TPHCM đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 25% GRDP của thành phố vào năm 2025 và chiếm 40% GRDP của thành phố vào năm 2030. Tỷ trọng này cao hơn so với bình quân chung của cả nước từ 5%-10%, cho thấy khát vọng cũng như thách thức rất lớn đối với sự phát triển kinh tế số của TPHCM.
Đưa hàng hóa lên mạng, thanh toán không dùng tiền mặt
Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen của phần đông người dân ở TPHCM. Ở nhiều gánh hàng rong hay sạp hàng ngoài chợ, mã QR, số tài khoản được in sẵn, dán ở vị trí dễ thấy. Sau khi mua hàng, khách hàng cầm điện thoại quét mã QR, tiền lập tức vào tài khoản người bán.
Bà Phạm Thị Bích Hân, bán xôi, chè ở chợ Phước Bình, TP Thủ Đức (TPHCM), cho biết, tiểu thương trong chợ đã quen với các giao dịch trực tuyến và chuyển tiền qua tài khoản. Như quầy xôi, chè của bà Hân mỗi ngày bán 50-70 phần, giá trung bình 10.000 đồng/phần, nhưng chỉ nhận chừng 100.000-200.000 đồng tiền mặt, số còn lại là nhận tiền qua chuyển khoản.
Cùng với thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động thương mại điện tử phát triển ngày càng mạnh. Từ các chợ truyền thống đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu đua nhau đưa hàng hóa lên sàn thương mại bằng nhiều cách. Gần đây nhất, hoạt động livestream kết nối trực tuyến với chiến dịch “Siêu live hàng Việt” trên TikTok quảng bá hơn 200 sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của 45 tỉnh, thành phố được tổ chức từ ngày 26-9 đến ngày 29-9 gây ấn tượng tốt.
Trước đó, cuối năm 2023, UBND TP Thủ Đức cũng tổ chức chợ trực tuyến Thủ Đức, thu hút 50 nhà bán lẻ tham gia. Chỉ tính riêng trên nền tảng TikTok, với 20 phiên livestream đã có hơn 17.000 đơn hàng được bán ra trong 3 ngày.
Thông qua các phiên livestream bán hàng xuyên biên giới, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (sáng lập thương hiệu cà phê Meet More) đã góp phần đưa nông sản Việt đến với thị trường thế giới. Theo ông Luận, kinh tế số bùng nổ, mỗi doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp thị để tiếp cận khách hàng. Hiện nay, thương mại điện tử là xu hướng buộc doanh nghiệp tham gia nếu không muốn bị đào thải.
Thời gian qua, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GRDP của TPHCM tăng đều theo các năm. Theo Bộ TT-TT, ước lượng đóng góp của kinh tế số vào GRDP của TPHCM là 18,66% năm 2022 và 21,5% năm 2023. Trong đó, doanh thu công nghiệp phần mềm thành phố đạt 64.110 tỷ đồng, đứng đầu cả nước; doanh thu công nghiệp phần cứng đạt 92.556 tỷ đồng và doanh thu dịch vụ CNTT đạt 23.100 tỷ đồng, xếp thứ hai cả nước.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi
Nhận thức tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi (quận Gò Vấp, TPHCM), đã tham gia khóa đào tạo về chuyển đổi số trong 6 tháng để áp dụng cho doanh nghiệp. Theo ông Lâm, để chuyển đổi số thành công, trước hết người lãnh đạo, ban giám đốc doanh nghiệp phải học, hiểu và ứng dụng trong công việc hàng ngày.
Ông cho biết, nhờ trực quan hóa hệ thống sản xuất lên phần mềm MESS (hệ thống thực hiện sản xuất) đã giúp ban giám đốc công ty kiểm soát tốt sản phẩm lỗi, năng suất lao động, giảm thời gian tổng hợp báo cáo sản xuất, rút ngắn thời gian báo giá và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Ông Lâm cho rằng, cùng với sự tự thân nỗ lực của doanh nghiệp, chính quyền TPHCM đã có những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số.
