Trong thế giới công nghệ ngày càng phát triển, chu kỳ phát triển ứng dụng doanh nghiệp hiện đại ngày càng ngắn hơn. Các nhà lãnh đạo công nghệ đang sử dụng các công cụ đổi mới để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và đạt được lợi thế cạnh tranh. Việc kết hợp hoặc chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này, giúp các tổ chức tạo ra sản phẩm tốt hơn một cách nhanh chóng hơn.
Phát biểu tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ để tăng tốc đổi mới sáng tạo và chinh phục thị trường toàn cầu” diễn ra vào hôm nay (26.1), ông Bob Jones – Phó Chủ tịch Điều hành, Bộ phận Kinh doanh Toàn cầu của Siemens – dẫn dự đoán của Statista, chi tiêu trên toàn thế giới cho chuyển đổi kỹ thuật số dự kiến sẽ đạt 3,4 nghìn tỉ USD vào năm 2026. Còn theo Gartner, 91% doanh nghiệp tham gia vào một số hình thức sáng kiến kỹ thuật số và 87% lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao cho rằng số hóa là một ưu tiên.
“Thế giới đang thay đổi và những kỳ vọng của khách hàng cũng đang thay đổi. Cần biến phức tạp thành một lợi thế cạnh tranh và việc chuyển đổi số thành công bắt nguồn từ chiến lược của công ty” – ông Jones cho biết.
Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Huy – Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) – đánh giá: “Công nghệ ngày càng trở thành một nhân tố quyết định trong sự phát triển doanh nghiệp. Nhất là đối với các doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường toàn cầu, việc học hỏi, chuyển giao, tìm kiếm để ứng dụng các công nghệ phù hợp là điều kiện rất quan trọng”.
Thực tế, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ. Năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng 28% so với năm 2021 từ 18 tỉ USD lên 23 tỉ USD, mức tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Không những thế, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh gấp hai lần GDP vào năm 2030 (19% so với 9%).
Theo ông Huy, ngay tại Hà Nội, NIC cũng đã hợp tác với Siemens để xây dựng một không gian trải nghiệm số cho lĩnh vực nhà máy thông minh. Các giải pháp công nghệ này giúp các nhà sản xuất có thể xác định những giải pháp ứng dụng công nghệ có thể áp dụng, triển khai trong doanh nghiệp.
Cũng tại hội thảo, đại diện của NIC và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nhà máy thông minh đã đưa ra những nhận định, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về xu thế công nghệ và về vai trò của công nghệ trong quá trình tăng tốc đổi mới sáng tạo và thâm nhập vào thị trường toàn cầu.