Chiều 11-9, hai nhà ngoại giao kỳ cựu về quan hệ Việt – Mỹ đã tham gia tọa đàm có chủ đề “Kết quả chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Joe Biden” do báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Chiều 11-9, Tuổi Trẻ Online tổ chức tọa đàm với chủ đề Kết quả chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam của Tổng thống Joe Biden.
Khách mời tham dự tọa đàm:
– Ông Nguyễn Quốc Cường – nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên đại sứ Việt Nam tại Mỹ (giai đoạn 2011-2014).
– Ông Bùi Thế Giang – phó chủ tịch Hội Việt – Mỹ, nguyên vụ trưởng Vụ Tây Âu – Bắc Mỹ (Ban Đối ngoại Trung ương Đảng).
Chuyến thăm lịch sử
* Xin hai ông đánh giá về kết quả của chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden và việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
– Ông Bùi Thế Giang: Trước hết, chuyến thăm này là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi muốn mở rộng thêm một chút nữa, đây còn là lần đầu tiên trong lịch sử chính trị của nước Mỹ và có lẽ là cả thế giới có một tổng thống của một nước lớn như Mỹ nhận lời mời thăm cấp nhà nước của tổng bí thư Đảng Cộng sản cầm quyền. Đấy là điểm rất độc đáo, rất đặc biệt của chuyến đi này.
Nói là hai ngày, nhưng thực tế là chỉ hơn một ngày với thời gian ngắn và lịch trình rất dày đặc của cả chủ nhà lẫn khách, kết quả lớn nhất, cao nhất, quan trọng nhất của chuyến thăm là việc hai bên nhất trí nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Nếu nói vắn tắt là quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện thì chưa thể thấy hết, nhưng nếu đối chiếu với bản tiếng Anh là Đối tác chiến lược toàn diện vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững thì có thể nói hai nước rất nhất trí với nhau trong tư duy, cách tiếp cận và tầm nhìn chiến lược của mình.
Đặc biệt nếu chúng ta xét tới bối cảnh của tình hình thế giới và khu vực mà văn kiện của Đảng đã nêu là “nhanh chóng, phức tạp, khó lường” mà hai nước vẫn nhất trí được với nhau những việc đấy (nâng cấp quan hệ) thì đó là kết quả to lớn nhất của chuyến thăm này.
– Ông Nguyễn Quốc Cường: Tôi cũng có suy nghĩ như Đại sứ Giang. Đây là chuyến thăm chưa có tiền lệ, không chỉ với hai quốc gia, mà là cả thế giới.
Điều này khiến tôi nhớ chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Mỹ (năm 2013) trong nhiệm kỳ đại sứ của tôi ở Mỹ. Khi đó hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Tuyên bố chung về nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện lần này cũng lặp lại những nguyên tắc trong Tuyên bố chung năm 2013, trong đó hai nước nhấn mạnh tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, đặc biệt là tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Việc Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư càng khẳng định điều đó, vì lãnh đạo cao nhất của thể chế chính trị Việt Nam là Tổng bí thư Đảng Cộng sản. Tôi thấy rằng nếu chưa có tiền lệ thì chúng ta sẽ tạo ra tiền lệ, có thể sau này có nhiều nước khác sẽ học theo tiền lệ của Việt Nam, hy vọng là như vậy.
Kết quả lớn nhất, bao trùm nhất của chuyến thăm là việc hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Thứ nhất, Đối tác chiến lược toàn diện là mức quan hệ cao nhất giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Đến nay Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Đó là những đối tác có tầm quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại và sự phát triển của Việt Nam.
Thứ hai là “vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”. Tôi nghĩ vế này không chỉ bao hàm trong quan hệ song phương nữa, mà hàm ý là quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ còn vì hòa bình, hợp tác phát triển của cả khu vực và thế giới.
