Theo thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Trọng Tín (Phòng khám Nhi khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3), trong những năm gần đây, thể chất của người Việt Nam đang ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực, biểu hiện qua sự gia tăng vượt bậc chiều cao của thanh niên. Tuy vậy, nếp sống xã hội hiện đại cũng như chế độ dinh dưỡng không hợp lý cũng mang lại một số hệ lụy, trong đó có tình trạng dậy thì sớm.
Dậy thì sớm và tác hại
Bác sĩ Nguyễn Trọng Tín cho hay tuổi dậy thì là một giai đoạn tăng trưởng và phát triển quan trọng được đặc trưng bởi một quá trình phức tạp được điều chỉnh bởi hệ thống thần kinh nội tiết. Dậy thì sớm được định nghĩa là thời điểm bắt đầu phát triển dậy thì trước 8 tuổi ở bé gái và 9 tuổi ở bé trai.
Trong dậy thì sớm, phát triển chiều cao là yếu tố bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, khi mà tuổi xương của trẻ trở nên “già” quá sớm, từ đó làm trẻ cao sớm hơn tuổi nhưng lại dừng phát triển sớm hơn các trẻ khác.
“Ngoài ra dậy thì sớm ở trẻ ảnh hưởng rất lớn về mặt thể chất lẫn tinh thần. Sự phát triển về mặt giới tính quá sớm sẽ làm cho trẻ trở nên biệt lập với các bạn cùng lớp, đem lại nhiều hậu quả tâm lý. Ngoài ra, theo nhiều nghiên cứu, trẻ dậy thì sớm sẽ có nguy cơ tăng huyết áp, đái tháo đường loại 2, bệnh tim mạch, tăng nguy cơ ung thư vú khi trưởng thành”, bác sĩ Tín chia sẻ.
Nguyên nhân của dậy thì sớm
Dậy thì sớm bao gồm 2 loại là dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương. Đối với dậy thì sớm ngoại biên, cần tìm nguyên nhân gây ra tăng tiết quá mức các hormone sinh dục như là các nang buồng trứng, u buồng trứng, u tế bào Leydig, bệnh lý ở tuyến thượng thận… và một khi tìm ra được nguyên nhân chính xác thì có thể sớm giải quyết tình trạng bệnh lý của trẻ.
Đối với dậy thì sớm trung ương, 80% các trường hợp là vô căn, tức không tìm thấy nguyên nhân, 20% còn lại là do nhiều nguyên nhân khác nhau như bất thường hệ thần kinh trung ương, do đột biến gien…
Dậy thì sớm trung ương hiện nay vẫn còn được nghiên cứu các tác nhân ảnh hưởng, trong đó dinh dưỡng là một yếu tố rất quan trọng mà hiện nay nhiều nghiên cứu đã tìm ra được.
Yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Trọng Tín cũng cho hay: “Tình trạng dinh dưỡng được coi là một trong những yếu tố quan trọng liên quan đến sự phát triển của tuổi dậy thì, bao gồm chế độ dinh dưỡng của mẹ lúc mang thai, chế độ dinh dưỡng của trẻ lúc sơ sinh cũng như chế độ ăn của trẻ trong giai đoạn tuổi thiếu nhi”.
Nói rõ hơn về yếu tố dinh dưỡng của mẹ trong lúc mang thai, bác sĩ Tín cho biết: “Một số nghiên cứu đã phát hiện ra được mối tương quan giữa tình trạng béo phì của mẹ và tuổi có kinh của con gái”.
Cụ thể, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy BMI (chỉ số khối cơ thể – body mass index) cao trước khi mang thai và tăng cân quá nhiều trong thai kỳ đều có liên quan đến dậy thì sớm ở trẻ gái. Ngoài ra, chế độ ăn uống chứa các hợp chất thuộc nhóm phytoestrogen trong thời kỳ mang thai cũng được cho là có ảnh hưởng đến sự phát triển tuổi dậy thì ở trẻ.
Còn về yếu tố dinh dưỡng sau sinh ở trẻ, bác sĩ Tín cho biết việc cho trẻ bú sữa mẹ có vai trò cực kỳ quan trọng và có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình dậy thì của trẻ sau này.
“Hiện nay nhiều tổ chức sức khỏe trên thế giới như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Viện Nhi khoa Mỹ hay Viện Dinh dưỡng và ăn kiêng (Academy of Nutrition and Dietetics) đều luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho trẻ bú sữa mẹ vào những tháng đầu đời, ít nhất là từ 6-12 tháng tuổi. Việc cho trẻ bú sữa mẹ đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái”, bác sĩ Tín nói rõ.
Còn đối với trẻ ở nhóm tuổi từ 2-12 tuổi, nguy cơ có thể đến từ việc mất cân bằng năng lượng, gây ra béo phì. Đây cũng chính là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến đến hậu quả dậy thì sớm.
“Bên cạnh đó, dù protein rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, nhưng việc sử dụng một lượng lớn protein động vật cũng đã được chứng minh có tác động kích thích trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục thông qua việc tiết ra IGF-1, và chế độ ăn trước tuổi dậy thì quá giàu protein động vật sẽ có nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm. Vì vậy, cần cho trẻ có các chế độ ăn cân bằng để có đủ các chất nguyên tố vi lượng từ thịt cá nhưng không quá dư thừa”, bác sĩ Tín nói thêm.
Ngoài ra, đối với nhóm thức ăn đường bột, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiêu thụ thường xuyên hơn các loại nước ngọt có đường và nước ngọt nhân tạo được dự đoán là sẽ làm dậy thì sớm, chủ yếu do làm tăng BMI và tác động đến vùng dưới đồi của não bộ.
“Việc dậy thì sớm gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Do đó chúng ta cần có kiến thức chăm sóc trẻ đúng cách để phòng được bệnh, đồng thời phát hiện và điều trị sớm khi có bệnh”, bác sĩ Tín khuyến nghị.