Giám đốc Quỹ Chiến lược Thịnh vượng Việt Nam giải thích lý do tại sao bây giờ là thời điểm tốt để đầu tư vào Việt Nam – “điểm tốt nhất” của châu Á.
Công nhân một công ty sản xuất bao bì tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hải Nguyễn
Trang asiafundmanagers.com có trụ sở tại Đức đăng bài phỏng vấn bà Shasha Li Mafli – Giám đốc Quỹ Chiến lược Thịnh vượng Việt Nam, thuộc Công ty Quản lý quỹ Eric Sturdza Investments – đánh giá hiện là thời điểm tốt để đầu tư vào Việt Nam.
Bà Mafli cho biết, Việt Nam đang trải qua quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, đồng thời là quốc gia được hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng doanh nghiệp toàn cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng và gia công sản xuất, từ đó giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam – đã hoạt động tốt hơn so với các thị trường mới nổi kể từ năm 2018, bà Mafli cho rằng nhờ đầu tư cao hơn của chính phủ vào cơ sở hạ tầng dẫn đến chi tiêu mới cho nhiều dự án lớn, cổ phiếu trong lĩnh vực vật liệu và năng lượng đã được hưởng lợi. Những lĩnh vực này sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ và được xếp hạng lại.
Ngoài ra, trong vài năm qua, Việt Nam tiếp tục giành được thị phần trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, đồng thời là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn.
Kết quả này có tác động lớn đến việc định giá cổ phiếu. Thu nhập doanh nghiệp, phản ánh nền kinh tế đang cải thiện của đất nước, được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số vào năm 2024. Định giá cổ phiếu bán lẻ và tiêu dùng cũng hấp dẫn. Dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy tăng trưởng và niềm tin của người tiêu dùng đang được cải thiện.
Tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Việt Nam với sức chi tiêu ngày càng tăng là một yếu tố thuận lợi, tạo động lực để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.
Bên cạnh đó, theo bà Shasha Li Mafli, sự tăng trưởng kinh tế đáng chú ý của Việt Nam trong thế kỷ này một phần là nhờ dân số trẻ, được giáo dục tốt với 100 triệu người và lực lượng lao động có năng suất, lành nghề.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các chính sách kinh tế ổn định, thân thiện với doanh nghiệp và ổn định chính trị. Với nhiều hiệp định thương mại và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, nền kinh tế đang nâng cao chuỗi giá trị – từ xuất khẩu nông sản đến dệt may – và điện tử, hiện chiếm hơn 1/3 giá trị xuất khẩu của đất nước.
Sản phẩm chip của hãng Intel (Mỹ) trưng bày tại lễ khai trương Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn
Bà Mafli tin rằng Việt Nam sẵn sàng đạt mức tăng trưởng cao, đem đến cho các nhà đầu tư nước ngoài những cơ hội đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế.
Bà Mafli lưu ý: “Chúng tôi cũng lạc quan về thị trường bất động sản. Về lâu dài, quá trình đô thị hóa đang thúc đẩy nhu cầu về nhà ở giá rẻ ở các thành phố. Công nghiệp hóa đang thúc đẩy nhu cầu về không gian công nghiệp và hiện đại hóa bán lẻ đang làm tăng nhu cầu về bất động sản thương mại. Trong 6 đến 8 tháng qua, lãi suất đã giảm, điều kiện thanh khoản được cải thiện và hỗ trợ nhu cầu bất động sản này. Chúng tôi dự định tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này”.
Cũng theo bà Mafli, Việt Nam được coi là thị trường cận biên và Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế đất nước thành Thị trường mới nổi vào năm 2025, đồng thời tăng vốn hóa thị trường lên 100% GDP từ mức 56% hiện nay. Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với mức tăng trưởng GDP hàng năm ấn tượng 6-7% trong hai thập kỷ qua.
Tham vọng kinh tế của chính phủ có ý nghĩa đối với sự phát triển thị trường tài chính. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt giảm lãi suất nhằm thúc đẩy nền kinh tế và chúng tôi kỳ vọng các chính sách hỗ trợ tăng trưởng sẽ tiếp tục được tiếp tục – bà Mafli nói.
Kết quả là đã có những cải thiện về tính thanh khoản của thị trường và khối lượng giao dịch cao hơn.
Ở cấp độ tài chính, nợ công là 37% GDP, điều này sẽ cho phép chính phủ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng của đất nước trong khi FDI, đặc biệt là vào sản xuất, vẫn mạnh và có tác động tích cực đến tăng trưởng và việc làm.
Việt Nam đang tỏ ra hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. FDI vào Việt Nam tăng gần 1/3 lên khoảng 37 tỉ USD vào năm 2023.
“Như đã nêu ở trên, có nhiều yếu tố để tăng đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Đất nước này có mục tiêu vốn hóa thị trường, được phân loại là Thị trường mới nổi, có nhiều hiệp định thương mại và đối tác thương mại đa dạng, ổn định chính trị và chính sách kinh tế nhất quán, đầu tư cơ sở hạ tầng và dân số trẻ và có trình độ học vấn cao, có mức lương thấp theo tiêu chuẩn quốc tế. Đất nước có tiềm năng phát triển to lớn. Chúng tôi tin rằng kết hợp lại, những yếu tố này sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam” – bà Mafli khẳng định.
Laodong.vn