CII dự định phát hành thêm 1.977,8 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi
Vào ngày 25/12/2023 tới đây, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã CII) sẽ chốt danh sách Đại hội đồng cổ đông bất thường. Trong đó, dự kiến công ty sẽ trình cổ đông điều chỉnh phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi gói 2 từng được ĐHĐCĐ thông qua vào tháng 5/2023.
Cụ thể, đây là gói trái phiếu chuyển đổi có mệnh giá 1.977,8 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền. Trái phiếu chuyển đổi được phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20:1 tương đương việc cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 trái phiếu mới với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Trái piếu phát hành có kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 10%/năm cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên. Với các kỳ tính lãi sau, lãi suất sẽ tính bằng lãi suất tham chiếu bình quân tại Ngân hàng Vietcombank cộng thêm 2,5%/năm.
Mục đích sử dụng vốn cho lần phát hành trái phiếu này là để trả các khoản nợ trái phiếu của CII. Cụ thể, 500 tỷ sẽ được dùng để trả nợ trái phiếu CIIB2023009. 590 tỷ dùng để trả nợ trái phiếu CIIB2124001. Ngoài ra, công ty cũng dự định góp vốn 1.200 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận và mua trái phiếu doanh nghiệp do đơn vị này phát hành.
Trước đó, từ 26/10/2023 đến 28/12/2023, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM cũng đã phát hành trái phiếu chuyển đổi đợt 1 với tỷ lệ 10:1. Tổng số tiền huy động được là 2.840,2 tỷ đồng. Trong đó số tiền thu về đã được sử dụng 1.200 tỷ đầu tư trái phiếu Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận, đầu tư 1.640,2 tỷ đồng vào trái phiếu do CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội phát hành.
CII tái cơ cấu nguồn vốn, doanh thu sụt giảm 65%
Phương án phát hành trái phiếu nằm trong kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn của CII nhằm giảm tỷ lệ nợ vay trong đòn bẩy tài chính của công ty. Theo đó, CII dự kiến phát hành thêm 7.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Công ty từng cho biết nếu kế hoạch hoàn thành, tỷ lệ nợ phải trả/vốn của CII sẽ giảm từ 2,2 lần xuống còn 1,1 lần.
Trong giai đoạn thực hiện tái cơ cấu, doanh thu Quý 3 của CII đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, doanh thu Quý 3 đạt 761,2 tỷ đồng, giảm 65,5% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm 466,3 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 265,7 tỷ đồng, giảm 19,2%.
Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ tăng lên 83,5%, đạt 270,6 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính cũng tăng thêm 15,1%, ghi nhận 371,8 tỷ đồng. Chỉ riêng chi phí lãi vay cũng đã chiếm 267,9 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng lần lượt chiếm 12,9 tỷ và 68,1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế Quý 3 đạt 107,3 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu nguồn vốn của CII, tổng nợ phải trả có xu hướng giảm hơn một nửa so với đầu năm, từ 20.258,5 tỷ xuống chỉ còn 10.022,6 tỷ đồng. Lượng nợ vay dài hạn giảm từ 9.415 tỷ xuống còn 7.791,1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 8.058 tỷ với lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích luỹ đạt 2.441,5 tỷ đồng.
Lùm xùm chuyện lãnh đạo thoái vốn khiến giá cổ phiếu giảm sâu
Cũng trong thời gian vừa qua, cổ đông CII rất quan tâm tới vụ việc ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc công ty cùng vợ mình bất ngờ thoái vốn toàn bộ gần 10 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Bình và vợ giảm xuống còn 0%.
Dù ông Bình đã lên tiếng trấn an cổ đông, giải thích rằng động thái thoái vốn là để lấy tiền đầu tư tiếp trái phiếu chuyển đổi của CII. Tuy nhiên, trong giai đoạn ông Bình thoái vốn, giá cổ phiếu CII cũng đã có những diễn biến bất lợi.
Từ ngày 10/10 đến 23/10, trong thời gian ông Bình và vợ bán 10 triệu cổ phiếu CII, giá mã này đã giảm từ 18.400 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn 15.600 đồng/cổ phiếu. Tại phiên giao dịch ngày 5/12/2023, CII cũng mới chỉ hồi phục lại quanh vùng giá 17.500 đồng/cổ phiếu.