Nâng cấp quan hệ là tất yếu
* Hai ông đánh giá như thế nào về việc hai nước nâng cấp trực tiếp từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện? Rõ ràng sự phát triển quan hệ song phương giữa hai quốc gia từ giai đoạn manh nha đã dần định hình một niềm tin chiến lược?
– Ông Nguyễn Quốc Cường: Cá nhân tôi chia quan hệ Việt Nam – Mỹ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995 thành hai giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ năm 1995 đến năm 2013 – khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là quá trình hai nước bước đầu xây dựng lòng tin vì hai nước cũng vừa trải qua chiến tranh, Mỹ cũng có thời gian dài bao vây, cấm vận Việt Nam, bình thường hóa quan hệ nhưng nghi kỵ cũng còn nhiều.
Giai đoạn 2 từ năm 2013 đến nay, tức 10 năm, đó là quá trình thay đổi về chất. Lòng tin hai bên đã tăng cường, củng cố đáng kể, trên cơ sở đó chúng ta mới tiến tới được quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện như hôm nay.
Tôi cũng chưa tìm thấy định nghĩa về khái niệm lòng tin chiến lược, nhưng rõ ràng là lòng tin của hai bên đã được củng cố đáng kể, và đó là cơ sở để nâng cấp quan hệ.
– Ông Bùi Thế Giang: Tôi nhất trí với nhận xét khi nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện có cảm giác dường như chúng ta đã “nhảy cóc” qua một bậc.
Tối hôm qua (10-9), tôi đã ngồi cùng ông John Kerry (đặc phái viên về khí hậu của tổng thống Mỹ) – người bạn lớn của Việt Nam. Người bạn Mỹ nói rằng quan hệ hai nước đã nâng lên một bậc, nhưng tôi đã đáp: “Không, nâng hai bậc đấy”.
Tuy nhiên, tôi muốn nhìn lại quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao với 21 nước, trong đó chúng ta đã có quan hệ Đối tác chiến lược với 17 nước. Cả 17 nước đó thực ra đều từ quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược, chứ không trải qua quan hệ Đối tác toàn diện. Tức là cũng chưa có ai nói thứ tự (trong quan hệ ngoại giao), việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào quan hệ cụ thể (với các nước).
Trong quan hệ cụ thể của Việt Nam với Mỹ, tôi rất tán thành với Đại sứ Cường về việc chia giai đoạn cho mối quan hệ này, đặc biệt là ở giai đoạn hai.
Về chiều rộng, quan hệ Đối tác toàn diện nghĩa là không có lĩnh vực nào mà chúng ta không thể là đối tác của nhau, đó là ý nghĩa của chữ “toàn diện”. Còn về chiều sâu, nếu chúng ta coi phát triển kinh tế thương mại là trụ cột cơ bản của các trụ cột trong quan hệ của Việt Nam với bất cứ quốc gia nào, thì chúng ta có thể thấy tổng kim ngạch thương mại quan hệ Việt Nam – Mỹ đã tăng nhiều như thế nào.
Nhìn lại năm 2022 khi COVID-19 đến giữa năm mới được coi là hòm hòm ổn định, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, lao động, việc làm, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, vậy mà tổng kim ngạch hai chiều Việt – Mỹ đã lên tới 123,86 tỉ USD. Nếu nhìn khách quan, đây là con số rất lớn với một quốc gia mà GDP cả năm 2022 chỉ là 409 tỉ.
Đối với tôi, một cán bộ chính trị đối ngoại cả cuộc đời thì tôi muốn nhìn vào việc tổng kim ngạch thương mại ấy, đặc biệt là thặng dư thương mại giữa Việt Nam với Mỹ là 91,94 tỉ USD trong năm 2022, đã giúp bao nhiêu triệu người đã có công ăn việc làm, có thu nhập, con cái được học hành tử tế. Đó là sự đóng góp một cách rất tích cực vào sự ổn định trật tự xã hội.
– Ông Nguyễn Quốc Cường: Trong con số phía Mỹ nêu là 139 tỉ USD, riêng xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 100 tỉ USD. Riêng thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ cũng góp phần cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam với các nước khác.
