Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) là tâm điểm của cộng đồng quốc tế những ngày tới.
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra từ ngày 19-21/5 tại Hiroshima, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 19-21/5, mọi sự chú ý của truyền thông quốc tế sẽ đổ dồn về Hiroshima, Nhật Bản, nơi sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7. Nước chủ nhà sẽ chào đón sự góp mặt của lãnh đạo sáu nước thành viên còn lại (Anh, Pháp, Đức, Italy, Canada và Mỹ) và một số quốc gia khác được mời dự Thượng đỉnh G7 mở rộng.
Công tác an ninh được nước chủ nhà đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi chính Thủ tướng nước chủ nhà Kishida Fumio bị tấn công bằng bom khói tại thành phố Wakayama ngày 15/4. Tuy nhiên, điều được cộng đồng quan tâm hơn cả nằm ở nội dung thảo luận của lãnh đạo nước G7 lần này, đặc biệt là về xung đột Nga – Ukraine và Trung Quốc.
Xung đột Nga-Ukraine
Một nội dung nổi bật chắc chắn sẽ là tình hình xung đột ở Ukraine, với việc các nước thành viên G7 đều đã áp đặt biện pháp trừng phạt song phương cũng như tham gia gói trừng phạt đa phương dưới nhiều hình thức khác nhau. Do đó, không bất ngờ nếu một lần nữa Tuyên bố chung G7 tiếp tục chỉ trích Nga. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết các bên sẽ tăng cường nỗ lực chia sẻ thông tin nhằm tránh việc Nga “né” trừng phạt, thậm chí áp đặt cấm vận toàn diện hơn.
Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là liệu G7 muốn đi xa tới đâu. Vừa qua, lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đã không thể nhất trí “dứt tình” hoàn toàn với khí đốt Nga trong gói trừng phạt thứ 11. Liệu bốn nước G7 đến từ châu Âu có nằm trong số những bên phản đối hay không, vẫn còn chưa rõ ràng. Ngay cả khi bất đồng nêu trên khó tái diễn tại G7, điều này cho thấy tìm kiếm cách ứng xử đồng nhất về Nga là không đơn giản.
Một bài toán khác sẽ nằm ở việc liệu các nước này sẽ viện trợ cho Ukraine như thế nào. Về vũ khí, đã có một số “khác biệt” trong quan điểm của các nước G7. Trong khi Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Italy sẵn sàng gửi nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại, do rào cản về Hiến pháp, viện trợ của Tokyo cho Kiev vẫn chỉ dừng lại ở nhu yếu phẩm, hàng hóa nhân đạo và cam kết tái thiết.
Trong khi đó, Đức đã “nâng lên đặt xuống” không ít lần trước khi quyết định gửi xe tăng Leopard I và II tới Ukraine. Đó là chưa kể tới việc các nước châu Âu đang “hụt hơi” khi các vũ khí có thể dự trữ dần cạn kiệt và phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Tuy nhiên, tất cả vũ khí được chuyển tới đất nước Đông Âu đều đi cùng với cam kết – không được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.
Về viện trợ kinh tế cho Ukraine, trong cuộc họp tuần trước, Bộ trưởng Tài chính G7 cam kết viện trợ ít nhất 44 tỷ USD cho Ukraine trong năm 2023. Đây là con số không nhỏ với các nước châu Âu đang cố gắng kiềm chế lạm phát và duy trì đà phục hồi sau dịch Covid-19. Đó là chưa kể tới tranh cãi liên quan tác động của ngũ cốc Ukraine tới ngành nông nghiệp châu Âu.
Những khía cạnh trên về xung đột có thể xuất hiện trong phần nội dung thảo luận của lãnh đạo các nước G7 tại Hiroshima.
Câu chuyện Trung Quốc
Trong bài viết ngày 17/5, Reuters nhận định rằng xung đột Nga – Ukraine không phải “con voi trong phòng kín” duy nhất. Thay vào đó, vấn đề Trung Quốc mới là nhân tố có thể khiến G7 bất đồng hơn cả.
Bởi lẽ một mặt, nhóm quan ngại về vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc tới chuỗi cung ứng toàn cầu và an ninh kinh tế. Mặt khác, G7 không muốn và không thể “cô lập” hoàn toàn cường quốc châu Á và đối tác thương mại hàng đầu của tất cả các thành viên trong nhóm, dù đó có là Nhật Bản, Đức, Canada hay Mỹ.
Giáo sư Michishita Narushige tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) tại Tokyo cho rằng bài toán “cạnh tranh nước lớn” sẽ là chủ đề quan trọng tại Thượng đỉnh G7 lần này. Ông nhận định: “Họ cần phải đề cập vấn đề an ninh kinh tế và các công nghệ nhạy cảm. Mọi thứ đều là một phần của cạnh tranh nước lớn đang diễn ra giữa Mỹ và Nga, cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Theo Reuters, lãnh đạo G7 được cho là sẽ thảo luận về cái gọi là “cưỡng ép kinh tế” của Trung Quốc, thậm chí, dành hẳn một phần cụ thể để nói về cách ứng xử với cường quốc châu Á, bên cạnh nội dung về xung đột Nga-Ukraine, sức chống chịu của nền kinh tế, an ninh kinh tế, an ninh lương thực…
Bắc Kinh dường nhận thức rõ ràng về câu chuyện này. Viết trên Tân Hoa xã ngày 17/5, nhà bình luân Xin Ping cho rằng “gia đình nhỏ” G7 đang dần đánh mất vị thế và hào quang trong quá khứ, đồng thời chỉ trích nhóm này tiếp tục can thiệp các vấn đề nội bộ của Bắc Kinh. Trong khi đó, xã luận của ông Yang Bojiang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Khoa học-Xã hội Trung Quốc, đăng trên China Daily ngày 17/5 nhận định hầu hết các vấn đề thảo luận tại G7 sẽ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới là cơ hội để lãnh đạo các nước thành viên ngồi lại, cùng thảo luận về những vấn đề nóng, tìm lời giải cho xung đột Nga-Ukraine, cách tiếp cận phù hợp với Trung Quốc.