Theo Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 – GII) năm 2023, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua.
Các chỉ số này cho thấy Việt Nam đang có xu hướng dịch chuyển sang phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, đồng thời hướng tới vị trí cao hơn trong nấc thang đổi mới sáng tạo khu vực ASEAN.
Theo nghiên cứu vừa được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) công bố, một cản trở lớn trong việc thực hiện mục tiêu này là mức độ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam còn khá hạn chế. Trong cả giai đoạn 1993-2021, năm cao nhất Việt Nam có tổng chi chỉ khoảng 1,6 tỷ USD cho R&D (năm 2012 và 2021), tương đương 0,4%GDP. Mức chi này có xu hướng không tăng lên đáng kể, chưa tương xứng với vị trí, vai trò ngày càng gia tăng của đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, tại Singapore, tỷ lệ chi cho đổi mới sáng tạo so với GDP chiếm khoảng 2,2% bình quân cả giai đoạn 2000-2020; tức khoảng 8-9 tỷ USD/năm, gấp khoảng 6 lần Việt Nam.
Các lĩnh vực đổi mới sáng tạo thay đổi thường xuyên do tác động từ sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, nhưng Việt Nam chưa xây dựng được chiến lược phù hợp nhằm chuyển dịch dòng chi đầu tư cho nâng cao năng suất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh đó, đối chiếu kết quả đạt được trong xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo với tốc độ tăng chi R&D, có thể thấy khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã chi đáng kể cho hoạt động này, trong khi chi từ ngân sách gần như giữ nguyên, thậm chí còn giảm trong giai đoạn 2015-2020. Với vai trò “đòn bẩy”, vốn mồi, nếu mức chi từ ngân sách tăng lên và được sử dụng một cách đúng lúc, đúng chỗ, đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ đạt được nhiều kết quả ấn tượng hơn. Đây là nền tảng quan trọng để hình thành các trung tâm nghiên cứu lớn, chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, có khả năng thu hút các nhà khoa học đầu ngành.
Nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác là phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học và công nghệ, tổ chức hiệu quả sàn giao dịch, hình thành cơ chế thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ theo nguyên tắc bảo đảm lợi ích tối đa của các bên liên quan để các quan hệ này vận hành theo nguyên tắc thị trường, tạo lợi ích lớn cho nền kinh tế.
Để biến tiềm năng thành lợi thế thực sự, vẫn phải “có bột mới gột nên hồ”. Trong bối cảnh nguồn lực chưa thực sự dồi dào, thì việc định vị rõ các ngành mũi nhọn để tập trung đầu tư với lộ trình được tính toán khoa học, dài hơi, là hết sức quan trọng.
ANH PHƯƠNG