Đúng là trong đối ngoại, chúng ta cũng không cần xếp thứ tự tầng bậc. Nếu đã là đối tác hàng đầu rồi thì việc nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Mỹ chủ động xây dựng dự thảo Tuyên bố chung
* Xin hai ông hãy chỉ ra những điểm nhấn trong Tuyên bố chung. Từ đây không gian hợp tác mới nào sẽ được mở ra?
– Ông Bùi Thế Giang: Nếu chúng ta đối chiếu bản Tuyên bố chung lần này với Tuyên bố chung cách đây 10 năm thì chúng ta thấy rất rõ đâu là điểm sáng chói hơn hẳn.
Tuyên bố chung 10 năm trước đưa ra chín trụ cột, nhưng Tuyên bố chung lần này có mười vấn đề – nghĩa là đã có điểm khác, tăng hơn so với trước đây. Chín trụ cột cũng được nhắc lại với chiều sâu hơn rất nhiều.
Ví dụ trong quan hệ chính trị – ngoại giao đã có một điểm được tuyên bố cách đây 10 năm và được nhắc lại cụ thể hơn khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ vào năm 2015, nhưng tôi sợ rằng ít người để ý, đó là “tăng cường sự hợp tác giữa các chính đảng với nhau”.
Ở Mỹ có nhiều đảng nhưng chỉ có hai đảng lớn nhất cầm quyền thay phiên là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa. Tôi bày tỏ niềm tin tuyệt đối của tôi là cả hai đảng ấy đều rất nhất trí với nhau trong chuyện tăng cường quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam, với nước Việt Nam, với dân tộc Việt Nam.
Vậy cái gì là mới? Tôi sẽ nói rằng đó là về vấn đề khoa học công nghệ, về số, về đổi mới sáng tạo. Nếu chúng ta theo dõi phát biểu của cả Tổng bí thư, cả Tổng thống Joe Biden ở trong hội đàm và trong họp báo thì cả hai vị lãnh đạo đều nhấn đến tính đột phá mới trong quan hệ của hai nước, chính là ở cái chỗ đổi mới sáng tạo, là chuyển đổi số, là khoa học công nghệ.
Trong Tuyên bố chung có nhắc đến Trường đại học Fulbright. Với việc hôm qua (ngày 10-9), HDBank ký kết 20 triệu USD cho Trường Fulbright với sự hỗ trợ cho vay của Chính phủ Mỹ, với việc TP.HCM tạo điều kiện để (Trường Fulbright) có được một khuôn viên mới khang trang ở Thủ Đức, tôi cam đoan rằng nó sẽ là cơ sở rất quan trọng để ngôi trường này thực sự cất cánh, tạo một luồng khí mới không phải chỉ tác động đến cả hệ thống giáo dục của Việt Nam mà còn cả khu vực.
– Ông Nguyễn Quốc Cường: Tôi cũng thấy điểm nhấn lớn nhất là việc tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Tuyên bố chung cũng khẳng định lại những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ từ Việt Nam và Mỹ như Tuyên bố chung năm 2013, đồng thời cũng khẳng định lại chín nội dung hợp tác nhưng ở tầm cao hơn, như Đại sứ Giang đã phân tích và tôi rất đồng tình.
Trong chính những nội dung ấy cũng có rất nhiều vấn đề mới, ví dụ như khoa học công nghệ đã xác định thêm hàng loạt vấn đề then chốt. Nội dung hợp tác về y tế và môi trường nay đã mở rộng hơn về vấn đề khí hậu, năng lượng, chuyển đổi năng lượng, môi trường.
Một điểm rất quan trọng là việc hai nước phối hợp với nhau ở trong diễn đàn khu vực và quốc tế lần này đã đưa thành một nội dung hợp tác rất cụ thể.
Lòng tin và sự đồng điệu giữa hai lãnh đạo
* Đâu sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển quan hệ Việt – Mỹ ở hiện tại và trong tương lai?
