Tín dụng tăng đột biến tháng 12.2023
Với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% so với cuối năm 2023, có khoảng 2 triệu tỉ đồng sẽ được đưa ra nền kinh tế, đưa tổng dư nợ đạt khoảng 15,6 triệu tỉ đồng vào cuối năm nay. Ngoài việc đưa ra công thức tính hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng (NH), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng yêu cầu các NH thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn; bảo đảm chất lượng tín dụng cũng như an toàn hoạt động.
Nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định, không đúng đối tượng, cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp (DN) thuộc hệ sinh thái, DN sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, DN có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng.
Nhìn lại năm 2023, có thể nói chưa bao giờ tăng trưởng tín dụng lại trầy trật và cuối cùng vẫn không đạt được mức tăng trưởng như kế hoạch đề ra. Dư nợ tín dụng năm 2023 tăng 13,5% so với cuối năm 2022 (kế hoạch đầu năm là tăng từ 14 – 15%), với tổng dư nợ đạt khoảng 13,6 triệu tỉ đồng. Nhưng ngay cả không đạt, thì dư nợ tín dụng tháng 12 cũng tăng đột biến, giúp con số tăng trưởng của cả năm gần đạt được kế hoạch đề ra, gây bất ngờ cho thị trường. Bởi trước đó, vào cuối tháng 11.2023, NHNN công bố tăng trưởng tín dụng 9,15%, khoảng 13 triệu tỉ đồng. Như vậy, chỉ trong tháng 12.2023, các NH cho vay ra nền kinh tế lên gần 600.000 tỉ đồng, chiếm 1/3 tổng mức tín dụng tăng thêm của cả năm 2023.
Lý giải về cú tăng tốc ở tháng cuối cùng của năm ngoái, TS Lê Đạt Chí, Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng tín dụng bắt đầu tăng từ tháng 11, đã có một lượng tiền tăng “kinh khủng” ra thị trường để đạt được mức kế hoạch đề ra. Ông Chí đặt vấn đề nền kinh tế vẫn còn khó khăn nhưng hấp thụ một lượng lớn tín dụng trong thời gian ngắn là điều bất thường. Vì vậy, cần làm rõ tín dụng cuối năm đi vào sản xuất kinh doanh hay lĩnh vực đầu cơ. Liệu có hay không việc các NH tăng trưởng nhanh cuối năm để nhận được hạn mức tín dụng tăng cho năm 2024?
Việc giao hết hạn mức tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm cho các NH, theo ông Lê Đạt Chí, chứng tỏ NHNN tự tin lạm phát không làm khó đối với chính sách tiền tệ. Khi được giao hết hạn mức tín dụng năm, các NH thương mại sẽ biết được mức tín dụng trong năm cho vay ra là bao nhiêu, từ đó có kế hoạch tiếp cận khách hàng. So với cách giao tín dụng của 2 năm qua theo hình thức “ném đá dò đường” để kiểm soát lạm phát, diễn biến kinh tế tới đâu thì NHNN xem xét cấp hạn mức tín dụng tới đó khiến các NH thương mại bị động trong việc xem xét cấp tín dụng cho DN, thì việc giao như năm nay sẽ giúp họ chủ động hơn.
“Với việc cấp hạn mức tín dụng giật cục như những năm trước thì không những NH gặp khó mà cả DN cũng sẽ khó có thể tiếp cận được vốn vay NH. Với cơ chế giao hết hạn mức tín dụng, NH sẽ tính được dòng tín dụng vào khách hàng, lĩnh vực nào, DN nào ưu tiên cho vay với lãi suất thấp… NH rõ ràng trong định hướng phát triển và cả nền kinh tế cũng được thúc đẩy ngay từ đầu năm”, ông Chí nhận xét.
