Tăng tốc…
Sáng sớm, tiếng máy khoan đào, vận chuyển rền vang cửa phía Bắc hầm số 3 dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn.
Thay vì đào 2 bước như trước, nay nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả triển khai 3 bước đào tại mỗi mũi hầm, tận dụng chính đường hầm làm đường công vụ. Số lỗ khoan gương đào bước 1 giảm từ 170 xuống còn 90 lỗ/gương. Tương tự, bước 2 chỉ còn 30 lỗ/gương, thời gian mỗi chu kỳ đào giảm đến 4 tiếng.
Kiểm tra cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn ngày 5/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các chủ thể liên quan tích cực vào cuộc để đưa dự án về đích cuối tháng 12/2025, vượt tiến độ 8 tháng. Ảnh: Lê Đức.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho hay: Hầm số 3 đã khoan đào được gần 1,3km trên tổng chiều dài 3,2km, rút ngắn 3 tháng tiến độ và kiểm soát đường găng gói thầu khoan đào hầm.
Dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn dài khoảng 88km (qua Quảng Ngãi 60km, gần 28km qua Bình Định) do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng. Tiến độ sau 1 năm đạt gần 17%.
Dự án Hoài Nhơn – Quy Nhơn và Quy Nhơn – Chí Thạnh do Ban QLDA 85 làm chủ đầu tư, tổng chiều dài hơn 130km, trong đó qua Bình Định gần 90km, qua Phú Yên hơn 42km, mức đầu tư 12.000 – 14.000 tỷ đồng/dự án, tiến độ đạt khoảng 23%.
Dự án Chí Thạnh – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang do Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư, qua 2 địa bàn Phú Yên, Khánh Hòa với tổng mức đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng. Đến nay các dự án đạt trên 30% tiến độ, trong đó cao tốc Vân Phong – Nha Trang vượt kế hoạch 2,6%.
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.523 tỷ đồng, do Ban QLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, hiện đạt 22%, chậm 6,6% so với kế hoạch.
Sáng 4/3, trực tiếp thị sát 2 cao tốc qua Quảng Ngãi, Bình Định, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng ghi nhận các biện pháp thi công, sáng kiến kỹ thuật đang được Đèo Cả và các nhà thầu ứng dụng.
Ngay điểm thị sát đầu tiên trong 2 ngày trực tiếp kiểm tra các công trình cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Chí Thạnh – Vân Phong, Vân Phong – Nha Trang (ngày 4/3) và dự án Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau (ngày 6/3), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ “Hạ tầng giao thông phải mở ra không gian phát triển và tiến độ phải nhanh, nhanh hơn nữa”.
Bộ trưởng khẳng định nỗ lực đưa các cao tốc cán đích sớm trong năm 2025 với quyết tâm chính trị cao nhất.
“Mặt bằng trên tuyến cơ bản đã được giải quyết, nguồn vật liệu đầu vào đảm bảo, các địa phương ủng hộ, nhân dân đồng tình. Như vậy, các khó khăn đã được tháo gỡ. Dự án phải lấy lại tiến độ sau giai đoạn đầu khó khăn về mặt bằng, nguồn vật liệu…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Có mặt tại công địa thi công của nhà thầu Sơn Hải vào xế trưa 4/3, ghi nhận “sáng kiến” sử dụng tuyến chính thành đường công vụ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng “đặt hàng” Ban QLDA 85, các nhà thầu, đơn vị trên tuyến đưa cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh cán đích vào tháng 9/2025, vượt ít nhất 3 tháng tiến độ.
“Với những gì chứng kiến, tôi đặt niềm tin các công trình sẽ vượt tiến độ, sớm có đường cho bà con đi, kịp chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và toàn quốc”, ông nói.
Ngay khi thị sát cao tốc Vân Phong – Nha Trang và nghe báo cáo của Ban QLDA 7, tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, dự án chuyển biến rõ nét, cần xây dựng thành hình mẫu.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các đơn vị triển khai cao tốc, phải đặt mục tiêu Vân Phong – Nha Trang về đích sớm nhất trong 12 dự án cao tốc thành phần giai đoạn 2 – Bộ trưởng giao nhiệm vụ.
Ngày 6/3, tại công trường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, ghi nhận thiếu cát đắp nền đang là “thách thức” lớn của dự án nhưng Bộ trưởng Thắng chỉ đạo Ban QLDA Mỹ Thuận có giải pháp kỹ thuật, tổ chức thi công để hoàn thành dự án trong năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông đồng ý chủ trương thay đắp đất gia tải bằng phương pháp cọc đất gia cố xi măng cho đoạn cao tốc Quy Nhơn – Chí Thạnh qua địa bàn Phú Yên để rút ngắn hơn nửa năm xử lý nền đất yếu.
Kiểm soát chặt, chất lượng chắc chắn tốt hơn
Ở mỗi điểm kiểm tra, người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu từng đơn vị chức năng, nhà thầu, tư vấn giám sát báo cáo rõ giải pháp kiểm soát chất lượng.
Trao đổi với Bí thư tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết “Nghe báo cáo, tôi đi kiểm tra ngay. Không êm thuận là phải làm lại. Thực tế đã có đơn vị phải làm lại. Phải rõ ràng như thế”.
