Chị Yến Nhi có chồng là người Mỹ, xuất thân từ tộc người Amish với lối sống tối giản, từ chối mọi tiện nghi của nhân loại.
Người phụ nữ chưa bao giờ ân hận với quyết định lấy chồng và làm dâu ở nơi đặc biệt này.
Chị Nguyễn Thị Yến Nhi (35 tuổi, quê Kiên Giang) có chồng là anh John Lapp (39 tuổi, ở bang Pennsylvania), nơi tập trung đông đảo người Amish. Cộng đồng người người Amish ở đây vẫn giữ nguyên truyền thống lâu đời từ xa xưa.
Họ không sử dụng ô tô, phương tiện chính để di chuyển là xe ngựa, nói không với công nghệ hiện đại, không sử dụng điện,… Người Amish thường mặc những trang phục giản dị và đơn sắc, không có khóa kéo hay cúc bấm, đội nón rơm, nón nỉ màu đen. Nguồn thức ăn của họ được chế biến từ những nguyên liệu tự cung, tự cấp. Với nàng dâu Việt, ẩm thực ở đây hợp với khẩu vị người miền Tây như chị.
Đám cưới đơn giản chỉ tốn 100 USD
Tranh thủ khi con say giấc, chị Nhi đã chia sẻ với Thanh Niên cuộc sống làm dâu ở nơi xa lạ này.
Chị cho biết, năm 2018, anh John Lapp muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài với công nghệ hiện đại nên anh ra khỏi cộng đồng, bắt đầu cuộc sống mới.
Anh ở riêng trong một căn nhà nhưng vẫn thuộc khu vực tập trung đông người Amish. Nhờ có điện thoại di động, anh tìm hiểu và bắt đầu kết bạn với mọi người qua mạng xã hội. Anh quen với một người bạn và được người đó giới thiệu đến chị.
Tháng 11.2018, anh đến Việt Nam du lịch và ngỏ ý muốn gặp nhưng chị từ chối. Sau đó một tháng, người bạn đó vẫn nhận ra giữa anh và chị có sự liên kết nên đề nghị lập một nhóm chat có 3 người cùng nhau nói chuyện. Chị Nhi tham gia với tâm thế sẽ có thêm một người bạn.
Chị Nhi và anh đều theo đạo Tin lành. Tháng 1.2019, chị có chuyến công tác đến một nhà thờ ở Campuchia. Thời gian đó anh đang tìm hiểu về mục vụ trẻ em nên hai người nói chuyện với nhau nhiều hơn, nhận ra có sự đồng cảm. Sau đó không lâu, anh quyết định tỏ tình, bày tỏ nghiêm túc mong muốn sẽ có người đồng hành. Chị đồng ý với lời tỏ tình này, hai người chính thức yêu nhau.
“Tháng 2.2019, anh cầu hôn và xin phép ba mẹ mình để hai đứa tiến tới. Buổi cầu hôn diễn ra khá đơn giản và anh quay về Mỹ 2 tuần sau đó. Tháng 5.2019, anh quay lại và tụi mình đính hôn. Sau khi đính hôn, anh về Việt Nam liên tục trước khi vợ chồng mình bay sang Mỹ sinh sống”, chị nói.
Năm 2020 dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện. Chị đến đại sứ quán làm thủ tục và qua Mỹ. Một tuần sau, toàn bộ sân bay đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đám cưới của cặp đôi diễn ra sau đó không lâu.
Lễ cưới của cặp vợ chồng diễn ra vô cùng đơn giản, chỉ tốn khoảng… 100 USD. Ba mẹ rất thương anh nhưng vì anh ra khỏi cộng đồng nên không có ai tham dự lễ cưới, chỉ có một người cháu gọi anh bằng cậu và một vài người bạn tham gia.
“Lúc đó tôi như người trên mây, không một người thân bên cạnh. Tuy nhiên, khi quen tôi đã tìm hiểu về cộng đồng, anh cũng tâm sự nhiều trước đám cưới, xác định sẽ có những khó khăn kèm theo nên mình không hụt hẫng. Ở Việt Nam, mình cũng nghe mọi người nói với mẹ là “tại sao lấy chồng Mỹ mà khổ như vậy, không như kỳ vọng và cuộc sống không giàu có như người khác”, người phụ nữ nhớ lại.
Tự xây nhà, làm vườn
Thời gian đầu chị khá sốc nhiệt, không quen với thời tiết lạnh ở đây. Sau đám cưới, chị phát hiện mình có em bé nên cũng không để tâm vào những lời nói xung quanh, cố gắng vun vén mái ấm gia đình. Hiện, vợ chồng chị Nhi có một bé gái 2,5 tuổi.
“Mình cũng được may mắn tham dự một lễ cưới trong cộng đồng Amish. Cô dâu mặc trang phục rất đơn giản, không trang điểm lòe loẹt. Đám cưới ở đây thường được tổ chức vào mùa có rau cần tây. Món cần tây chấm muối cũng xuất hiện trong những bữa tiệc cưới”, chị nói.
Anh John Lapp tâm sự, trong thời gian tìm hiểu, anh nhận ra bản thân và vợ có niềm tin với nhau. Dù khác quốc tịch, văn hóa nhưng ở hai người luôn có sự gắn kết. Trong cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những bất đồng, cãi vã. Chị thường nói đùa anh hãy “trả vợ về nơi sản xuất” nhưng anh cười trừ, không bao giờ đồng ý. Với anh, chị là người Chúa chọn làm vợ của mình, luôn có tình thương đặc biệt với trẻ em.
Khu chị sống không nhiều người Việt và không có chợ châu Á. Vì vậy, mỗi khi thèm đồ ăn Việt Nam chị sẽ tự tay chế biến cho hợp khẩu vị. Với chị, chồng là người hiền lành, không bao giờ có lời nặng tiếng, dẫu có chuyện gì xảy ra cũng không bao giờ ly hôn.
Khu đất của vợ chồng chị Nhi rộng khoảng 8ha. Ngoài phần đất xây nhà, họ dành phần lớn diện tích để làm vườn. Khu vườn là nơi cung cấp nguồn nông sản giúp vợ chồng anh chị có thu nhập mỗi ngày. Thời gian tới, họ sẽ tập trung làm vườn cây ăn trái để việc kinh doanh càng phát triển.