, trong đó có việc nhà đầu tư chưa muốn triển khai dự án, đưa ra nhiều lý do để “cố tình” kéo dài thời gian.
“Có nhiều dự án trong quá trình tổ chức thực hiện, có sự điều chỉnh chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch… nên kéo dài thời gian rất nhiều. Cá biệt, có dự án 8 lần thay đổi chứng nhận chủ trương đầu tư, đó là Dự án cải tạo mở rộng dây chuyền 1 dự án xi-măng Công Thanh. Đề nghị làm rõ nguyên nhân điều chỉnh nhiều lần của dự án”- đại biểu Đỗ Ngọc Duy nêu.
Ông Lê Minh Nghĩa cho biết về mặt quy định của pháp luật, trong quá trình triển khai, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu thuộc quy định của Luật Đầu tư. Ông Nghĩa cũng khẳng định nếu có dự án điều chỉnh để kéo dài thời gian thì sẽ không cho phép. “Khi điều chỉnh phải có lý do và chỉ đồng ý với những lý do mang tính khách quan”- ông Nghĩa khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Túy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa (Tổ đại biểu huyện Thường Xuân), nêu câu hỏi về việc 3 dự án xử lý rác thải chậm tiến độ trên địa bàn, cá biệt có dự án xử lý rác thải tại thị xã Bỉm Sơn, bắt đầu triển khai từ năm 2004, tới nay đã 20 năm, nhưng chưa biết đến lúc nào hoàn thành, đưa vào khai thác.
“Nguyên nhân thực sự dẫn đến chậm trễ kéo dài, không hoàn thành của 3 dự án xử lý rác thải, đồng thời đưa ra giải pháp để sớm hoàn thành đưa các dự án vào hoạt động để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn”- ông Túy đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, ông Lê Minh Nghĩa cho biết dự án chậm tiến độ 20 năm ở Bỉm Sơn hiện đã được tháo gỡ, nhà đầu tư đang triển khai và cam kết đến năm 2025 sẽ đưa vào vận hành, trong khi nhà máy xử lý rác tại TP Sầm Sơn tuy có chậm, nhưng vẫn chưa thuộc trường hợp thu hồi, nhưng tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nếu có vi phạm về đất đai sẽ thu hồi.
Nhiều đại biểu cũng chỉ ra rằng có nhiều dự án chậm tiến độ được nêu ra là do công tác giải phóng mặt bằng, vậy đâu là nguyên nhân, giải pháp để tháo gỡ.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thanh Hóa, qua đánh giá, thấy rằng công tác giải phóng mặt bằng không triệt để, chỗ nào dễ giải phóng trước, chỗ khó để lại, vì thế có dự án 10 năm nay chưa giải phóng xong mặt bằng. “Vì không giải phóng hết được mặt bằng nên tiến độ dự án chậm, kéo dài. Cái này do công tác quản lý, điều hành của chúng ta không làm quyết liệt ngay từ đầu”- ông Nghĩa nêu thực tế.
Ông Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa, đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ thêm việc dự án chậm tiến độ quá lâu, được gia hạn nhiều lần, Giám đốc Sở KH-ĐT và đại diện Ban Quản lý KKT Nghi Sơn đều cho rằng đúng quy định pháp luật.
“Việc gia hạn thì đúng quy định mới gia hạn, nhưng cứ đến 24 tháng lại gia hạn tiếp, xác định nhà đầu tư không có chây ì thì mới gia hạn. Nhưng cứ gia hạn liên tục như thế liệu có đảm bảo nhà đầu tư có thực sự nhiệt tình để làm hay không. Cứ mỗi lần gia hạn, rồi thay đổi, như thế lại chậm tiếp, có dự án chậm tới 20 năm như đại biểu đã nêu. Cần phải làm rõ việc này”- đại biểu Lê Tiến Lam đặt vấn đề.
Trả lời việc gia hạn dự án liên tục, ông Nghĩa cho biết căn cứ theo quy định của luật và có nguyên nhân khách quan mới được gia hạn, nếu dự án đã giao đất mà chậm tiến độ thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, nếu chậm 24 tháng sau đó gia hạn tiếp 24 tháng vẫn chậm sẽ thực hiện thu hồi.
“Về dự án chưa giao đất, Sở KH-ĐT sẽ rà soát, nếu vi phạm chủ trương đầu tư, quá thời gian mà không hoàn thành hồ sơ, thủ tục thì sẽ báo cáo tỉnh thu hồi, chấm dứt. Từ năm 2021 đến nay, sở đã rà soát và thu hồi 11 dự án. Đối với những dự án được giao đất, Sở TN-MT có trách nhiệm rà soát về việc sử dụng đất có đảm bảo hay không. Còn về cụ thể dự án xử lý rác thải ở Bỉm Sơn quá lâu, chúng tôi sẽ có báo cáo giải trình riêng qua các lần điều chỉnh”- ông Nghĩa nói.
Nguồn: https://nld.com.vn/co-du-an-trong-diem-8-lan-thay-doi-giay-chung-nhan-dau-tu-196241213175243705.htm