Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16% trong năm 2025, mức cao nhất trong nhiều năm
Ngay ngày cuối năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)đã ra văn bản gửi các tổ chức tín dụng, thông báo về nguyên tắc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025, với mức tăng trưởng dự kiến toàn ngành khoảng 16%. Văn bản cũng nêu rõ: “Các giải pháp điều hành tín dụng sẽ được triển khai phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát”.
Quyết tâm đẩy vốn ra nền kinh tế
Theo NHNN, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giao cho từng NH thương mại sẽ dựa trên kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2024 theo quy định. Các tổ chức tín dụng cần bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định pháp luật, trên cơ sở năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh định hướng tăng trưởng tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến và tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng, bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế, gắn với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.
“Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được NHNN chủ động thực hiện, tạo điều kiện để các NH cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế, không cần tổ chức tín dụng phải gửi văn bản đề nghị” – NHNN nêu rõ.
Đặc biệt, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.
Số liệu mới nhất của NHNN cho thấy đến giữa tháng 12-2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm ngoái. Tín dụng tập trung vào các ngành sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Tại NH Tiên Phong (TPBank), đến đầu tháng 12-2024 tăng trưởng tín dụng của NH này đạt khoảng 18%. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, cho biết việc NHNN giao chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm tùy theo điểm xếp loại của từng tổ chức tín dụng, đã giúp các NH chủ động cung ứng vốn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN). “Kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc, nhu cầu tín dụng của người dân tăng lên giúp dòng vốn đẩy ra thị trường nhiều hơn” – lãnh đạo NH này kỳ vọng.
Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ
Dù vậy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng dự kiến năm 2025 được NHNN công bố đã ngay lập tức gây chú ý cho thị trường, bởi mức tăng này khá cao so với những năm trước (khoảng 14%-15%).
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP HCM, việc cơ quan quản lý ngay cuối năm 2024 đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng cao và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng NH thương mại đã cho thấy quyết tâm đẩy vốn ra thị trường. Đây cũng là một trong những giải pháp về vốn khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP rất cao cho cả năm nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển cho biết từ sau giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ năm 2011-2013, tăng trưởng tín dụng hằng năm chỉ dao động trong khoảng 12%-14%.
Giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng tín dụng chỉ khoảng 11% nhưng tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức cao 7%. Từ năm 2022 tới nay, lượng vốn tín dụng ra nền kinh tế được NHNN định hướng trong khoảng 14%-15%. Vì vậy, con số 16% của năm 2025 có thể nói là cao hơn so với những năm trước.
“Giai đoạn vừa qua, một số NH vươn lên tốp đầu về tăng trưởng tín dụng nhưng đi cùng với đó là nợ xấu gia tăng. Vì vậy, việc đẩy vốn ra thị trường mạnh là đúng nhưng cần gắn với kiểm soát chặt chỉ tiêu về chất lượng tín dụng, nguồn thu dịch vụ, tỉ lệ nợ xấu, sự gắn bó của khách hàng trong quá trình vay vốn và tiền gửi… Đây là các chỉ tiêu để NH tạo ra giá trị gia tăng từ dịch vụ của mình, tăng trưởng bền vững” – TS Đinh Thế Hiển nói.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ NH năm 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị NHNN tiếp tục phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm an toàn hệ thống NH, giảm nợ xấu, cung cấp vốn thúc đẩy phát triển kinh tế. NHNN và các tổ chức tín dụng cần tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp hỗ trợ vốn cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa; triển khai biện pháp hỗ trợ vốn cho phát triển xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, năng lượng sạch…
Về lãi suất năm 2025, PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhận định mặt bằng lãi suất hiện tại khó có khả năng giảm thêm, thậm chí có thể phải tăng nhẹ. Nguyên nhân là vì lãi suất phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là lạm phát. Theo ông, mức lạm phát quanh 3% – 4% hiện nay là bình thường và khó có thể giảm thấp hơn nữa.
“Để hạ lãi suất, cần từ bỏ một phần mục tiêu về tỉ giá nhưng cơ quan quản lý đang hướng đến cân bằng cả 2 mục tiêu: duy trì lãi suất quanh mức 6%/năm và kiểm soát lạm phát ở mức 4%. Vì vậy, để bảo đảm lãi suất thực dương, khả năng giảm lãi suất cho vay là rất thấp. Với mức lãi suất hiện tại, việc duy trì đã là thành công và không nên kỳ vọng giảm thêm trong thời gian tới” – ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Vẫn có khả năng giảm lãi suất
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô năm 2025, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở ngưỡng thấp dù có sự phân hóa.
Chất lượng tín dụng và lãi suất cho vay được NHNN theo dõi chặt chẽ. VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ DN theo định hướng của Chính phủ. Có điều, các DN có lịch sử tín dụng yếu có thể gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, thậm chí phải chấp nhận một mức lãi suất cao hơn.
Tuy nhiên, ở góc độ NH, ông Nguyễn Hưng cho biết nếu điều kiện thuận lợi hơn, lãi suất đầu vào giảm, TPBank sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với cả khách hàng mới và khách hàng hiện hữu.
Nguồn: https://nld.com.vn/bom-manh-von-tin-dung-ngay-tu-dau-nam-196241231215456587.htm