Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng EVFTA, tỷ trọng hàng Việt Nam trong nhập khẩu của EU chỉ chiếm khoảng 2%, rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu của EU.
Doanh nghiệp Việt chưa tận dụng EVFTA nên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hải sản dù tăng trưởng tốt, song chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này của EU. (Ảnh: Nhã Chi) |
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường khắt khe với những tiêu chuẩn sản phẩm rất nghiêm ngặt. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường này phải nỗ lực thích nghi, tận dụng tốt sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế và các hiệp hội ngành nghề.
Đây là nhận định của ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào (AHK) nhân dịp tròn 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo ông Walde, sau 3 năm triển khai EVFTA (8/2020-8/2023), có thể thấy rõ một số lợi ích mà hiệp định này mang lại và vẫn còn rất nhiều tiềm năng mà các công ty có thể được hưởng lợi từ hiệp định này.
Ông cho biết tính tới thời điểm EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), đây là hiệp định thương mại tự do thứ tư mà EU ký với một nước châu Á và là hiệp định thứ hai với một nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đề cập hiệu quả mà EVFTA mang lại, ông Walde cho biết, bất chấp những gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra trong 3 năm đầu triển khai EVFTA, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng, với tốc độ gia tăng hằng năm lần lượt là 14,2% năm 2021 và 16,7% năm 2022.
Trong khi đó, xuất khẩu của EU sang Việt Nam cũng tăng đáng kể ở nhiều lĩnh vực như máy móc, ô tô, dược phẩm, hóa chất và hàng tiêu dùng. Về đầu tư giữa hai nước, ông Walde nhấn mạnh, EVFTA tạo thêm nhiều cơ hội cho các công ty Đức tiếp cận thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn có những tồn tại trong việc triển khai EVFTA một cách hiệu quả. Theo ông Walde, cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được tối đa lợi thế của hiệp định này trong việc phát triển bền vững các hoạt động xuất khẩu của mình do thương hiệu Việt Nam vẫn chưa được biết đến nhiều ở các nước châu Âu.
Tỷ trọng hàng Việt Nam trong nhập khẩu của EU chỉ chiếm khoảng 2%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như rau quả, hải sản, gạo) dù tăng trưởng tốt, song chưa đạt hiệu quả như mong đợi tại thị trường này, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng này của EU.
Trong khi đó, vẫn có một số mặt hàng chưa có dấu hiệu tăng trưởng sau khi EVFTA có hiệu lực, như: giấy, các sản phẩm từ giấy và hạt điều.
Theo ông Walde, mặc dù Việt Nam đã nỗ lực đơn giản hóa các quy định về thủ tục, song một trong những rào cản chính đối với các công ty Đức và châu Âu là khâu giải quyết thủ tục hành chính và thủ tục cấp phép phức tạp, gây chậm trễ cho việc triển khai.
Việc cải thiện tính minh bạch và hiệu quả trong các quy trình này có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại.
Ngoài ra, một số công ty châu Âu đang gặp khó khăn trong việc hiểu đầy đủ các khía cạnh kỹ thuật của EVFTA và điều này khiến các công ty bỏ lỡ những cơ hội quý giá mà thoả thuận mang lại.
Chưa kể, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa tương xứng cũng đặt ra một trở ngại khác. Do đó, cần mở rộng năng lực, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo để tránh những thiếu hụt có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, cũng như cần hiện đại hóa đường bộ, đường sắt, bến cảng và sân bay để đảm bảo hoạt động kinh doanh và thương mại diễn ra suôn sẻ.
Cũng theo ông Walde, quan hệ đối tác với các doanh nghiệp châu Âu và Đức mang lại cơ hội tốt để chuyển giao công nghệ và hội nhập vào chuỗi cung ứng.
Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào (AHK). (Nguồn: TTXVN) |
AHK Việt Nam cung cấp nhiều nền tảng, mạng lưới kết nối và hỗ trợ kỹ thuật để chia sẻ những thông tin đáng tin cậy trong nhiều ngành nghề, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyên đề như chăm sóc sức khỏe, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các công ty khởi nghiệp, nhằm tăng sức hấp dẫn về xuất khẩu đối với người tiêu dùng EU vốn có ý thức cao về môi trường.
Việc tham gia vào các diễn đàn hợp tác này giúp các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định mình là đối tác thương mại hướng tới tương lai và có ý thức về môi trường. Các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức và hiểu biết về các tiêu chuẩn và quy định của EU, có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt thông qua các chương trình do chính phủ triển khai nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh kinh doanh.
Bên cạnh đó, Việt Nam nên tận dụng sự hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ của EU và Đức để cải thiện liên kết chuỗi cung ứng, như Đạo luật Thẩm định chuỗi cung ứng và Chương trình Chuyển dịch năng lượng của Đức. Tận dụng sự hỗ trợ này giúp sẽ nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam.
Ông Walde đánh giá việc đảm bảo cấp thị thực và giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng là thách thức.
Những hạn chế về giấy phép lao động và thị thực theo Nghị định 152 (Nghị định quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam) giới hạn việc dịch chuyển lao động có tay nghề và tuyển dụng những người giỏi, hạn chế sự phát triển lực lượng lao động lành nghề được coi là quan trọng đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động.
Việc giải quyết những hạn chế dịch chuyển lao động này là điều quan trọng để khai thác tối đa tiềm năng của EVFTA trong việc thu hút đầu tư từ châu Âu cũng như việc chuyển giao tri thức liên quan.
Rào cản hành chính, như khó khăn trong việc xin giấy phép và sự phê duyệt cần thiết cho các dự án đầu tư đã gây chậm trễ và cản trở các nhà đầu tư. Việc giảm quan liêu và đơn giản hóa các quy định sẽ tạo ra môi trường thân thiện hơn đối với dòng vốn từ châu Âu.
Việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua giáo dục, đào tạo nghề kết hợp với thực hành và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động tạo ra cơ hội lớn, bởi đầu tư đáng kể cho phát triển nguồn nhân lực sẽ giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư châu Âu và Đức – đang tìm kiếm lao động có tay nghề cùng quan hệ đối tác lâu dài.