Chuyên gia đề xuất quy hoạch Thanh Đa thành công viên thay vì xây dựng đô thị
Các chuyên gia quy hoạch cho rằng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn nên việc xây dựng các công viên dọc bờ sông Sài Gòn như bán đảo Bình Quới – Thanh Đa sẽ là chiến lược lâu dài bảo vệ người dân.
Đề xuất này được các nhà quy hoạch của Pháp đề xuất với UBND TP.HCM tại Hội thảo phát triển không gian chức năng, hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine, diễn ra ngày 2/3 tại TP.HCM.
Tại hội thảo, liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đã trình bày kết quả nghiên cứu và những ý tưởng ban đầu cho quy hoạch hành lang ven sông Sài Gòn.
Ông Laurent Perrin, Viện quy hoạch vùng Paris góp ý về việc phát không gian dọc sông Sài Gòn.
|
Sau khi nghiên cứu, liên danh tư vấn đề xuất phát triển hành lang sông Sài Gòn với 4 phân khu.
Phân khu 1, từ thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến ranh giới TP.HCM và tỉnh Tây Ninh dài 48 km. Khu này được đề xuất phát triển theo hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô.
Phân khu 2, từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một với chiều dài 25 km. Khu vực này sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn nên cần chuyển đổi các khu đất trồng trọt rộng lớn còn lại thành các công viên nông nghiệp – giải trí, sinh thái.
Phân khu 3, bao gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận từ Quốc lộ 52 đến đường sắt TP.HCM- Hà Nội dài 13,5 km. Đơn vị tư vấn đề xuất khu vực này phát triển thành khu đô thị hỗn hợp mật độ cao và công viên nông nghiệp – giải trí ngập nước rộng 300 ha.
Phân khu 4 (khu trung tâm cánh cửa tương lai) dài 16 km, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52. Đây là lối vào trung tâm đô thị TP.HCM, đi qua một vài quận huyện lâu đời và đông dân nhất.
Góp ý cho quy hoạch hành lang ven sông Sài Gòn, ông Laurent Perrin, Viện quy hoạch vùng Paris, nhận định vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn nên việc xây dựng các công viên dọc bờ sông sẽ là chiến lược lâu dài bảo vệ người dân.
Trong đó, ông đề xuất quy hoạch bán đảo Bình Quới – Thanh Đa thành công viên đa chức năng thay vì phát triển đô thị tại đây. Vị chuyên gia này cho rằng cần bảo tồn bán đảo Thanh Đa theo hiện trạng, để nước từ sông Sài Gòn xâm nhập càng nhiều càng tốt và không xây dựng quá nhiều đường trên bề mặt hay bê tông hóa bán đảo.
Bán đảo Thanh Đa nhìn từ trên cao – Ảnh: Lê Toàn |
Ngoài ra, khu vực phía Bắc TPHCM (Củ Chi) là nơi thích hợp để cân nhắc xây dựng công viên quốc gia. Ông Laurent Perrin cũng khuyến nghị Thành phố cần đưa ra những chính sách quản lý tốt để bên cạnh việc phát huy được giá trị kinh tế thì vẫn duy trì và bảo tồn được di sản gắn với dòng sông.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, với độ dài 256 km, riêng đoạn chảy qua TP.HCM dài 80 km, sông Sài Gòn có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội của khu vực Đông Nam Bộ. Nếu đánh giá đúng tầm quan trọng của dòng sông với sự phát triển của Thành phố, đây là sẽ chìa khóa để mở ra các cơ hội phát triển trong 30 năm tới.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Thành phố có thể tập trung phát triển trước 15-20 km sông Sài Gòn đoạn qua khu Thủ Thiêm và bán đảo Thanh Đa – Bình Quới, bởi đây được ví như “hòn ngọc” của Thành phố.
“Nếu quy hoạch và làm tốt, 10-15 năm nữa sông Sài Gòn không chỉ là điểm nhấn của Thành phố mà sẽ nổi tiếng trên thế giới” ông Chính nhận định.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đang thực hiện 3 quy hoạch rất quan trọng gồm quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến 2040, tầm nhìn 2060 và xây dựng quy hoạch chung TP Thủ Đức.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong quy hoạch sắp tới, Thành phố xác định việc quy hoạch sông Sài Gòn là trung tâm, có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển của Thành phố.
“Các ý kiến trao đổi phản biện, thảo luận sẽ được Thành phố tiếp thu vào đồ án quy hoạch chung. Thành phố cũng tìm kiếm những cách tiếp cận khác nhau và vận dụng các cơ chế đặc thù để triển khai các chiến lược và phát triển sông Sài Gòn thời gian tới” ông Mãi nhấn mạnh.