TP – Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng đang nhận bài thi. Kiến trúc sư Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, tham gia hội đồng giám khảo. Trong cuộc trao đổi với Tiền Phong, ông đề xuất quy hoạch khu bãi giữa sông Hồng thành rừng tạo nên nét riêng cho Hà Nội.
Không thể tham khảo sông Seine
Ông có thể làm rõ sự khác biệt trong sử dụng và quản lý rừng ven đô so với công viên nội đô ở Paris?
Nội đô Paris sở hữu 331 không gian xanh công cộng – nơi người dân được tiếp cận miễn phí. Tại đây, mọi người có thể đi dạo, vận động thể thao… Một số công viên cho phép khai thác một vài góc để làm quán cà phê.
|
|
Bãi giữa sông Hồng có nhiều không gian nghỉ ngơi thư giãn cho người dân. Ảnh: N.M.HÀ |
Các khu rừng ngoại ô Paris với động vật hoang dã như chim, hươu nai… giống như khu bảo tồn. Trong đó, họ chủ yếu quy hoạch những tuyến đường mòn cho phép chạy bộ hay đi xe đạp. Các hoạt động thể thao nếu có đều ở mức vừa phải, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường cư trú của các loài động vật.
Mặc dù là không gian thiên nhiên nhưng những cánh rừng ven đô được coi như công trình hạ tầng xã hội để người dân được tự do sử dụng. Mọi người có thể dễ dàng tiếp cận các khu rừng này bằng phương tiện cá nhân hoặc công cộng. Mạng lưới không gian xanh của chúng tôi đảm bảo cho người dân dù sống ở bất kỳ địa điểm nào trong vùng Ile-de-France (gồm Paris và 7 tỉnh lân cận – PV) đều chỉ cần 15 phút đi bộ để đến công viên hoặc rừng.
Không gian chỉ thực sự công cộng khi tạo điều kiện cho người dân tiếp cận bằng nhiều hình thức. Hiện nay, người ta chưa thể ra bãi giữa sông Hồng bằng giao thông công cộng. Đây cũng là thách thức đặt ra với các đơn vị tư vấn khi tham gia cuộc thi. Họ phải nghiên cứu kỹ để đưa ra đề xuất phù hợp.
KTS Emmanuel Cerise đồng thời là Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam có 13 năm sống ở Hà Nội, từng tham gia nhiều dự án quy hoạch, chỉnh trang đô thị cho Thủ đô. Ảnh: N.M.HÀ |
“Phải xác định khu vực nào của bãi giữa sông Hồng cần quy hoạch một hệ thống giao thông để người dân có thể tiếp cận bằng cả phương tiện cá nhân và công cộng. Có những khu vực nhất định chỉ cho phép đi bộ vào giống như một khu bảo tồn, như thế mới có thể đảm bảo được giá trị thiên nhiên hoang dã của nơi này”.
KTS Emmanuel Cerise
Ở Pháp có sự phân biệt giữa công viên giải trí theo chủ đề và công viên cây xanh? Nếu có sự kết hợp thì việc thu phí diễn ra như thế nào?
Chúng tôi tách biệt hẳn hai loại hình này. Công viên chuyên đề thường do doanh nghiệp tư nhân điều hành, đương nhiên tính phí. Bên cạnh các công viên mở cửa 24/24, một số công viên công cộng quy định giờ đóng mở và có tường rào kiểm soát, nhưng chỉ để đảm bảo an toàn người dân chứ không thu phí. Ở Ile-de-France, không tồn tại mô hình công viên trên cùng một phạm vi có cả phần công cộng và tư nhân, trừ trường hợp đặc thù như rừng Vincennes có khu vườn thú kiểu bán hoang dã, người dân vào tham quan phải mua vé.
Vì sao ông đề xuất bãi giữa sông Hồng nên phát triển theo hướng rừng trong phố? Nên trồng thêm cây cho khu vực này hay cứ để hệ sinh thái phát triển tự nhiên?
Trước hết, do quy mô khác nhau (sông Seine rộng tối đa cũng chưa đến 500m, trong khi sông Hồng thường rộng hơn 1km) nên cách ứng xử với sông Hồng không thể tham khảo sông Seine.