Bộ trưởng khẳng định, chất lượng cao tốc giai đoạn 2, triển khai từ 2023 “chắc chắn tốt hơn giai đoạn 1”. Bởi điều kiện thi công tốt hơn, kinh nghiệm hơn, nhà thầu có tiềm lực tài chính, năng lực thi công, trang thiết bị hiện đại…
Làm việc trực tiếp với các lãnh đạo các địa phương trên từng công trường cao tốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hậu Giang chung tay tháo gỡ khó khăn về GPMB rừng tự nhiên, di dời hạ tầng kỹ thuật và cung cấp nguồn vật liệu. Sớm dùng cát biển ở một số dự án.
Cao tốc phải có đủ trạm dừng nghỉ, tổ chức giao thông phải “thông minh”
Không phải ngẫu nhiên trước chuyến thị sát cao tốc, ngay chiều 3/3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiểm tra công tác quản lý vận hành hầm Hải Vân. Đại diện Tập đoàn Đèo Cả báo cáo khi mở rộng hầm, ứng dụng công nghệ, tốc độ trung bình qua hầm tăng từ 40km/h lên 63km/h so với thời điểm năm 2005, TNGT giảm đáng kể.
Ghi nhận năng lực của Đèo Cả trong đào tạo nhân lực và hiệu quả của ứng dụng công nghệ, Bộ trưởng Thắng yêu cầu các Ban QLDA “cao tốc làm xong là phải quản lý ,vận hành bằng công nghệ, phải có trung tâm điều hành giao thông thông minh, phải đủ trạm dừng nghỉ”.
Tại các điểm kiểm tra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các Ban QLDA báo cáo rõ số lượng, quy mô các trạm dừng nghỉ cao tốc…
Trưa 4/3, báo cáo Bộ trưởng, ông Nguyễn Thanh Hoài, Giám đốc Ban QLDA 85 cho biết đã bố trí 1 trạm dừng nghỉ/dự án, đảm bảo theo các quy định, tiêu chuẩn hiện hành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chưa hài lòng, ông lưu ý các Ban QLDA, tư vấn không chỉ chăm chăm đáp ứng quy chuẩn mà cần hướng đến “vượt chuẩn”, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân. Nếu địa phương có thế mạnh, làm rộng hơn, đẹp hơn thì khuyến khích.
“Tuyệt đối không được để cao tốc làm xong mà thiếu trạm dừng nghỉ. Cao tốc có trạm dừng nghỉ sẽ hạn chế xe đậu đỗ bên đường vừa dễ gây tai nạn vừa mất mỹ quan, xả rác ô nhiễm môi trường. Chúng ta phải khắc phục triệt để các tồn tại của các dự án triển khai trước năm 2020. Các cao tốc giai đoạn 2 khởi công năm 2023 phải làm đồng bộ; chất lượng, mỹ thuật, kỹ thuật tốt hơn; xong hạ tầng cứng phải có ngay “phần mềm” để tổ chức giao thông thông minh; thông toàn tuyến trong năm 2025″, Bộ trưởng chỉ đạo dứt khoát.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh:
Cam kết xử lý mặt bằng
Tỉnh luôn xác định các công việc liên quan đến dự án cao tốc là công việc trọng điểm của Khánh Hòa. Vừa qua, địa phương đã đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc về hạ tầng kỹ thuật trên tuyến, đồng thời cam kết phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tháo gỡ mọi khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà thầu thi công, góp phần hoàn thành công trình sớm hơn kế hoạch.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng:
Kiểm đếm đất rừng trước, xong thủ tục bàn giao ngay
Hiện cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn còn vướng diện tích rừng tự nhiên ở gói thầu XL11. Tỉnh đang phối hợp các đơn vị báo cáo bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất. Địa phương sẽ chủ động công tác kiểm đếm, để khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai nhanh, bàn giao mặt bằng còn lại cho cao tốc.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ:
30/4 bàn giao mặt bằng sạch
Phú Yên đang làm quyết liệt để xử lý dứt điểm các vướng mắc mặt bằng tồn đọng.
Tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát các hộ dân, đơn vị không bàn giao mặt bằng, đã được áp dụng đầy đủ cơ chế chính sách nhưng không hợp tác. Sau khi tuyên truyền vận động nếu không chuyển biến sẽ tổ chức cưỡng chế, phấn đấu đến ngày 30/4 bàn giao mặt bằng sạch cho cao tốc.
Thượng tá Nguyễn Văn Toàn, Tổng công ty Trường Sơn:
Thi đua 80 ngày cao điểm
Sau chuyến thị sát của Bộ trưởng, nhà thầu Trường Sơn sẽ huy động thêm 30 đầu xe máy thiết bị, tăng cường triển khai các hạng mục trên tuyến cao tốc Hoài Nhơn – Quy Nhơn. Đơn vị xác định năm 2024 là năm bứt phá sản lượng công trường. Ngay trong tháng 3 này, Trường Sơn phát động 80 ngày cao điểm thi đua đẩy tiến độ.
Cần nhất là sớm tháo gỡ GPMB diện tích rừng tự nhiên để tạo công địa thi công và đảm bảo điều phối nguồn vật liệu.
Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA 7 Lê Quốc Dũng:
Hỗ trợ nhà thầu tăng tốc
Ban nhận diện rõ tồn tại đã được Bộ trưởng chỉ ra. Riêng về việc xử lý kỹ thuật, hồ sơ thanh toán… Ban đã chủ động làm khá tốt. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Ban sẽ rà soát lại, còn khâu nào còn vướng mắc thì sẽ chấn chỉnh. Mục tiêu là tạo thuận lợi nhất cho các đơn vị nhà thầu đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án với chất lượng tốt nhất.
Xuân Huy – Cao Sơn – Lê Đức