Ngược phố về bản
Những ngày cuối tháng 8, để chuẩn bị cho năm học mới, cô Nguyễn Thị Yến (giáo viên điểm trường Cổ Tràng, Trường PTDTBT Tiểu học Trường Sơn) đến từng hộ gia đình trong thôn, động viên các em đến lớp.
Với 15 năm làm việc nơi đây, cô hầu như hiểu được học sinh cũng như người dân. Để phụ huynh hiểu tầm quan trọng của việc học, cô Yến đã đến từng nhà giải thích, tâm sự. Các cô giáo nơi đây luôn nhận thức được rằng, cần có những phương pháp đặc biệt để đưa học sinh đến với lớp học.
Điều đầu tiên, sĩ số lớp học là việc thầy cô suy nghĩ. Chuẩn bị bước vào năm học mới, từ giữa tháng 8, từng thầy cô đến tận các gia đình, phối hợp với ban ngành đoàn thể động viên tinh thần học sinh đến lớp.
“Để giúp con chữ đến với học sinh, bản thân tôi đã tự trau dồi kiến thức, học tiếng đồng bào nhằm gần gũi hơn, hiểu tâm tư, nguyện vọng của mỗi người trong bản. Từ đó, giúp tôi dễ dàng hơn trong quá trình động viên, giải thích kỹ việc học cho phụ huynh học sinh” – cô Yến tâm sự.
Cạnh bên, cô giáo Nguyễn Thị Như Quỳnh (điểm trường Cổ Tràng) bắt đầu câu chuyện: “Trở lại bản sau nhiều năm đi xa học tập, gần gũi nhưng cũng thấy mới lạ với một cương vị mới – người đưa cái chữ đến với học sinh nơi đây”.
Hiểu được sự khó khăn, vất vả của người dân, và đồng cảm với đám trẻ quê nhà, cô Quỳnh rời bỏ thành phố, về nơi chôn rau cắt rốn cống hiến cho giáo dục. Cô kể rằng, hơn 10 năm “cắm chốt”, điều bản thân nhận ra là người dân trọng tình nghĩa, chất phác, hiền lành, học sinh mong muốn tìm đến con chữ. Thế nên từ bỏ phố thị đông đúc, cô quyết tâm trở về quê nhà giúp “sắp nhỏ” nơi đây.
Những về bản, cô Quỳnh gặp nhiều khó khăn ngay chính nơi vùng biên viễn này. Trường Sơn có người Kinh và đồng bào dân tộc Vân Kiều, phong tục tập quán khác nhau, cùng đó, giao thông tại Trường Sơn còn nhiều khó khăn, cách trở.
Cô Quỳnh tiếp lời: “Khi giáo viên đến dạy vùng khó luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, mình đến với các em bằng tấm lòng, tâm huyết. Bắt tay, chỉ việc các em từ những điều nhỏ nhặt nhất, vì học sinh nơi đây xuất phát điểm không giống miền xuôi”.
Sẵn sàng cho năm học mới
Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Trường Sơn Nguyễn Thị Thu cho biết, những cô giáo “cắm bản” như cầu nối gắn kết nhà trường với học sinh, phụ huynh.
“Các cô vừa là giáo viên, vừa là người đồng hành với các em trong quá trình dạy và học. Không chỉ về chuyên môn, mỗi giáo viên tại đây đều trau dồi thêm những kinh nghiệm trong cuộc sống, kiến thức mới giúp hiểu được tâm tư, tình cảm của người dân” – cô Thu nói.
Cũng theo cô Nguyễn Thị Thu, trường có 8 điểm, 21 lớp với 320 học sinh, trong đó có 220 học sinh con em người đồng bào Vân Kiều. Nhằm đưa kiến thức đến với học sinh, mỗi giáo viên của trường luôn nhận thức được trách nhiệm của mình.
Những thầy cô từ miền xuôi lên với xã, trường sẽ bố trí những điểm dạy thuận lợi trong quá trình đi lại, động viên tinh thần từng thầy cô trong quá trình tham gia giảng dạy.
“Năm học mới sắp bắt đầu, từ giữa tháng 8, chương trình hành trang cho học sinh vào lớp 1 đã được triển khai. Học sinh lớp 1 được đến lớp để chuẩn bị những tiết học đầu tiên” – cô Thu thông tin.
Năm học mới sắp sửa bắt đầu, các cô giáo ở vùng biên viễn đang chuẩn bị cho một lứa học sinh mới, một hành trang mới cho “tụi nhỏ” Trường Sơn.
Nguồn: https://laodong.vn/giao-duc/chuyen-nhung-co-giao-ve-ban-cong-hien-cho-giao-duc-1387392.ldo