Một số kết quả kinh tế số, xã hội số của TPHCM 9 tháng năm 2024
Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 87%
Tỷ lệ người dân độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt 85,5%
Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 16,7%
Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 82%
Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 71,18%
Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 92%
TPHCM là nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) lớn của cả nước, với 22.773 doanh nghiệp hoạt động vào năm 2023. Lực lượng lao động ngành này đạt 85.214 người. TPHCM cũng là địa phương có khu CNTT tập trung đầu tiên tại Việt Nam (Công viên phần mềm Quang Trung) với quy mô 43ha và doanh thu năm 2023 đạt 12.720 tỷ đồng. Thành phố đã thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn, doanh nghiệp lập trình phần mềm lớn nhất Việt Nam với quy mô hơn 1.000 nhân sự có vai trò dẫn dắt ngành CNTT trong tiến trình chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh.
Trong kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” giai đoạn 2024-2025, UBND TPHCM đã xác định thúc đẩy phát triển kinh tế số với 4 trụ cột, gồm công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số và giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế số.
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, những tháng cuối năm, TPHCM sẽ đẩy mạnh nhân rộng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ bán buôn, bán lẻ chuyển đổi số; hợp tác với Bộ TT-TT phát triển mạnh thương mại điện tử; thúc đẩy chuyển đổi số các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cảng biển, chế biến thực phẩm, dệt may, du lịch thông minh… Trong đó, Sở TT-TT sẽ đề xuất TPHCM hình thành thêm các khu công nghệ thông tin tập trung với những chính sách vượt trội về thu hút nhà đầu tư; xây dựng thêm trung tâm dữ liệu để thúc đẩy kinh tế số trong thời gian tới.
Ông NGUYỄN KỲ PHÙNG , Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, TPHCM:
Lắng nghe người dân, doanh nghiệp
Thời gian qua, TP Thủ Đức đã phối hợp triển khai nhiều mô hình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, chợ truyền thống chuyển đổi số, tiêu biểu như mô hình “Chợ trực tuyến” tại các chợ Bình Khánh, Phước Bình, Thủ Đức. TP Thủ Đức cũng xây dựng triển khai chương trình hỗ trợ 200 doanh nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi số; phối hợp với Chi cục Thuế và Công ty CP Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức triển khai ứng dụng eTax Mobile đến các thương nhân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tra cứu, thanh toán trực tuyến các dịch vụ thuế điện tử.
Chúng tôi đã xây dựng các chuyên mục trên Cổng thông tin điện tử TP Thủ Đức nhằm tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Từ đó, đưa ra các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả; tăng cường thông tin tuyên truyền đến doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách phát triển thương mại điện tử.
Ông NGUYỄN MINH HÙNG , Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM:
Hỗ trợ chợ truyền thống chuyển đổi số
Chuyển đổi số tại TPHCM phát triển mạnh mẽ, tác động đến mọi thành phần kinh doanh, làm thay đổi tập quán về thương mại, thói quen giao dịch. Do đó, đòi hỏi người kinh doanh phải thích ứng với công nghệ. Thời gian qua, Sở Công thương phối hợp Sở TT-TT TPHCM triển khai các mô hình chuyển đổi số ở chợ, như livestream bán hàng, tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương, hỗ trợ ban quản lý chợ xây dựng kênh truyền thông để mở rộng khách hàng.
Đồng thời, hướng đến sự phát triển bền vững, Sở Công thương phối hợp Trường Đại học Kinh tế – Luật nghiên cứu đề án phát triển hệ thống chợ trên địa bàn TPHCM thích ứng với chuyển đổi số của nền kinh tế…
Nguồn: https://mic.gov.vn/chuyen-doi-so-toan-dien-nen-tang-cho-do-thi-thong-minh-bai-2-dong-gop-lon-vao-grdp-cua-tphcm-197241112153801861.htm