Điểm yếu trong khai thác du lịch
Du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước là những loại hình du lịch chủ đạo của TP Cần Thơ. Đây là nguồn tài nguyên riêng biệt mà không phải vùng nào cũng có được. Tuy nhiên, điều này cũng là điểm hạn chế khi nhiều người làm du lịch nơi đây cùng khai thác sắc thái chung của tài nguyên tự nhiên sẵn có là sông nước, miệt vườn, từ đó tạo nên sự trùng lặp về sản phẩm du lịch, vô tình làm giảm sức hút đối với khách tham quan.
Trao đổi với Báo Lao Động, T.S Kinh tế Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL – cho rằng, sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL nói chung được xác định là du lịch sinh thái miệt vườn gắn với sông nước. Trong đó, Cần Thơ là một đô thị trung tâm nhưng lại có thế mạnh rất lớn về du lịch đường sông.
“Từ nhiều năm qua, câu chuyện điểm yếu của du lịch Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đó là sự khai thác lợi thế này một cách trùng lặp. Nhiều người cho rằng đi một địa phương thì có thể biết hết 13 tỉnh, thành của vùng, với các hoạt động du lịch gần giống nhau”, T.S Hiệp nói.
Theo T.S Trần Hữu Hiệp, mặc dù thời gian gần đây điểm yếu này đang dần được khắc phục, du lịch đường sông Cần Thơ có những nét đổi mới, được đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư lại chưa đúng mức, chưa khai thác hết được tiềm năng.
Tạo điểm nhấn du lịch đường sông
T.S Kinh tế Trần Hữu Hiệp nhận định, Cần Thơ và các tỉnh, thành của vùng ĐBSCL có 3 lợi thế hết sức đặc biệt. Đầu tiên là việc sở hữu khoảng 28.000 km đường sông với cảnh quan đẹp; cùng điều kiện thời tiết chỉ có hai mùa nắng – mưa, thuận tiện khai thác, phát triển du lịch đường sông quanh năm, đặc biệt là các dịp lễ hội, hè, Tết.
Đồng thời, dọc theo bờ sông nếu được đầu tư khai thác thì những nét văn hóa bản địa, những cụm dịch vụ, resort phát triển có thể trở thành điểm nhấn cho du lịch đường sông. Không còn đơn điệu chỉ là các hoạt động trên tàu, thuyền như hiện nay, mà khi gắn được với những điểm đến du khách có thể tìm hiểu những nghề thủ công truyền thống, nét sinh hoạt của người dân bản địa.
Cùng với đó, một điểm mạnh cần được quan tâm là sự liên kết giữa các tỉnh, thành của vùng. Trong đó, không chỉ là chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) mà các địa phương khác có thể kết nối thành một quần thể, điển hình là chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng). Từ sự kết nối này, các công ty lữ hành có thể khai thác những phân khúc gắn với các tour, tuyến, kết hợp phương thức giao thông vừa là đường sông vừa là đường bộ để khai thác tối đa.
“Tôi đặc biệt quan tâm đề án Xây dựng và Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù TP Cần Thơ. Trong đó, trọng tâm là đề án Phát triển chợ nổi Cái Răng – di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Thời gian tới, chúng ta cần đầu tư, quan tâm hỗ trợ các nhà làm du lịch, nhằm tạo môi trường du lịch hấp dẫn, thu hút du khách”, T.S Hiệp nhấn mạnh.
Ngoài ra, T.S Hiệp còn gợi mở hướng phát triển du lịch nông nghiệp mang tính chất đô thị, từ những lợi thế hết sức quan trọng của giao thông, của cơ sở hạ tầng về du lịch, hệ thống khách sạn, hệ thống logistics… Đặc biệt, chú trọng đầu tư những làng hoa ven thành phố, điển hình là làng hoa Bà Bộ (quận Bình Thuỷ), nhằm tăng sức hút cho các nhà đầu tư du lịch và tạo nên thương hiệu hoa, kiểng Cần Thơ.
Theo T.S Kinh tế Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, trong bức tranh tổng thể của kinh tế vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ được xác định là một trong hai trung tâm du lịch của vùng (cùng với Phú Quốc). Năm 2023 vừa qua, du lịch Cần Thơ cũng nổi lên là một trong những điểm sáng của thành phố, với lượng du khách đạt gần 6 triệu lượt, tăng 17%; tổng doanh thu du lịch đạt 5.420 tỉ đồng, tăng 32% so với năm 2022, đặc biệt lượng du khách quốc tế cũng tăng cao.
Đánh giá về sự tăng trưởng này, T.S Hiệp cho rằng, nếu nhìn trong ngắn hạn thì đây là điều đáng mừng, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nếu nhìn ở dài hạn, nhất là với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố thì còn nhiều vấn đề cần đặt ra để quan tâm và xây dựng. Trong đó, dịch vụ du lịch cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng với kỳ vọng để trở thành một đô thị sinh thái văn minh, hiện đại, mang tính dẫn dắt và vai trò trung tâm của khu vực ĐBSCL.