Theo CNN, mặc dù có hàng trăm công viên đang hoạt động trên toàn cầu, nhưng cũng có hàng trăm công viên khác đã bị loại khỏi lịch sử giải trí. Đa số đã bị chủ sở hữu và người điều hành bỏ rơi vì nhiều lý do như giảm lượng người tham gia, thiên tai, khó khăn tài chính hoặc đơn thuần vì chúng không còn phù hợp với những người đi công viên hiện đại.
Hồ Thủy Tiên ở Huế được CNN bình chọn vào top 10 công viên giải trí… bỏ hoang vì đó là điểm tham quan lạ lùng, bí hiểm bởi vẻ đẹp ma mị. Một con rồng bằng bê tông từng là thủy cung, vẫn tiếp tục đứng canh giữ hồ nước. Khó khăn về tài chính khiến công viên chỉ mở cửa không liên tục từ năm 2004 đến 2011. Ngày nay, công viên hồ Thủy Tiên là điểm thu hút khách du lịch không chính thức, hạng mục con rồng đứng giữa hồ đang mục nát, gỉ sét, các đường trượt nước cũng hư hỏng nặng. Tất cả hoang tàn trông giống tàn tích từ hàng ngàn năm trước hơn là một điểm thu hút của thế kỷ 21.
Jim Futrell thuộc Hiệp hội Lịch sử công viên giải trí quốc gia Mỹ nhận xét, các công viên giải trí là những nơi sôi động, đầy màu sắc, ồn ào và vui vẻ. Nhưng một công viên giải trí bị bỏ hoang thì hoàn toàn ngược lại. Nó hư hỏng, trống rỗng và yên ắng đến lạ thường.
Ngoài công viên hồ Thủy Tiên của Việt Nam, các công viên đẹp mê hồn khác, đang bị đóng cửa mãi mãi được CNN bình chọn kỳ này có công viên Berliner Spreepark (Đức), đã hoạt động từ năm 1969 – 2001; công viên Mimaland (Malaysia) nằm ở ngoại ô Kuala Lumpur, hoạt động từ năm 1975 – 1994. Đây cũng là công viên giải trí đầu tiên ở Đông Nam Á, có hồ nước nhân tạo, một bể bơi khổng lồ với các đường trượt nước khổng lồ và vương quốc động vật thời tiền sử.
Danh sách còn có công viên giải trí Camelot (Anh); công viên Six Flags New Orleans (Louisiana, Mỹ) bị đóng cửa từ khi cơn bão Katrina tràn vào năm 2005, chỉ hoạt động đúng 5 năm từ 2000 – 2005; công viên Xứ sở mộng mơ Nara (Nhật Bản), hoạt động từ năm 1961 – 2006; công viên Jardin de Tivoli (Pháp), là một trong những công viên giải trí đầu tiên của thế giới, hoạt động từ cuối thế kỷ 18 và bị đóng cửa vào năm 1842; công viên giải trí Pripyat (Ukraine).
Công viên Yongma Land (Hàn Quốc), hoạt động từ năm 1980 – 2011, tuy bị bỏ hoang, nhưng du khách phải trả một khoản phí vào cửa (10.000 won) thay vì lẻn vào bên trong; Vườn cây bách (Florida), mở cửa từ năm 1932, đóng cửa vào năm 2009.