Cải cách tiền lương là một trong những nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và đây cũng là một trong những chìa khóa để mở ra các chính sách đãi ngộ nhằm góp phần xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức nước nhà, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới như nội dung mà Hội nghị Trung ương 8 khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận.
Cần đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương để thu hút, giữ chân người có năng lực trong khu vực công. Ảnh: Hải Nguyễn
Cần những cánh chim đầu đàn
Mới đây, Nhà xuất bản Elsevier công bố bảng xếp hạng 100.000 các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2023, gồm 47 người là nhà khoa học người Việt (tăng thêm 12 người so với năm 2022). Có thể kể tên những nhà khoa học tên tuổi như PGS.TS Trần Xuân Bách (ĐH Y Hà Nội), GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ĐH Quốc gia Hà Nội), PGS.TS. Lê Hoàng Sơn (ĐH Quốc gia Hà Nội), TS. Vương Quân Hoàng (ĐH Phenikaa)…
GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ – nhà khoa học Vật lý và Công nghệ Plasma, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT – cho rằng, để sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức cần có những cá nhân xuất sắc, những thủ lĩnh trí thức như con chim đầu đàn, tập hợp, dẫn dắt trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, đồng thời là người chịu trách nhiệm chính trị trước hệ thống chính trị và nhân dân cả nước trong lĩnh vực công nghệ của mình.
“Chúng ta phải phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những thủ lĩnh trí thức làm nòng cốt cho kế hoạch thu hút, tập hợp trí thức trong và ngoài nước. Việc này phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống, năng lực chuyên môn và hiệu quả công việc” – GS.TS Nguyễn Quốc Sỹ nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu của Trung ương Đoàn, TS Đinh Ngọc Thạnh (Trường Đại Học Soongsil, Hàn Quốc) bày tỏ, khát vọng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học Việt Nam trong đó có đội ngũ thanh niên đó là một đất nước giàu đẹp, phát triển bền vững.
Nhân tài, trí thức khó có thể cống hiến nếu lương “ba cọc, ba đồng”
Tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành Nghị quyết mới đề ra quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Cải cách tiền lương, giải pháp cơ bản và trước hết
Trong báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, đến nay đã trích lập quỹ tiền lương được khoảng 560.000 tỉ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 – 2026.
Trước thông tin về cải cách tiền lương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – Đỗ Văn Chiến cho biết, cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương từ ngân sách vui mừng phấn khởi trước chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện cải cách tiền lương.
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương – cho rằng, để thu hút, giữ chân người có năng lực trong khu vực công, cần đẩy nhanh tiến độ cải cách tiền lương chung cho cả khối hành chính sự nghiệp của nước ta, bởi đầu tư cho con người chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Cải cách tiền lương là một giải pháp cơ bản và trước hết.
Đại biểu Nga cho rằng, đội ngũ công chức, viên chức là nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản về chuyên môn, có nhiều năm kinh nghiệm song thực tế cho thấy, mức độ đãi ngộ chưa tương xứng với họ. Trong khi đó, khu vực tư nhân sẵn sàng tuyển chọn những người làm việc trong khu vực công với mức lương hấp dẫn hơn kèm theo đó là đãi ngộ về vật chất, cơ hội học tập và thăng tiến.
“Cải cách tiền lương gắn liền với việc xác định vị trí việc làm rất quan trọng, cần làm sớm nhất có thể. Tuy nhiên, trong bài toán chi phí-hiệu quả thì tăng lương chắc chắn phải gắn với tinh giản biên chế và tăng cường chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức Nhà nước” – đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến.
Ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn, quy hoạch bổ nhiệm với người tài năng
Ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn, quy hoạch bổ nhiệm với người tài năng là một trong những chính sách trọng dụng người tài năng là công chức, viên chức, người lao động nêu tại dự thảo Nghị định Quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến.
Theo Tờ trình của Bộ Nội vụ, Chính sách trọng dụng người có tài năng là công chức, viên chức, người lao động gồm: Chính sách về môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc; chính sách về quy hoạch, bổ nhiệm; chính sách về tiền lương, chế độ phúc lợi (trong đó có quy định: Được ưu tiên xét nâng bậc lương trước thời hạn (nếu có); chính sách về tôn vinh, khen thưởng; các chế độ ưu đãi khác theo quy định của từng Bộ, ngành, địa phương. TRẦN VƯƠNG
Trao đổi với Lao Động liên quan tới nội dung này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh tinh thần của ông cha ta đã đúc kết “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, là “vốn quý của dân tộc”. Do đó, đại biểu Hòa cho rằng, trí thức là lực lượng lao động đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, đối với đội ngũ trí thức, một điều rất quan trọng để thu hút đó là cần có những chính sách đảm bảo vị trí việc làm, môi trường làm việc chuyên nghiệp, hạn chế ràng buộc bởi thủ tục hành chính; tạo điều kiện để các nhà khoa học tham dự các hội nghị, hội thảo ở nước ngoài cũng như tạo điều kiện cho các nhà khoa học quốc tế sinh sống và làm việc tại Việt Nam… Môi trường làm việc, không gian sáng tạo, cống hiến, chế độ đãi ngộ là những điều rất quan trọng với đội ngũ trí thức, nhà khoa học.
Trước làn sóng dịch chuyển nhân sự từ khu vực công sang khu vực tư, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đó là một diễn biến của thị trường lao động, khu vực nào hấp dẫn hơn sẽ thu hút được nhân sự. Và nhân sự đó dù làm ở khu vực công hay tư đều là cống hiến cho đất nước. Song, điều này đồng nghĩa với việc chính sách đãi ngộ, thu hút tại khu vực công cần có sự hấp dẫn hơn nữa, cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.
“Nhân tài, trí thức khó có thể cống hiến nếu lương “ba cọc, ba đồng. Nhân tài, trí thức thể hiện được bản lĩnh, giá trị mà công sức, giá trị đó có hiệu quả chứng minh cho đất nước, xã hội thì nên có thù lao xứng đáng để giữ được những người đó” – ông Hòa nhấn mạnh điều này cần phải được lưu ý trong quá trình tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch về thu hút, trọng dụng trí thức, nhân tài.