Quy mô của bãi giữa sông Hồng khiến tôi liên hệ tới những khu rừng ngoại ô Paris. Hà Nội không có khu rừng nào ven đô. Đây là cơ hội có thể quy hoạch không gian thiên nhiên thuần túy trong lòng thành phố. Như rừng Vincennes về bản chất là rừng tự nhiên vẫn có những phân khu riêng dành để trồng hoa. Có hẳn một tuyến đường cao tốc chạy xuyên qua nhưng vẫn tôn trọng không gian rừng tự nhiên.
Phạm vi bãi giữa sông Hồng lớn hơn rất nhiều bất kỳ công viên nội đô nào. Trên đó, chúng ta hoàn toàn có thể tính đến một tỷ lệ lớn được khai thác như một khu rừng. Nhưng phải nhấn mạnh đây là rừng trồng, chỉ là không gian của các loài thực vật hoang dã.
Trên phạm vi bãi giữa cũng có thể có vài khu vực vẫn để người dân canh tác. Mục đích chính không phải cung cấp nông sản mà để mọi người đến đây có thể trải nghiệm, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng. Nhưng cần cố gắng kiểm soát quản lý để những khu vực này vẫn mang tính tự nhiên thuần túy thay vì trở thành cái gì đó nhân tạo.
“Ðất lành chim đậu”
Ông nghĩ sao nếu Hà Nội chủ trương tăng trưởng nguồn thu ngân sách từ công viên văn hóa tương lai mọc lên từ bãi giữa sông Hồng?
Tôi hoàn toàn hiểu mong muốn của thành phố khai thác một số mục tiêu văn hóa dịch vụ ở đấy để có nguồn thu. Nhưng chưa thấy ai đặt vấn đề diện tích bãi giữa tương đương với một địa bàn lớn như thế nào. Nếu triển khai toàn bộ thành công viên chuyên đề, dành cho các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí mang tính nhân tạo chỉ sợ không đủ sức mà làm thôi.
Nhưng tôi không khuyến khích điều đó. Chính quyền có thể cho phép khai thác một phần rất nhỏ diện tích ấy cho các hoạt động kinh doanh dịch vụ, bên cạnh diện tích rất lớn còn lại dành cho thiên nhiên hoang dã.
Tôi rất ấn tượng trong buổi lễ phát động cuộc thi có một diễn giả (TS. Nguyễn Mạnh Hà – PV) trình bày một kết quả nghiên cứu ngắn cho biết, bãi giữa sông Hồng là một ga chim quan trọng trong bản đồ di trú của các loài chim khắp thế giới. Đấy là một thế mạnh cực lớn. Không phải thành phố hay thủ đô nào trên thế giới cũng có không gian để các loài chim dừng chân ngay trong lòng thành phố.
Những khu nào có thể làm dịch vụ văn hóa thương mại nên được khoanh gọn vào. Phần còn lại phải dành cho không gian tự nhiên và các loài động thực vật hoang dã. Thậm chí, phải có vùng đệm giữa hai khu vực để hoạt động kinh doanh khai thác dịch vụ không được ảnh hưởng đến không gian kia.
Trong phạm vi không gian hoang dã, ta vẫn tổ chức được một vài dịch vụ nhất định. Ví dụ, cho dựng chòi để quan sát các loài chim. Ai đăng ký dịch vụ cũng phải tuân thủ quy định không gây ồn ào, xáo trộn việc dừng chân di trú của chim.
Còn vấn đề gì cần lưu ý trong việc quy hoạch khu bãi giữa sông Hồng để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái tự nhiên?
Từ cầu Long Biên đang có lối đi xuống bãi giữa dành cho phương tiện thô sơ. Trong tương lai, nếu thành phố thấy cần tổ chức hoạt động dịch vụ thương mại gì trên bãi giữa, nên tập trung vào khu vực gần về phía chân cầu Long Biên và khoanh vùng lại rất nhỏ thôi.
Muốn giữ phạm vi từ cầu Chương Dương đổ về phía Nam thực sự dành cho các loài chim, Hà Nội nên có giải pháp hạn chế tiếng ồn do các phương tiện giao thông gây ra, để không chỉ giữ chân các loài chim di trú mà còn phải thu hút nhiều loài nữa đến. Nếu cố tình đưa các hoạt động tập trung đông người chỉ cần đến khoảng giữa 2 cầu Long Biên và Chương Dương hoặc đi đến tận cuối bãi phía Bắc, coi như dự án này phá sản. Giá trị của bãi giữa không còn giữ được nữa.
Cảm ơn ông.
Nguồn: https://tienphong.vn/chuyen-gia-phap-hien-ke-de-ha-noi-co-rung-trong-pho-post1643701.tpo