Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Liên hợp quốc, được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thành lập vào năm 2006, là một trong những công cụ quan trọng nhất để giám sát và cải thiện tình hình nhân quyền toàn cầu. Việt Nam, với tư cách là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, đã tích cực tham gia vào các chu kỳ UPR và đạt nhiều thành tựu đáng kể, thể hiện cam kết vững chắc với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt: Việt Nam có một Phiên đối thoại về Báo cáo UPR IV rất thành công
|
Tọa đàm, trao đổi nâng cao hiệu quả tham gia vào Cơ chế UPR
|
Kể từ khi tham gia cơ chế UPR, Việt Nam đã qua ba chu kỳ rà soát thành công (năm 2009, 2014, 2019). Tháng 5/2024, tại Geneva (Thuỵ Sỹ), Nhóm làm việc về cơ chế UPR chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam. Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan hiện đang tiến hành rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lập trường của Việt Nam đối với các khuyến nghị, dự kiến sẽ được thông báo tại Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền vào tháng 10/2024. Tại khóa họp này, Hội đồng Nhân quyền sẽ chính thức thông qua Báo cáo về kết quả rà soát UPR đối với Việt Nam.
Việt Nam nỗ lực rất lớn trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Việt Nam đã thể hiện nỗ lực thực hiện các nghĩa vụ quốc gia trong việc bảo vệ quyền con người thông qua việc xây dựng báo cáo quốc gia, tiếp nhận và xử lý các khuyến nghị từ Hội đồng Nhân quyền và cộng đồng quốc tế.
Việt Nam đã đồng thuận với nhiều khuyến nghị liên quan đến các lĩnh vực như quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của các nhóm dân tộc thiểu số và quyền lao động. Sự tham gia tích cực trong các cuộc đối thoại quốc tế và việc chấp nhận những khuyến nghị đã thể hiện tinh thần cởi mở, sẵn sàng hợp tác của Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hải, Viện Quyền con người – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Việt Nam đã nhận được tổng cộng 636 khuyến nghị qua ba chu kỳ rà soát. Riêng chu kỳ III năm 2019, Việt Nam đã tiếp nhận 291 khuyến nghị từ 122 quốc gia.
Sau mỗi kỳ UPR, Việt Nam đều cho thấy thiện chí và cam kết nghiêm túc trong việc thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Để triển khai thực hiện khuyến nghị UPR lần thứ III, ngày 31/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1975/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận, trong đó giao nhiệm vụ trực tiếp, cụ thể cho 18 bộ, ngành triển khai các khuyến nghị này. Thông qua việc triển khai thực hiện khuyến nghị UPR, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc thúc đẩy và thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Có thể kể đến một số kết quả rõ ràng: về mặt lập pháp, Hiến pháp 2013 và nhiều bộ luật của Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng tương thích hơn với pháp luật quốc tế về quyền con người. Trên cơ sở khuyến nghị tại UPR chu kỳ 1 và chu kỳ 2 về tăng cường giáo dục quyền con người, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã thông qua “Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017.
“Sự tham gia của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền trong hai nhiệm kỳ cũng như cam kết của Việt Nam với tiến trình UPR cho thấy Việt Nam đã chủ động hơn trong việc chấp nhận “luật chơi” toàn cầu, về quyền con người trong quá trình hội nhập quốc tế. Đồng thời, chính việc tham gia vào cơ chế quyền con người của Liên hợp quốc cũng là cơ hội quan trọng để Việt Nam có nỗ lực cụ thể trong việc thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện quyền con người trong nước”, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hải nhận xét.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/co-che-upr-viet-nam-khang-dinh-vai-tro-tien-phong-trong-bao-ve-quyen-con-nguoi-205359.html