Nhiều nhóm cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh

Trình bày về dự thảo nghị quyết này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhắc đến nhiều nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Hồ Chí Minh.

Trong đó, các cơ chế, chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54 của Quốc hội như: TP Hồ Chí Minh được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên; thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ; thành phố được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm…

 Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 26-5. 

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo nghị quyết còn đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.

Theo đó, thành phố được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này…

Đặc biệt, liên quan tổ chức bộ máy, dự thảo quy định số lượng cấp phó của UBND thành phố và UBND phường, xã, thị trấn, tăng cường tính chủ động và bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Thành phố cũng được quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách của người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy. Thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố.

Chính phủ đề xuất hiệu lực được thực hiện nghị quyết này trong 5 năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo nghị quyết đề xuất nhiều cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa cho TP Hồ Chí Minh

Tránh nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh tán thành về sự cần thiết ban hành nghị quyết vì cho rằng đã đầy đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn với phạm vi chính sách như trong dự thảo nghị quyết thì đã đủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật đang cản trở tiến trình phát triển của thành phố hay chưa?

“Xét về số lượng chính sách là tương đối rộng. Do vậy, đề nghị có sự lựa chọn, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để bảo đảm chính sách thực sự có thể đi vào cuộc sống”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nói.

Đặc biệt, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh đề nghị cần chú trọng hơn những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả về tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 31.

“Tại dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá như đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Cơ chế này sẽ tạo nguồn lực xã hội cho phát triển, giảm chi ngân sách song cũng chỉ ở quy mô hẹp. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu để có bước thực sự đột phá, thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, tránh nhiều về số lượng chính sách nhưng hạn chế về sức nặng, tính sáng tạo”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh: Tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết vì cho rằng hồ sơ đã đầy đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý và căn cứ thực tiễn. 

Về những chính sách kế thừa tại Nghị quyết 54, Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhất trí với những chính sách được đánh giá là hiệu quả, cần tiếp tục kế thừa. Tuy nhiên, qua tổng kết cho thấy, không phải tất cả các chính sách đều đi vào cuộc sống. Vì vậy, cần rà soát từng chính sách, làm rõ đã phát huy tác dụng ở mức độ nào cũng như tính cần thiết tiếp tục áp dụng.

Về các chính sách tương tự như các địa phương có cơ chế đặc thù, cơ quan thẩm tra đề nghị cần vận dụng sáng tạo theo hướng đột phá hơn, tương xứng với vị thế, tiềm năng của thành phố.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng đề nghị đề nghị Chính phủ rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách Trung ương.

“Mặc dù rất cần có cơ chế ưu đãi so với các địa phương khác, cần thu hút nhân tài và lao động chất lượng cao song tránh tạo khoảng cách, chênh lệch quá lớn về thu nhập, chế độ, tiêu chuẩn giữa người lao động của thành phố với các địa phương khác”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh lưu ý.

Theo chương trình, nội dung này được đại biểu Quốc hội thảo luận tổ vào ngày 30-5, thảo luận hội trường ngày 8-6 và xem xét biểu quyết thông qua vào chiều 24-6 tới.  

NGUYỄN THẢO