Trang chủNewsThời sựChuyển đổi số tại Phú Thọ: Chủ động bắt nhịp, tạo bước...

Chuyển đổi số tại Phú Thọ: Chủ động bắt nhịp, tạo bước đột phá

Không còn là một khái niệm “trừu tượng và xa vời”, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, trở thành “hiện thực sống động và gần gũi” trong xã hội hiện đại. Tại Phú Thọ, quá trình chuyển đổi số đã huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thay đổi phương thức sống, làm việc, thụ hưởng của người dân. Nhìn rõ “đã làm được gì và đang ở đâu”, Phú Thọ đang tiếp tục lộ trình chuyển đổi số một cách bài bản và có trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang và các đại biểu tham quan các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp viễn thông trưng bày bên lề Hội nghị Đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp (tháng 9/2023)

Kỳ I: Chính quyền số: Chuyển biến nhỏ tạo thay đổi lớn

“Chuyển đổi số” quan trọng nhất và trước hết là thay đổi về nhận thức. Một khi cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên có tư duy chuyển đổi số thì bất kỳ phương tiện công nghệ tiến bộ, hiện đại nào cũng có thể được vận dụng để trở thành đòn bẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. “Có 3 thay đổi lớn nhất mà quá trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số mang lại là: Chuyển từ văn bản giấy sang văn bản điện tử giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí; hệ thống hội nghị trực tuyến đưa thông tin đến với cơ sở nhanh chóng và đầy đủ; dịch vụ công trực tuyến phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp” – Đây là nhận định của người đứng đầu của nhiều địa phương trong tỉnh.

Những chuyển biến từ cơ sở

Có mặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao vào một ngày cuối tháng 12/2023, chứng kiến hình ảnh anh Nguyễn Văn Tuấn – cán bộ công chức Tư pháp đang cần mẫn nhập dữ liệu trên hệ thống phần mềm mới thấy “chuyển đổi số” thực sự không kể tuổi tác. Anh Tuấn chia sẻ: Ban đầu khi được điều sang Bộ phận một cửa để làm công tác Tư pháp, tôi rất “hoang mang” bởi bản thân đã trên 50 tuổi sợ sẽ không “bắt kịp” công nghệ để sử dụng phần mềm quản lý và điều hành văn bản trên môi trường mạng, nhập dữ liệu trên các hệ thống phần mềm dùng chung cũng như hướng dẫn người dân giải quyết dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, lãnh đạo xã đã quan tâm, động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho tôi đi tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng số và cử cán bộ trẻ giúp đỡ, hỗ trợ trong quá trình thực hiện công việc. Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng nỗ lực dành nhiều thời gian để nghiên cứu, học hỏi. Đến nay, tôi đã nắm vững công việc, làm tốt nhiệm vụ.

Anh Nguyễn Văn Tuấn – cán bộ công chức Tư pháp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị trấn Hùng Sơn đã nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện công việc

Đồng chí Vũ Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao khẳng định: Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị là hết sức quan trọng đối với quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Do vậy, thị trấn thường xuyên tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, nhất là vai trò của lãnh đạo trong chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Chúng tôi tận dụng nguồn nhân lực sẵn có để đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, đảm bảo triển khai tốt nhiệm vụ chứ không trông đợi, khoán trắng cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng động viên, khích lệ, dần gỡ “nút thắt ngại tiếp cận cái mới, công nghệ mới” cho cán bộ. Hiện nay, 100% cán bộ, công chức của thị trấn đã sử dụng thành thạo phần mềm quản lý và điều hành văn bản để xử lý văn bản trên môi trường mạng. Công chức bộ phận Một cửa đã cài đặt các phần mềm chuyên ngành để xử lý công việc và giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, dần thay đổi thói quen làm việc từ truyền thống sang xử lý trên môi trường điện tử.

Với anh Ngô Chí Anh – Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Hưng Long, huyện Yên Lập thì: “Để người dân hiểu về chuyển đổi số thì bản thân mỗi cán bộ, công chức xã phải thay đổi tư duy, phương pháp tiếp cận về chuyển đổi số. Với tôi “chuyển đổi số” không phải là khái niệm quá trừu tượng, mà chuyển đổi số cơ bản là cách mỗi người chuyển từ cách làm việc cũ sang cách làm việc mới nhanh hơn, hiệu quả hơn bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Cách đây 10 năm, tôi đã tự học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện công việc. Vì vậy, tôi nhận biết được tầm quan trọng và lợi ích đem lại cho cán bộ, công chức cũng như người dân khi triển khai thực hiện chuyển đổi số.