– Ông Nguyễn Quốc Cường: Nền tảng đó là lòng tin, có lòng tin mới hợp tác thực chất và hiệu quả được. Qua chuyến thăm này tôi nghĩ rằng lòng tin chính trị giữa hai nước đã được củng cố thêm một bậc.
Trong buổi tiệc chiêu đãi của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dành cho ông Joe Biden ngày 11-9, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đây là “hình mẫu” trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau.
Ngoài ra việc có hợp tác với nhau hay không dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia có song trùng hay không. Việc hai nước nâng cấp quan hệ thể hiện lợi ích song trùng trong quan hệ song phương, hai nước cũng có nhiều quan điểm phù hợp với nhau trong vấn đề quốc tế và khu vực như đã nêu trong Tuyên bố chung.
Ở đây hai nước cùng nhìn nhận những thách thức có tính chất toàn cầu mà không có quốc gia nào tự đứng ra giải quyết được như trong vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư, chuỗi cung ứng toàn cầu. Phía Mỹ mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Còn Việt Nam đã có thế và lực khác.
Trước đây chúng ta không có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng đó, hiện nay Việt Nam đã là một nền kinh tế năng động sau gần 40 năm Đổi mới, xếp thứ 36 trên toàn cầu, là bạn hàng lớn thứ 7 của Mỹ, chúng ta cũng có thị trường rất lớn với 100 triệu dân. Chúng ta đã ở một vị thế khác để có thể hợp tác bình đẳng, chia sẻ lợi ích giữa hai bên (với Mỹ).
Kể từ khi bình thường hóa từ năm 1995 đến nay, hay như Tổng thống Joe Biden đề cập xa hơn nữa là 50 năm kể từ Hiệp định Paris (1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chúng ta đã có bước tiến rất dài để bắt đầu nhìn xa hơn về tương lai.
– Ông Bùi Thế Giang: Đúng thế, muốn có hình mẫu đó thì phải có một cái nền vững, đó là việc hai bên tuyên bố “tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”.
Tôi nhớ chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong họp báo đã đề cập: nền tảng này dẫn đến việc phải thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư theo hướng đổi mới sáng tạo. Mình vừa nói đến giáo dục đào tạo, nếu không dựa trên sự đổi mới sáng tạo thì nó sẽ cũ nát, không dẫn đến sự phát triển của nền giáo dục, của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu mới của xã hội mới.
Hay như Đại sứ Cường vừa nói an ninh quốc phòng, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, năng lượng xanh, sạch – tất cả đều phát triển trên cái nền tảng này. Và điều rất lý thú là nếu đọc kỹ Tuyên bố chung, ta sẽ thấy rất nhiều cam kết của phía Mỹ hỗ trợ Việt Nam trong việc thúc đẩy, phát triển những cơ sở (khoa học – công nghệ cao). Những gì chúng ta phát triển được từ nay trở đi sẽ dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.
Gắn với cụm từ Đối tác chiến lược toàn diện là “phát triển bền vững”. Cái đó phải nằm trên nền đổi mới sáng tạo. Chúng ta sẽ còn thời gian để nghĩ thêm và hiểu rõ thêm ý định, tầm nhìn của lãnh đạo hai nước trong Tuyên bố chung. Ở thời điểm hiện tại cũng đủ thấy tầm nhìn được thể hiện một cách rất hàm chứa, sâu sắc và có tầm nhìn xa.
* Tổng thống Biden có lịch trình rất bận rộn, tuy nhiên ông vẫn sắp xếp lịch trình để thăm cấp nhà nước Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều này phản ánh nội bộ Mỹ cũng như Tổng thống Biden có sự coi trọng vai trò của Việt Nam. Xin hai ông bình luận về việc này.
– Ông Nguyễn Quốc Cường: Đánh giá này phía Mỹ cũng đã nêu công khai. Đại sứ Giang cũng nêu sự thống nhất trong nội bộ Mỹ, mặc dù họ có sự phân cực trong nhiều vấn đề nhưng lại đồng thuận khá cao về việc phát triển quan hệ với Việt Nam.
