Từ cây mận kỷ niệm
Được sự hướng dẫn của Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Chais, phóng viên Dân Việt đã tìm được đến vườn mận của anh Cao Văn Thản.
Anh Thản là một trong những người tiên phong trồng mận tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương. Giờ đây, cây mận đã trở thành sinh kế giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Anh Thản cho biết, gia đình anh chuyển từ tỉnh Hải Hương vào Lâm Đồng từ năm 1998. Thời điểm đó, anh Thản mới 15 tuổi, vào Lâm Đồng để học văn hóa.
“Phải nói là bố mẹ theo mình vào Lâm Đồng. Tôi vào Lâm Đồng học văn hóa được vài tháng thì bố mẹ nhớ, thương con nên cũng tính toán rồi chuyển hết vào Lâm Đồng định cư. Đến bây giờ thì cả gia đình vẫn sinh sống tại thôn Đông Mang, xã Đạ Chais”, anh Thản nhớ lại.
Giống như các gia đình khác tại địa phương, gia đình anh Thản trồng cà phê và cây hồng từ khi đến Lâm Đồng lập nghiệp.
Tuy nhiên, hiệu quả từ hai loại cây trồng này không cao, chỉ “lấy công làm lãi”. Thế nhưng, trong một lần tình cờ, anh Thản đã biết đến cây mận và thay đổi cách làm kinh tế với cây mận.
Anh Thản trao đổi với phóng viên Dân Việt bên cạnh cây mận được trồng từ thời kỳ đầu của gia đình mình.
Anh Thản là một trong những người tiên phong trồng mận tam hoa tại xã Đạ Chais.
Dẫn phóng viên tham quan vườn mận của mình, anh Thản cho biết: “Năm 2016, tôi được một người bạn ghép cho một cây mận, gốc của nó là cây đào lông.
Sau đó cây ra quả, ăn thấy ngon nên tôi đã nhân giống ra để trồng trên diện tích 2.000m2. Từ đó đến nay, những cây mận khoảng 5 năm tuổi đang cho thu hoạch khá ổn định, mang lại thu nhập tốt cho gia đình tôi mỗi năm.
Từ cây mận tình cờ đó mà giờ tôi đã trồng được khoảng 2ha mận. Trong đó, cây lớn, cho thu hoạch ổn định là khoảng 500 cây. Hiện tôi đang trồng thêm giống mận vàng để thử nghiệm, nếu thành công sẽ tiếp tục nhân rộng ra”.
Anh Thản cho hay, khó khăn chính của những người trồng mận hiện tại là gốc cây đào lông để ghép mận vào khá khan hiếm. Chính vì vậy, quá trình tìm gốc đào lông để ghép gặp khó, việc mở rộng diện tích diễn ra chậm.
Đến sinh kế mới của Đạ Chais
Anh Thản cho hay, với những cây mận 4 năm tuổi, trung bình sẽ cho thu hoạch khoảng 40kg quả mỗi năm. Trong khi đó, những cây mận có độ tuổi lớn hơn từ 5 đến 7 năm sẽ cho thu đến 100kg quả mỗi năm.
“Người dân chúng tôi rất vui vì cây mận lại phát triển tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở thôn Đông Mang, xã Đạ Chais.
Hiện nhiều người dân cũng đang tiến hành trồng nhiều mận tại địa phương để phát triển kinh tế. Riêng của gia đình tôi, năm 2023 đã cho thu hoạch đến 10 tấn quả. Sau khi trừ chi phí, tôi đã lãi hơn 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, năm nay sản lượng đã bị giảm sút do năm ngoái quá sai quả. Gia đình tôi từ đầu mùa đến nay chuyên cho khách du lịch và thăm vườn, tự hái quả và mua mận với giá từ 50.000-100.000 đồng/kg tùy thời điểm”, anh Thản vui vẻ chia sẻ.
Đúng như lời anh Thản nói, chỉ trong khoảng 30 phút có mặt tại vườn mận nằm ngay Quốc lộ 27C, phóng viên ghi nhận đã có 5 du khách đến tận vườn hái mận.
Mỗi du khách sẽ được phát cho một chiếc rổ và tự tay lựa chọn, hái những quả mận theo ý mình. Đây cũng là hình thức bán mận chủ yếu của anh Thản trong vụ mận năm 2024.
Những cây mận được trồng vào chậu làm cảnh cũng đang mang lại giá trị kinh tế cao cho anh Thản hàng năm.
Du khách thích thú khi tự tay lựa chọn hái những quả mận theo ý tại vườn của gia đình anh Thản.
Không chỉ bán mận quả, anh Thản còn tự tay ghép và nhận giống mận để bán cho người dân địa phương hoặc những ai có nhu cầu.
Theo ước tính của anh Thản, mỗi năm anh bán khoảng 4.000 cây mận giống với giá từ 35.000 – 50.000 đồng mỗi cây.
Đặc biệt anh Thản còn trồng mận vào chậu để làm cây cảnh. Những cây mận chỉ cao từ 50-100cm được anh Thản trồng vào chậu đã có hàng chục quả, được nhiều người mua về trồng.
Mỗi cây mận cảnh trồng trong chậu được anh bán với giá từ 150.000-250.000 đồng. Trung bình, mỗi năm anh Thản bán ra thị trường khoảng 100 cây mận cảnh.
Hiện nay, mận tam hoa đã trở thành sinh kế mới, mang lại thu nhập cao cho người dân xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, (tỉnh Lâm Đồng).
Nói về mô hình trồng mận của gia đình anh Cao Văn Thản, ông Cil Ha Niên – Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Chais nhận định: “Anh Thản là hộ gia đình tiên phong trồng mận tam hoa tại địa bàn xã.
Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai thì mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Ngoài ra, khi đến mùa mận, du khách qua đường cũng đã vào tham quan và mua mận, từ đó tạo ra sự phát triển song song giữa nông nghiệp và du lịch sinh thái”.
Ông Niên cũng cho biết, hiện nay trên địa bàn xã Đạ Chais có 6 hộ gia đình đang trồng mận tam hoa trên diện tích khoảng 3,85ha.
Theo thống kê của địa phương, hiện có khoảng 1.546 cây mận đang cho thu hoạch ổn định. Trong thời gian tới, thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã Đạ Chais sẽ hỗ trợ người dân phát triển 7ha mận tam hoa.
Nguồn: https://danviet.vn/chuyen-la-lam-dong-ghep-duyen-man-tam-hoa-voi-cay-dao-cay-thap-te-trai-ra-qua-troi-thu-lai-to-20240528214525764.htm