Để người dân biết và thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng, cán bộ xã như anh Anh vừa tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ bản giấy, vừa cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cho người dân các thao tác trên điện thoại thông minh; đồng thời hướng dẫn người dân lập tài khoản, thao tác gửi hồ sơ qua mạng, giúp người dân gỡ bỏ tâm lý ngại khó, dần làm quen với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính.

Anh Ngô Chí Anh – Cán bộ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Hưng Long, huyện Yên Lập hướng dẫn người dân tra cứu thông tin trên Cổng dịch vụ công của tỉnh

So sánh kết quả giữa trước và sau khi thực hiện chuyển đổi số, đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Long, huyện Yên Lập cho biết: Hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước hiện nay đã được thực hiện thông qua môi trường số, như: Hệ thống “Một cửa điện tử”, “Một cửa điện tử liên thông”; phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử công vụ; quản lý, sử dụng chứng thư số chuyên dùng; các trang/cổng thông tin điện tử; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến… Do đó có thể giải quyết công việc ở mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đi công tác, nên mọi việc được giải quyết kịp thời, người dân không phải chờ đợi lâu. Từ khi thực hiện chuyển đổi số, xã đã thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản, không còn tình trạng tồn đọng trong tiếp nhận, xử lý văn bản như trước. Cùng với đó, kỷ luật, kỷ cương hành chính cũng được siết chặt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền địa phương, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Không chỉ thị trấn Hùng Sơn, xã Hưng Long, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang quyết tâm chỉ đạo và đề ra những giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn”, nhất là nguồn nhân lực số, hạ tầng số và sự đồng hành của người dân ở cơ sở trong chuyển đổi số. Chính sự chuyển biến trong nhận thức, tư duy và hành động của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, của từng cán bộ, công chức tại cơ sở với phương châm “không ai đứng ngoài cuộc” đã và đang giúp thay đổi từ những điều nhỏ nhất, góp phần chuyển đổi số trên quy mô lớn hơn.

Góp phần thực hiện mục tiêu lớn

Trong ba trụ cột chính (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số), Phú Thọ xác định chính quyền số thực hiện sứ mệnh dẫn dắt kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Tỉnh đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung làm tốt việc huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng số. Phát triển, kết nối, khai thác các nền tảng chuyển đổi số tập trung, thống nhất trong toàn tỉnh như: Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; Hệ thống hội nghị trực tuyến; Trung tâm điều hành thông minh; Trung tâm giám sát an toàn thông tin; Trung tâm dữ liệu số phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, đời sống Nhân dân và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Minh Tường – TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh phía Bắc tham quan Trung tâm dữ liệu số và hệ thống IOC của tỉnh Phú Thọ

Trên tinh thần giải quyết từng việc một đi đôi với rút kinh nghiệm thường xuyên, Phú Thọ đã lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có tác động trực tiếp vào khâu đột phá của tỉnh để tập trung thực hiện chuyển đổi số. Trong đó đảm bảo đầy đủ các điều kiện, kết nối liên thông thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm; xây dựng Kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành là yếu tố quan trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng trong các cơ quan nhà nước. Đồng thời, phát huy tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin điện tử, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng số, từ đó đưa công nghệ số lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân.

Đến nay, hơn 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); trên 70% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến; 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, quốc gia. Bên cạnh đó, 100% các cơ quan Nhà nước triển khai có hiệu quả Hệ thống điện tử lãnh đạo, quản lý, điều hành, giám sát công việc. Nềm tảng dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã hoạt động ổn định, đem lại hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Hệ thống hội nghị trực tuyến triển khai ở 100% các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã với 300 điểm.