Bằng chứng là từ khi bình thường hóa quan hệ đến nay thì năm đời tổng thống Mỹ đều đến thăm Việt Nam, trong đó có ba tổng thống thuộc Đảng Dân chủ (ông Bill Clinton, Barack Obama, Joe Biden) và hai tổng thống thuộc Đảng Cộng hòa (ông George W. Bush, Donald Trump). Điều đó cho thấy cả hai đảng này đều mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam.
Trong họp báo, ông Biden cũng khẳng định rõ ràng Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Việc ông Joe Biden do lịch trình bận rộn không thể đến dự Hội nghị Cấp cao ASEAN vừa rồi cũng là điều đáng tiếc. Tuy nhiên ông vẫn dành thời gian tới Việt Nam, nhất là khi ông đến thăm theo lời mời của Tổng bí thư. Một số bạn bè người Mỹ của tôi cho rằng việc đó thể hiện Mỹ rất coi trọng và tôn trọng Việt Nam.
Trong Tuyên bố chung lần này, Mỹ cũng nhấn mạnh coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN. Tôi nghĩ rằng đó cũng là đóng góp thiết thực của Việt Nam đối với khu vực.
– Ông Bùi Thế Giang: Tôi muốn nhìn thêm góc độ con người. Khi trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam trước cuộc bầu cử đã đưa ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, tôi đã nói rằng xuất thân, hoàn cảnh gia đình của ông Biden đã làm nên con người của ông ấy.
Khi lên làm tổng thống, tôi nhìn thấy tính nhân văn rất cao trong việc ông ấy lãnh đạo, nhìn nhận Việt Nam. Tôi thấy sự đồng điệu trong tư duy, tình cảm của ông ấy với người Việt Nam. Ngay từ cuộc phỏng vấn mà chưa có kết quả bầu cử ấy, tôi đã nói rằng ông Biden là một người quan tâm và thích Việt Nam hẳn hoi. Đấy cũng là một dấu cộng to nữa cho chuyến thăm lần này của ông Biden.
Và hình như chúng ta cũng là một đất nước hiếm hoi mà mới một nửa nhiệm kỳ của chính quyền Mỹ đã có cả tổng thống và phó tổng thống sang thăm.
Ngoài chuyện vị thế của chúng ta đang lên, ngoài chuyện Mỹ quan tâm khu vực này, đánh giá cao Việt Nam thì còn một chuyện là bà Kamala Harris cũng là người gốc châu Á (Ấn Độ) nên cũng có sự đồng điệu với chúng ta. Đặc biệt trong chuyến thăm vào tháng 8-2021, bà ấy đến thăm Viện Vệ sinh dịch tễ là một hoạt động nằm ngoài kế hoạch, nhưng chính điều đó lại nói lên sự quan tâm rất con người của một lãnh đạo cấp cao.
* Xin được hỏi ông Bùi Thế Giang – người đã tháp tùng Tổng bí thư trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ vào năm 2015. Tổng bí thư đã được ông Joe Biden (khi đó là phó tổng thống) tiếp đón trọng thể. Có những kỷ niệm, khoảnh khắc đặc biệt nào từ chuyến thăm khiến ông nhớ mãi? Chứng kiến cuộc hội ngộ của hai lãnh đạo tại Việt Nam trong một sự kiện lịch sử của quan hệ hai nước, ông có đánh giá và cảm nhận như thế nào?
– Ông Bùi Thế Giang: Nói về quan hệ Việt – Mỹ, xét về quá khứ 20 năm của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhìn vào 48 năm sau chiến tranh, 28 năm sau bình thường hóa quan hệ, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, việc ông Biden – người trước đây là phó tổng thống, giờ là tổng thống và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có những cuộc gặp gỡ, gắn bó thế này là rất đặc biệt.
