Buổi đối thoại diễn ra trước thềm tổ chức Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM dự kiến diễn ra cuối tháng 10.
Chung sức xây dựng chính quyền số
Nhiều ý kiến của đại biểu trẻ cho rằng trong thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số nhằm hỗ trợ thanh niên nâng cao kỹ năng, áp dụng công nghệ vào khởi nghiệp và phát triển sự nghiệp được đẩy mạnh. Cạnh đó, các bạn trẻ cũng mong muốn lãnh đạo TP tạo điều kiện để nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên và người lớn tuổi.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng TP luôn đón nhận sáng kiến của người trẻ về xây dựng chính quyền số, bởi việc chuyển đổi số sẽ thúc đẩy sự phát triển cho TP. Toàn TP đang chuẩn bị nền tảng số đến từng khu phố, từng bước triển khai chính quyền số với mục tiêu giải quyết 70% các thủ tục hành chính công trên nền tảng số.
Từ quá trình chuẩn bị các bước để xây dựng chính quyền số, ông Mãi gợi mở cho người trẻ tham gia đáp ứng nguồn nhân lực số, đóng góp bằng các sáng kiến. Nhiều không gian, địa chỉ tiếp nhận sáng kiến có tại Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM. Tuy nhiên ông Mãi cũng trăn trở dường như chúng ta cũng chưa chủ động đề xuất các giải pháp.
Đẩy mạnh khởi nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng
Chị Đặng Xuân Vân (quận Phú Nhuận, giám đốc Công ty TNHH Felix Zone) cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ thường thiếu kiến thức và khung cần thiết cho từng quá trình khởi nghiệp, gọi vốn. Vì vậy việc tổng hợp, chọn lọc, tinh gọn kiến thức rồi đóng gói, nhân rộng các gói kiến thức cũng như các mô hình vườn ươm chuẩn để phổ cập đến thanh niên TP là vô cùng cần thiết.
Còn chị Lê Thị Tường Vy (phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp) chia sẻ đa phần các doanh nghiệp khởi nghiệp đều không có tài sản, hiện phải tiếp cận với những nguồn vốn không chính thống và có lãi suất rất cao. Trong khi từ lâu quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp do nhiều điều kiện khách quan, quỹ này đang tạm dừng phát vay do hết vốn.
Quan tâm đến nguồn nhân lực cho khu vực hành chính công, chị Kiều Thị Kim Hằng – ủy viên ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận 5, bí thư Đoàn Trường THPT Hùng Vương – đề xuất lãnh đạo TP quan tâm, chỉ đạo các đơn vị tổ chức các chương trình, diễn đàn tuyên truyền, trao đổi về cơ hội việc làm trong khu vực công của TP.
“Đề xuất chính quyền các cấp và tổ chức Đoàn, Hội cần tăng cường công tác tuyên truyền cho đề án số 01 này cho đối tượng học sinh THPT để định hướng nghề từ sớm cho các em để các em có thể tiếp cận, biết và phấn đấu ngay từ sớm. Chế độ đãi ngộ phải thật sự tương xứng; môi trường làm việc phải thật sự chuyên nghiệp dành cho các bạn được tuyển từ đối tượng này” – chị Hằng nói.
Ông Mãi cho rằng thanh niên khởi nghiệp là rất hay, rất tốt nhưng nó không phải là phong trào. Không phải ai cũng có thể làm doanh nhân.
“TP và các đơn vị phải tổ chức các lớp kỹ năng cho thanh niên trong khởi nghiệp. Việc này TP hoan nghênh và sẵn sàng hỗ trợ. TP chúng ta thực hiện xây dựng TP là trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng ta có nhiều cơ chế để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp sáng tạo của người trẻ”, ông Mãi nói.
Bàn về vấn đề khai thác vốn cho các dự án khởi nghiệp đang vướng mắc trong thời gian qua, bà Trần Mai Phương – phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM – cho rằng Đoàn – Hội nên kết nối giới thiệu các nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, ngân hàng.
“Việc hỗ trợ vốn cho thanh niên là cần thiết nhưng chúng ta phải đi con đường đúng. Nên chăng chúng ta nghiên cứu theo hướng đề xuất TP hỗ trợ một phần chênh lệch lãi suất hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên. Sở Tài chính đồng hành cùng các bạn trong quá trình này”, bà Phương nói.
Tất cả vì mục tiêu là TP sự kiện
Chị Năng Thị Mỹ Duyên (TP Thủ Đức) đánh giá hình thức, số lượng các hoạt động, chương trình văn hóa nghệ thuật tại TP còn hạn chế và đề xuất lãnh đạo TP tiếp tục có những sản phẩm văn hóa, chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời để công diễn cho cộng đồng. Đặc biệt là các chương trình có giá trị nghệ thuật lớn, được đầu tư bài bản, quy mô nhằm tái hiện lịch sử, văn hóa của TP. Đây có thể trở thành điểm nhấn du lịch của TP, qua đó giúp giáo dục lịch sử, truyền thống, văn hóa cho thanh thiếu nhi.
Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy bày tỏ đồng tình: “Chúng ta cùng nhau xây dựng thương hiệu văn hóa thể thao của TP.HCM đó chính là văn hóa dân tộc đa dạng bởi TP là nơi hội tụ của 46 dân tộc anh em. Nhưng hơn hết chính là văn hóa phương Nam và gắn liền với tinh thần yêu nước, anh hùng, năng động, sáng tạo, nghĩa tình”, bà Thúy bày tỏ.
Bà Thúy cho biết thêm bà đồng tình với câu chuyện xây dựng con đường thanh niên – con đường Phạm Ngọc Thạch và ngày 9-1 tới đây, nhân kỷ niệm Ngày học sinh – sinh viên TP, Sở Văn hóa – Thể thao TP sẽ cùng Thành Đoàn TP.HCM tổ chức chương trình nhạc kịch để chuyển tải không khí “Tiếng hát của những đêm không ngủ”, trình diễn trên chính con đường thanh niên.
Ông Mãi thì cho rằng việc đặt vấn đề phát triển nhiều hơn các lễ hội, chương trình văn hóa là xác đáng, cần tiếp thu. Tất cả vì mục tiêu để TP.HCM là TP sự kiện, để mỗi tháng đều có các hoạt động lớn mang tầm quốc gia, quốc tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI
Tạo môi trường để thanh niên phát triển toàn diện
Ông Phan Văn Mãi cho biết lãnh đạo TP luôn tin tưởng mong muốn thanh niên TP nhiệt huyết năng động, ham học hỏi. Lãnh đạo TP luôn quan tâm đồng hành thực hiện đầy đủ trách nhiệm và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển thuận lợi. Hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM cần nghiên cứu những ý kiến, đề xuất tại buổi đối thoại này để đưa vào văn kiện đại hội và làm sao để lắng nghe ý kiến thanh niên hằng tháng, hằng quý.
“Nếu được, chúng ta sẽ nghiên cứu để TP làm 50 phần việc, công trình cho thanh niên và cùng nhau làm những công trình kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước. Bên cạnh đó thanh niên TP cũng sẽ thực hiện 50 phần việc, công trình góp phần xây dựng TP” – ông Mãi nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/chuyen-doi-so-va-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-can-nguoi-tre-tien-phong-20241011230137408.htm