Cần giám sát dòng vốn tín dụng
Với hơn 2 triệu tỉ đồng sẵn sàng bơm vào nền kinh tế, nhiều DN khấp khởi sẽ có thể tiếp cận tín dụng NH đỡ vất vả hơn năm trước. Ông Lê Đạt Chí cho rằng tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15% hay 20% không phải vấn đề, mà cốt lõi là vốn tín dụng sẽ đi đâu. Nếu như trước đây tín dụng dễ cho trái phiếu, bất động sản thì bây giờ có tiếp tục cho những lĩnh vực này hay không.
Thêm vào đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% có giúp thúc đẩy được kinh tế, gia tăng của cải, sản xuất ra nhiều hàng hóa xuất khẩu, thu về ngoại tệ, nhà máy có đơn hàng duy trì công ăn việc làm cho người lao động hay không mới là quan trọng. Trường hợp tín dụng chỉ đổ vào tài sản đầu cơ, hay “tưới tiêu” cho sân sau, hệ sinh thái của các ông chủ NH thì bao nhiêu cũng không đủ.
“Vì thế, việc giám sát dòng vốn tín dụng vào sân sau, vào hệ sinh thái của sân sau không phải là dễ. Làm sao cơ quan giám sát phát hiện được sân sau là công ty người khác đứng tên, điển hình như vụ án bà Trương Mỹ Lan có đến hàng ngàn công ty sân sau. Nếu không giám sát được tín dụng vào sân sau thì DN bên ngoài sẽ khó tiếp cận được vốn tín dụng”, ông Chí đặt vấn đề.
Đặc biệt, theo chuyên gia này, năm 2023 tăng trưởng tín dụng 13,5%, gần đạt kế hoạch đề ra nhưng tăng trưởng kinh tế lại thấp hơn so với kế hoạch, đạt 5,05%. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15% thì phải đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt được như kế hoạch đề ra, còn không phải xem dòng tín dụng này đi đâu. “Chính sách tiền tệ định hướng hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh nào phải rõ ràng để có hỗ trợ cụ thể. Chẳng hạn, chỉnh sửa lại hệ số rủi ro cấp tín dụng nhằm thúc đẩy tín dụng vào lĩnh vực đó. Ví dụ cho vay bất động sản, nếu đẩy tăng trưởng tín dụng cho vay nhà ở xã hội thì hệ số rủi ro ở mức thấp, còn trường hợp mua biệt thự, nhà ở cao cấp thì có thể tính hệ số rủi ro cao lên”, ông Chí đề xuất.
TS Lê Xuân Nghĩa, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận xét việc giao tín dụng ngay từ đầu năm sẽ giúp các NH chủ động trong hoạch định chiến lược kinh doanh. Còn việc DN có dễ tiếp cận được vốn vay hay không còn phụ thuộc vào các điều kiện vay vốn. Đối với cho vay hiện nay có 2 điều kiện mà DN phải đảm bảo, đó là khả năng trả nợ trên cơ sở thẩm định dự án và tài sản đảm bảo. Đối với khả năng trả nợ, DN phải có đơn hàng. Còn đối với tài sản đảm bảo khoản vay, các DN đi vay hầu hết đã đưa tài sản vào NH, đó là chưa kể việc định giá tài sản hiện nay cũng phức tạp. Trong trường hợp hiện nay, NH thiên về khả năng thẩm định dự án có hiệu quả, khả năng trả nợ của DN thì việc tiếp cận vốn vay sẽ dễ hơn.
Báo cáo kết quả thanh tra điều hành tăng trưởng tín dụng trong tháng 1
Trước tình hình tăng trưởng tín dụng còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra, vào tháng 12.2023, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, NHNN về việc thanh tra điều hành tăng trưởng tín dụng. Văn bản đề cập việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, việc phân giao hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng chưa thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả, còn có ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.
Để kịp thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của NHNN trong điều hành tăng trưởng tín dụng, xây dựng, giao, điều hành chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023, công tác quản lý, giám sát việc thực hiện tăng trưởng tín dụng. Thanh tra Chính phủ được giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai trong tháng 12.2023 và kết quả thanh tra trong tháng 1.2024.