Vào năm 2015, để có cuộc hội đàm cấp cao có cả Tổng thống Barack Obama, Phó tổng thống Joe Biden và bốn bộ trưởng là thành viên nội các (Mỹ có những bộ trưởng không phải thành viên nội các) đã là đặc biệt. Cuộc chiêu đãi, ban đầu dự định do Ngoại trưởng John Kerry chủ trì, đến phút chót đùng một cái chuẩn bị kết thúc hội đàm thì bảo rằng ngài Phó tổng thống Biden sẽ chủ trì chiêu đãi. Đó là một sự ngỡ ngàng, rất vui, cảm động của tất cả những người có mặt ở đó, không chỉ có người Việt Nam mà cả người Mỹ và người Mỹ gốc Việt.
Sau đó, chúng ta phải kể tới những cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo. Thế rồi khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đại hội XIII bầu vào nhiệm kỳ lần thứ ba thì Tổng thống Joe Biden gửi thư chúc mừng. Đó là những câu chuyện đặc biệt.
Khi gặp lại ở Việt Nam lần này, cả Tổng bí thư và Tổng thống Biden đều nói rằng “rất vui khi được gặp lại nhau”, mà ông Biden đã dùng từ tiếng Anh là “great” – nghĩa là tuyệt vời, to lớn. Cái đó là thật lòng đấy!
Nhiều cơ hội hợp tác mới
* Thưa ông Nguyễn Quốc Cường, ông là đại sứ Việt Nam tại Mỹ trong thời điểm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Vậy ông đánh giá ra sao về mối quan hệ giữa hai nước trong 10 năm qua nói chung?
– Ông Nguyễn Quốc Cường: Nhớ lại khi chúng ta chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện vào năm 2013, tôi hiểu rằng khi đó trong nội bộ hai nước, đặc biệt là Việt Nam cũng chưa có sự đồng thuận ngay từ đầu, vẫn còn ở giai đoạn thuyết phục để thiết lập quan hệ. Việc ấy cũng dễ hiểu vì đó là giai đoạn xây dựng lòng tin.
Nói như vậy để thấy quan hệ hai nước trong thời gian qua đã có “những bước phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong họp báo sau hội đàm.
Tôi cũng từng nêu đó là sự phát triển về cả chất và lượng. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời cũng rất chú ý sự hợp tác về giáo dục, văn hóa với Mỹ. Chưa đầy hai tháng sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, vào ngày 1-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi Ngoại trưởng James Byrnes để đề nghị tiến cử 50 thanh niên trí thức Việt Nam sang Mỹ giao lưu, trao đổi văn hóa. Đến nay số lượng du học sinh Việt Nam ở Mỹ là 30.000.
Tôi đã có điều kiện đến nhiều bang ở Mỹ, gặp gỡ nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở Mỹ, đây là nguồn lực rất quan trọng cho Việt Nam. Đây là một điểm sáng trong quan hệ.
* Việc nâng cấp quan hệ cũng như nhiều hợp đồng vừa được ký kết sẽ đem đến cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội kinh tế, thương mại vượt bậc nào khi đầu tư vào Mỹ, thưa ông?
– Ông Nguyễn Quốc Cường: Khi hai nước bày tỏ mong muốn hợp tác mạnh hơn nữa về kinh tế, thương mại, đầu tư thì đó là sự hợp tác hai chiều. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư sang Mỹ được hay không thì còn là một câu chuyện dài vì họ phải hiểu được luật pháp, luật chơi của thị trường Mỹ.
Hôm qua ông Biden cũng đã nhắc đến một doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 4 tỉ USD vào nhà máy sản xuất ô tô điện ở Bắc Carolina, tạo 7.000 công ăn việc làm cho lao động Mỹ. Trong tương lai sẽ có thêm những doanh nghiệp như vậy đầu tư thêm vào Mỹ, và sẽ có thêm doanh nghiệp khác lên sàn chứng khoán của Mỹ.
