Một số người dân tin rằng có thể phát hiện ung thư phổi khi xét nghiệm máu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần thận trọng về điều này.
Bệnh nhân ung thư điều trị tại Bệnh viện TP .Thủ Đức. (Nguồn: Vietnamnet) |
Thông tin trên được các chuyên gia quốc tế chia sẻ trong Hội thảo về ung thư phổi do Bệnh viện thành phố Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức sáng 20/5. Hội thảo có sự tham gia của các bác sĩ chuyên ngành ung thư từ Israel, Singapore, Nhật Bản.
Theo Giáo sư Nir Peled thuộc Trung tâm y tế Shaare Zedek (Israel), tầm soát ung thư phổi là chương trình quốc gia của Israel và thực hiện miễn phí.
Những đối tượng nguy cơ như người trên 50 tuổi và hút thuốc là nhiều sẽ được thực hiện chụp CT phổi liều thấp, có thể kết hợp đánh giá chức năng hô hấp ở các bệnh viện địa phương. Khi phát hiện bất thường, người bệnh sẽ được chuyển lên các trung tâm chuyên sâu về ung thư.
Ông cho rằng hiện chưa có bằng chứng khoa học chắc chắn về việc xét nghiệm máu có thể tầm soát ung thư. Tại Israel, xét nghiệm máu phải được thực hiện cùng với các kỹ thuật khác, ví dụ như CT phổi liều thấp để có đánh giá chính xác.
“Xét nghiệm máu chưa đủ chứng cứ và cơ sở khoa học để thực hiện đơn lẻ khi tầm soát ung thư. Ngoài ra, chi phí xét nghiệm máu trong trường hợp này còn cao hơn chi phí cho chụp CT liều thấp”, bác sĩ Nir Peled nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ Ooi Wei Seong, Giám đốc y khoa của ICS, Singapore, cho hay chỉ số này ung thư phổi trong máu CEA chỉ đúng trong khoảng 20% trường hợp. Đồng thời, chỉ số này cũng tăng khi xét nghiệm một người đang hút thuốc.
Tại Singapore, việc tầm soát ung thư phổi chủ yếu vẫn dựa trên nhu cầu và khả năng kinh tế của từng bệnh nhân. Kỹ thuật thường sử dụng nhất cũng là chụp CT phổi liều thấp. Bệnh nhân phát hiện khối u qua tầm soát sẽ được xử trí tùy theo tình huống. Khối u nhỏ hướng lành tính sẽ được theo dõi định kỳ.
Cũng tại hội thảo sáng nay, bác sĩ Vũ Trí Thanh, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết ung thư phổi đang đứng đầu trong các bệnh ung thư trên thế giới về cả tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong.
Ở nước ta, ung thư phổi xếp vị trí thứ 2 sau ung thư gan, với khoảng 23.600 ca mắc mới và 20.700 người tử vong mỗi năm. Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi là hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ hoặc amiăng, yếu tố di truyền.
Ngày nay, việc chẩn đoán, điều trị và tiên lượng của bệnh ung thư phổi đã tốt hơn do tiến bộ của y học hiện đại. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể mang đến cơ hội hồi phục cho người bệnh ung thư.