Những công trình lớn bên trong Đại Nội Huế lần lượt được đầu tư tu bổ, phục hồi thành công, giúp công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế bước sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Ảnh: Thành Đạt
Lần đầu tiên ở Việt Nam có một thành phố trực thuộc Trung ương với tư cách đô thị di sản, đó chính là TP Huế. Được xem là cơ chế đặc thù, điều này một lần nữa khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của văn hóa, và Huế xứng đáng khi đảm nhận trọng trách là nơi lưu giữ văn hóa cho cả nước và cho thế giới, khi vùng đất này có đến 8 di sản văn hóa được công nhận là Di sản thế giới.
Lượng khách du lịch đến Huế năm 2024 tăng nhiều so với mọi năm. Ảnh: Thành Đạt.
Việc bảo tồn những giá trị di sản đã được Huế làm rất tốt hàng chục năm qua. Giờ đây, khi bước vào một giai đoạn mới, TP Huế trực thuộc Trung ương không chỉ mang trong mình trọng trách lớn trong việc bảo tồn mà còn phải giải được bài toán phát triển một cách hài hòa.
Di sản Huế là viên ngọc quý
Ngược dòng lịch sử, Huế đã có hàng nghìn năm đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Riêng quá trình đô thị hóa, Huế có thời gian gần 400 năm, kể từ năm 1636, khi Kim Long là thủ phủ của Đàng Trong. Sau này, Huế còn là kinh đô triều Tây Sơn và kinh đô của nhà Nguyễn.
Vùng đất lịch sử này như “trạm trung chuyển” của dân tộc Việt Nam, nơi kết tụ nhiều tầng văn hóa khác nhau và hình thành nên trung tâm văn hóa lớn trong lịch sử. Ngày nay, Huế sở hữu 8 danh hiệu di sản thế giới, trong đó phải kể đến Quần thể di tích Cố đô Huế, là di sản đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh vào năm 1993, và Nhã nhạc cung đình Huế cũng là di sản phi vật thể của Việt Nam được vinh danh vào năm 2003.
Các chương trình tỏng lễ hội Festival ở Huế. Ảnh: Lê Hoàng.
PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng Cố đô Huế là một quần thể di tích hoàn chỉnh, đến nay còn giữ được nhiều yếu tố ban đầu. Đó là chứng nhân của nhiều triều đại từ lúc thành lập, thịnh trị rồi suy tàn và đã để lại nhiều phủ đệ, cung điện, lăng tẩm, đền miếu, chùa chiền. Những di sản này đang hòa chung với cuộc sống đương đại sống động và hấp dẫn.
Theo ông Bang, những di sản lịch sử và văn hóa Huế là tài sản vô giá cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, không những để làm giàu cho Huế và đất nước mà còn làm phong phú cho đời sống của nhân loại, như một nhu cầu của cuộc sống hiện đại mà con người ở mọi châu lục cần khám phá.
“Lịch sử và thiên nhiên đã trao cho Huế một kho báu và Huế thực sự đã trở thành viên ngọc quý. Viên ngọc đó càng cọ xát với thời gian, càng tham gia vào đời sống của nhân loại lại càng tỏa sáng, trở nên óng ánh và có sức hấp dẫn lạ thường”, ông Bang nhận định khi nói về Huế.
Một góc của đô thị Huế. Ảnh: Thành Đạt.
Các chuyên gia đánh giá Huế rất đúng đắn khi chọn con đường riêng dựa trên nền tảng của văn hóa, di sản để phát triển, và phát triển theo mô hình một “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh”.
Điều này không chỉ mở ra cơ hội lớn để phát triển mà vẫn bảo vệ được bản sắc độc đáo của mình. Nhưng đâu chỉ có cơ hội, song hành là khó khăn và thách thức mà Huế đang phải đối mặt để vượt qua là điều tất yếu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thừa Thiên Huế, nhận định rằng TP. Huế lên Trung ương chính là trở về vị thế của vùng kinh đô xưa. Đây không chỉ là chủ trương lớn của Trung ương mà còn là sự nỗ lực của người dân, chính quyền đô thị này.
Việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là vận hội mới của Huế. Giờ đây, TP. Huế còn có vai trò là cực phát triển của đất nước.
Khai thác các yếu tố đặc trưng của di sản văn hóa
Từng có nhiều năm gắn bó với Quần thể di sản Huế trước khi làm Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Huế, TS. Phan Thanh Hải thẳng thắn cho rằng vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vẫn chưa có sức hút đối với các nhà đầu tư, xã hội hóa về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa còn có tỷ lệ thấp.
Ngoài ra, một số cơ chế, quy định pháp luật nhà nước chưa thật sự phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước nói chung, và của địa phương nói riêng. Những tác động tiêu cực do hoạt động của con người gây ra, xuất phát từ áp lực của sự phát triển kinh tế, tốc độ đô thị hóa, nhu cầu cuộc sống hiện đại, cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Cố đô Huế.
Một góc Chùa Thiên Mụ. Ảnh: Nguyễn Phong.
Cũng theo TS. Hải, việc khai thác thế mạnh các giá trị của di sản Cố đô Huế để phát triển chưa thực sự đạt được hiệu quả cao nhất, sản phẩm vẫn còn khá nghèo nàn, chưa tạo ra sự tương tác cho du khách để trải nghiệm.
Nguồn thu từ các dịch vụ tại các công trình di sản văn hóa chưa cao, thiếu các sản phẩm chủ lực, hàng lưu niệm đặc trưng, phần lớn mới chỉ tập trung vào khai thác các giá trị di sản văn hóa, các công trình kiến trúc ở khu vực Đại Nội, hệ thống lăng tẩm ở Huế và phụ cận cho phát triển du lịch.
Ngoài ra, nhiều giá trị di sản văn hóa khác trên địa bàn tỉnh như nhà vườn, phủ đệ, chùa chiền vẫn chưa được khai thác đưa vào phát triển du lịch hoặc đã đưa vào khai thác nhưng còn ở mức độ thấp, chưa thực sự hấp dẫn, độc đáo.
Để giải bài toán này, người đứng đầu ngành văn hóa TP. Huế cho rằng phải thiết lập các quy định bảo tồn, phát huy giá trị di tích và các quy định phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tập trung các nguồn lực để trùng tu, phục hồi và bảo tồn một số công trình kiến trúc trọng điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế.
Bình luận (0)