Tính đến thời điểm hiện tại, 4 mạng di động ảo gồm Mobicast, ASIM, Đông Dương Telecom và Digilife đã phát triển 2,65 triệu thuê bao di động, chiếm 2,1% tổng số thuê bao trên toàn thị trường.
Theo thống kê đến ngày 30/4 của Cục Viễn thông, Việt Nam có 2,65 triệu thuê bao sử dụng mạng di động ảo. Hiện thị trường di động Việt Nam có ARPU thấp và bị cạnh tranh gay gắt từ dịch vụ OTT. Vì vâỵ, việc các nhà mạng di động ảo tham gia cung cấp dịch vụ sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ chuyển đổi số.
Có 2,65 triệu thuê bao tại Việt Nam sử dụng mạng di động ảo |
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) chia sẻ, mô hình mạng di động ảo có thể triển khai các dịch vụ trên toàn quốc, giúp tiết kiệm hạ tầng, tài nguyên và mang lại giá trị cho khách hàng.
Các mạng di động ảo chỉ cần mua buôn lưu lượng của các nhà mạng có hạ tầng, tập trung vào khâu kinh doanh để đem đến sản phẩm phù hợp cho khách hàng. Do đó, mạng di động ảo sẽ có lợi thế phát triển hơn, chỉ cần chọn thị trường ngách để phát triển mà không cần đánh rộng như nhà mạng có hạ tầng.
Tuy nhiên, một điều khó khăn ở đây là mạng di động ảo sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhà mạng có hạ tầng. Hơn nữa, mô hình này còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên cần có những chính sách quản lý để thúc đẩy cạnh tranh.
Năm 2010. Bộ TT&TT cấp phép cho một số nhà mạng di động ảo như FPT, VTC,… Theo đó, VTC sẽ mang đến dịch vụ thông tin di động trên hạ tầng 3G của EVN Telecom, roaming với các mạng 2G trong nước.
Ngoài ra, VTC sẽ nghiên cứu các phương án roaming với các mạng di động khác, mở rộng vùng phủ sóng cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Còn bên phía FPT lúc đó không đưa ra kế hoạch kinh doanh và hợp tác với các nhà mạng có hạ tầng.
Tại thời điểm đó, Bộ TT&TT cho rằng, nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện, Bộ sẽ cấp phép vì mạng di động ảo không có băng tần riêng, mà phải sử dụng hạ tầng cũng như băng tần của các mạng di động khác. Tuy nhiên, một thời gian sau các doanh nghiệp đã âm thầm rút lui khỏi thị trường.