* Tháp tùng Tổng thống Biden lần này có nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ. Nó có phải là chỉ dấu cho thấy Mỹ sẽ tăng cường làm ăn, đầu tư ở Việt Nam hơn nữa sau khi hai nước nâng cấp quan hệ?
– Ông Bùi Thế Giang: Tôi xin chia sẻ suy nghĩ của cá nhân tôi. Thứ nhất, điểm rất mạnh trong quan hệ kinh tế, thương mại Việt – Mỹ là ở chỗ hai nền kinh tế mang tính bù trừ cho nhau cao, chứ không cạnh tranh loại trừ nhau. Vì vậy, tôi nhìn thấy không chỉ hiện nay mà trong tương lai dài, còn rất nhiều dư địa để Việt Nam và Mỹ phát triển cùng có lợi, ở đây bao gồm cả khu vực công và tư, chính phủ và phi chính phủ.
Thứ hai, tôi có cách nhìn khác về việc đoàn doanh nghiệp đi theo lãnh đạo sang thăm. Tháng 3 năm nay, không có lãnh đạo nào nhưng đoàn hơn 50 doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ vẫn sang Việt Nam (tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh). Sự phát triển đều đều, liên tục như thế mới đảm bảo cho tương lai phát triển bền vững, nhất là khi hai nước đã nâng tầm lên Đối tác chiến lược toàn diện, tức là có chiều sâu và chiều rộng ở tầm mới.
Tôi tin rằng hai chính phủ, hai hệ thống chính trị sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển tốt hơn, điều đó sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai dân tộc.
Việt Nam là nòng cốt của hệ sinh thái công nghệ cao
* Hai ông nhận định như thế nào về sự định hình hệ sinh thái công nghệ cao ở khu vực dựa trên gắn kết Việt – Mỹ sau khi nâng cấp quan hệ?
– Ông Bùi Thế Giang: Tôi muốn nhìn một cách rất cụ thể. Khi dịch COVID-19 hoành hành, trong chuyến thăm của bà Phó tổng thống Kamala Harris đến Việt Nam vào tháng 8-2021, Mỹ quyết định thành lập và Việt Nam cũng đón nhận văn phòng khu vực của CDC.
Nếu chúng ta hiểu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của văn phòng này, chúng ta có thể hiểu đó là điều có lợi cho Việt Nam vì CDC chính là công nghệ cao. Đó là một phần trong cái mà bạn gọi là hệ sinh thái công nghệ.
Nếu chúng ta nhìn khái niệm công nghệ cao với nghĩa rộng hơn và đặt trên nền móng của sự đổi mới sáng tạo, tôi tin hệ sinh thái công nghệ cao trong khu vực với Việt Nam làm nòng cốt sẽ được hình thành sớm thôi. Và tôi cam đoan rằng không phải chỉ quốc gia là lõi, là nền, là nơi đặt hệ sinh thái này có lợi, mà nước hợp tác, đầu tư vào cũng có lợi.
Vì vậy đây là một điểm sáng không chỉ của quan hệ song phương mà còn là của khu vực, ở đây tôi nói đến cả dải Đông Á và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
– Ông Nguyễn Quốc Cường: Cá nhân tôi dè dặt hơn, có thể làm được hay không thì không chỉ phụ thuộc vào ý chí của các nhà lãnh đạo mà còn là các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ.
Cái tên nói lên tất cả
Nếu có thể nói về tương lai quan hệ Việt – Mỹ trong khoảng mười chữ thì đó là gì?
– Ông Bùi Thế Giang: Tôi nhìn thấy 3 từ “hòa bình”, “hợp tác”, “phát triển toàn diện” trong tên gọi của mối quan hệ mới được nâng cấp. Điều đó đã thể hiện mong muốn, tầm nhìn, quyết tâm của hai nước.
– Ông Nguyễn Quốc Cường: Tôi cũng suy nghĩ rất giống như vậy. Những gì nhận định về quan hệ hai nước trong thời gian tới đã thể hiện qua tên gọi Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Tuoitre.vn