Sau đây, từ giờ thức dậy cho đến giờ ăn tối, các chuyên gia và nhà khoa học sẽ chỉ ra thời điểm tốt để bạn thực hiện, theo tờ Daily Mail. Tất nhiên, đây chỉ là những thông tin để bạn tham khảo.
Giờ thức dậy: 7 giờ 22
Nghiên cứu của Đại học Westminster (Anh) cho thấy những người thức dậy lúc 7 giờ 22 phút sẽ vui vẻ sảng khoái hơn so với thức dậy sớm hơn – từ 5 giờ 22 – 7 giờ 21 vì dậy sớm làm tăng mức hoóc môn gây căng thẳng, dẫn đến tâm trạng tồi tệ, đau nhức cơ bắp, cảm lạnh và đau đầu hơn.
Tiến sĩ Neil Stanley, chuyên gia về giấc ngủ của Anh, tuyên bố thức dậy khoảng 7 giờ sáng là lý tưởng đối với hầu hết mọi người, nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy điều quan trọng nhất để kéo dài tuổi thọ là thức dậy cùng một giờ mỗi ngày.
Ăn sáng: Trước 8 giờ
Các nhà nghiên cứu khẳng định thời điểm tốt nhất để ăn sáng là trước 8 giờ.
Nghiên cứu năm 2023 cho thấy ăn sáng sau 9 giờ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên 59% so với ăn trước 8 giờ.
Chuyên gia Anna Palomar Cros, nhà nghiên cứu tại Viện Sức khỏe Toàn cầu Barcelona (Tây Ban Nha), giải thích: Giờ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp sinh học cũng như kiểm soát đường và mỡ máu.
Uống cà phê: Từ 9 – 14 giờ
Ngay khi thức dậy, mức cortisol trong cơ thể tăng dần và đạt mức cao nhất trong khoảng từ 8 – 9 giờ rồi giảm dần.
Caffein trong cà phê cũng có tác dụng làm tăng mức cortisol, vì vậy tốt nhất nên đợi đến 9 giờ – khi mức cortisol giảm dần, để thưởng thức tách cà phê sáng, sẽ tuyệt hơn!
Caffein có thể mất 8 tiếng đồng hồ mới hết tác dụng, vì vậy, tránh uống cà phê sau 14 giờ sẽ ít ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
Tập thể dục: 6 giờ 30 – 8 giờ 30 hoặc 18 – 20 giờ
Mọi người thường tập thể dục vào sáng sớm hoặc vào chiều tối. Điều này rất tốt vì nghiên cứu của Mỹ đã phát hiện phụ nữ tập luyện từ 6 giờ 30 – 8 giờ 30 giúp giảm huyết áp và mỡ bụng. Và tập từ 18 – 20 giờ giúp xây dựng cơ bắp và tăng cường sức bền.
Còn với nam giới, tập luyện buổi tối có tác dụng giảm huyết áp và đốt cháy chất béo hiệu quả nhất.
Đưa ra quyết định quan trọng: 11 – 12 giờ
Các nhà khoa học khẳng định ngay cả đưa ra quyết định cũng cần phải đúng thời điểm! Và khung thời gian từ 11 – 12 giờ là lý tưởng nhất.
Giáo sư Russell Foster, nhà thần kinh học của Đại học Oxford (Anh), nói rằng khả năng nhận thức và thời gian phản ứng của mọi người đạt đỉnh điểm trong khoảng thời gian từ 11 – 12 giờ, theo Daily Mail.
Ngủ trưa: Từ 12 – 16 giờ
Thời gian tốt nhất để chợp mắt một chút là từ 12 – 16 giờ.
Nghiên cứu của Nhật cho thấy ngủ trưa chỉ 20 phút lúc 12 giờ 20 có thể tránh suy giảm năng lượng vào buổi chiều. Nghiên cứu cũng cho thấy ngủ trưa có thể giúp người lớn tuổi giảm tình trạng teo não.
Ăn tối: Từ 19 – 20 giờ
19 – 20 giờ là thời điểm tối ưu để ăn tối.
Ăn muộn hơn có thể làm tăng nguy cơ tăng cân và tiểu đường, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã phát hiện ăn tối trong 2 tiếng trước khi đi ngủ làm tăng nguy cơ béo phì lên gấp 5 lần. Tiến sĩ Stanley lưu ý: Tốt nhất nên ngừng ăn ít nhất 3 tiếng trước khi đi ngủ.
Đi ngủ: 22 – 23 giờ
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa European Heart Journal cho biết, đi ngủ từ 22 – 23 giờ là tốt nhất vì có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và lưu thông máu.
Ngược lại, đi ngủ sau 24 giờ làm tăng 25% nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Theo nhiều nghiên cứu, tốt nhất nên ngủ 7 tiếng mỗi đêm. Nghiên cứu từ lâu đã phát hiện ngủ từ 6 – 8 tiếng mỗi ngày giúp ít bệnh tật và sống lâu hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng khẳng định theo lịch trình ngủ đều đặn thậm chí còn tốt hơn là ngủ nhiều, theo Daily Mail.