‘Cò đất’ đang ‘nhờn’ quy định?
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết, có tình trạng “cò” đất thổi giá, đẩy giá nhà lũng loạn thị trường. Đơn cử, tại nhiều cuộc đấu giá đất khu vực vùng ven Hà Nội được các đối tượng thổi giá lên rất cao, sau đó bỏ cọc.
Để kiểm soát thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho biết đã có những quy định pháp luật rất rõ như Luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Đất đai và đặc biệt là Luật Bất động sản 2023 với rất nhiều điều khoản cấm hành vi thổi giá, làm lũng loạn thị trường.
Đồng thời, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các địa phương cũng đã có các quy định riêng để ngăn chặn tình trạng thổi giá, trục lợi từ bất động sản. Tuy nhiên, dương như các quy định hiện nay chưa giải quyết được triệt để tình trạng “cò đất” làm loạn thị trường.
Ông Nguyễn Trung Tuấn, chuyên gia bất động sản cho rằng: “Cò đất” hiện nay giống như “con virus đã nhờn thuốc”, bởi nhiều chiêu trò, lách luật.
Ví dụ, trong hoạt động đấu giá đất, quy định nêu rõ “nếu người trúng đất đấu giá không thực hiện giao dịch thì sẽ mất cọc”. Tuy nhiên, mức cọc rất thấp chưa có tính răn đe.
Hoặc trong hoạt động mua – bán chung cư, nhiều “cò đất” tạo giao dịch giả để nâng giá chung cư. Tuy nhiên, cơ quan nào sẽ xác minh các giao dịch này là giả, liệu có phải là “tay trái bán sang tai phải” hay không cũng rất khó xác minh. Vì vậy, với quy định hiện nay khó có thể giải quyết triệt để trình trạng “cò đất” làm loạn thị trường.
Một số đề xuất mới
Mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Tài chính cùng nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế đối với cá nhân sở hữu nhiều nhà/đất; đồng thời đánh thuế những bất động sản bị bỏ hoang, không sử dụng. Bộ kỳ vọng đây sẽ là quyết sách góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, “lướt sóng”, gây nhiễu loạn thị trường.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất việc đánh thuế bất động sản thứ hai để “hạ nhiệt” giá nhà. Nhiều năm qua, vấn đề đánh thuế bất động sản thứ hai đã được đưa ra thảo luận nhưng vẫn chưa thể ban hành. Hiện nhiều ý kiến tiếp tục cho rằng đây chưa phải là biện pháp hữu hiệu.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, đánh giá, đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai tại thời điểm hiện tại hoàn toàn chưa phù hợp. Vì không chỉ khiến thị trường mất niềm tin mà còn có thể làm giá nhà tăng cao, người dân mất cơ hội tiếp cận. Nguy hiểm hơn là khả năng phản ứng ngược khi người dân rơi vào vòng xoáy thắt chặt chi tiêu, gây suy thoái kinh tế.
Ông Hiển phân tích: Trong suốt thời gian dài, thị trường bất động sản đã liên tiếp gặp những cú sốc. Ban đầu là dịch bệnh, những khó khăn về địa chính trị quốc tế, rồi tới chính sách siết tín dụng và sau đó là một số vụ việc tiêu cực. Sau nhiều nỗ lực, thị trường đang bước đầu phục hồi nhưng vẫn còn rất khó khăn.
Vấn đề quan trọng nhất lúc này là lấy lại niềm tin của thị trường, tránh mọi cú sốc hay rào cản mới, như việc thêm một sắc thuế với bất động sản. Thực tế thời gian qua, TP HCM có đề xuất khung giá đất mới và lập tức không nhận được sự đồng thuận trong xã hội.
Chưa kể, khi người dân mua một mảnh đất đã là nộp thuế thu nhập cá nhân, nộp thuế đất đầy đủ, còn tạo công ăn việc làm cho môi giới, tạo điều kiện giúp người bán đất kiếm được tiền, bơm tiền lại vào nền kinh tế…Khi xây nhà trên mảnh đất đó nghĩa là nhà đầu tư đã đóng góp cho ngành xây dựng, giúp tiêu thụ sắt, thép, gỗ, nội thất…Vì thế việc họ chịu thuế nhiều hơn cũng không phù hợp.
Thêm vào đó, bất động sản không chỉ là nơi để ở mà còn đóng vai trò là đầu vào của các hoạt động kinh tế. Chẳng hạn, với người sản xuất kinh doanh, ngoài bất động sản thứ nhất là nhà xưởng, cửa hàng…thì họ đều phải sở hữu hoặc đi thuê bất động sản thứ hai để ở. Việc áp thuế với bất động sản thứ hai trong trường hợp này khiến giá hàng hóa dịch vụ họ bán ra phải cộng thêm mức thuế hằng năm và cuối cùng bên gánh chịu chính là người tiêu dùng.
Ngoài đề xuất nêu trên, Bộ Xây dựng cũng vừa ban hành hai văn bản đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công điện số 82 của Thủ tướng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi các quy định pháp luật liên quan đến các dự án chủ đầu tư đương mại, môi giới có hiện tượng thổi giá, trục lợi và có biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngay.
Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, xác định tiền sử dụng đất nhằm đảm bảo nguồn thu thị trường, giảm các hành vi trực lợi, đặc biệt là Hà Nội, TP HCM.
Kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét tín hiệu mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý nhằm hạn chế rủi ro về giá.
Nguồn: https://www.congluan.vn/co-dat-dang-nhon-quy-dinh-phap-luat-post315809.html