Đồng chí Lê Quang Thắng – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ cho biết: Với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, công tác chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ việc xây dựng thể chế, tinh thần nỗ lực “vượt khó” từ tỉnh đến cơ sở, từ người đứng đầu đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công tác chuyển đổi số nói chung và xây dựng chính quyền số nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định. Kết quả xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đã góp phần tăng thứ hạng các chỉ số của tỉnh như: Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh – DTI xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, trong đó hạ tầng số xếp thứ 6/63 tỉnh thành phố, chính quyền số xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công – PAPI xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính – SIPAS xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PCI xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố. Từ đó, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Có thể thấy ngoài những kết quả thể hiện bằng con số thì sự đổi thay đáng nói nhất chính là nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên. Thể hiện ở việc, các cơ quan, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng được rút ngắn. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, triển khai, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị, tạo lập cơ sở dữ liệu số đã đổi mới hoàn toàn hoạt động của bộ máy chính quyền, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí. Mọi hoạt động của chính quyền đều hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn. 

Hương Giang – Khánh Trang – Lệ Thủy

Kỳ 2: Kinh tế số: Nắm bắt cơ hội, tiến bước vững chắc

Kinh tế số đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức và cách làm của chúng tôi. Từ tiêu thụ truyền thống, bán hàng trực tiếp hoặc qua hệ thống đại lý, giờ đây sản phẩm của tôi có thể tiêu thụ trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử; thị trường từ bó hẹp trong địa bàn huyện, địa bàn tỉnh, giờ mở rộng ra khắp các địa phương trong cả nước” –  Đó là chia sẻ của anh Hà Quang Chung ở xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê – một trong rất nhiều người “nông dân 4.0” của Phú Thọ nắm bắt cơ hội chuyển đổi số để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Anh Hà Quang Chung vận hành hệ thống tưới tự động qua điện thoại thông minh

Đổi tư duy, thay mô hình

Tại trang trại của anh Chung, không còn bóng người nông dân cầm vòi nước tưới từng gốc cây nữa, hơn 1.000m2 trồng dưa chuột Nhật Bản đã được đầu tư hệ thống nhà lưới cắt nắng, tưới phun mưa, công nghệ tưới nhỏ giọt hiện đại được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm tối đa chi phí, nhân công. Ðể tạo niềm tin với người tiêu dùng, anh đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thông qua đó, khách hàng có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm và tin tưởng sử dụng.

Còn ở hợp tác xã (HTX) Chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, trăn trở tìm cách đưa sản phẩm chè OCOP của Phú Thọ đến với bạn bè gần xa, từ hai năm trở lại đây, HTX đã đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử. Bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ – Phó Giám đốc HTX cho biết: “Hiện HTX đã có hơn 15ha chè sản xuất đạt chứng nhận VietGAP. Cùng với nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè hữu cơ của HTX, để bắt kịp với xu thế chuyển đổi số trong nông nghiệp, HTX đã đưa sản phẩm lên sàn nongsan.phutho.gov.vn; có trang web riêng, đăng ký tên miền chính chủ, có Fanpage trên mạng xã hội, nhờ đó, lượng khách ở các tỉnh, thành phố khác biết đến, đặt hàng chè xanh Cẩm Mỹ ngày càng tăng”.

Đến nay, tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ ba sao trở lên được đưa lên các sàn thương mại điện tử (Postmart.vn;…) và trang thông tin điện tử nongsan.phutho. gov.vn. Trong đó, riêng sàn giaothuong.net.vn đã có 302 gian với 945 sản phẩm dịch vụ của các các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, lượt truy cập 5,5 triệu lượt. Sàn thương mại điện tử Voso.vn của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel hiện có hơn 60.000 nhà cung cấp với khoảng 200.000 sản phẩm, trong đó có hàng trăm gian hàng với hàng nghìn sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh Phú Thọ… Nhiều mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đang có mặt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử khác như Tiki, Sendo, Lazada… và trên các trang mạng xã hội.

Cùng chuyển động với các doanh nghiệp trong nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp của tỉnh cũng không ngừng “thay tư duy, đổi cách làm”. Nhận thức rõ việc chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển bền vững của đơn vị, tháng 9/2022, Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Gốm sứ CTH đã quyết định xây dựng bộ quy trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp với giải pháp phần mềm phục vụ quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh.

Hệ thống sản xuất hiện đại tại Công ty cổ phần Gốm sứ CTH

Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Cùng với đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại, ứng dụng công nghệ số theo tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất, Công ty chúng tôi đã triển khai xây dựng hệ thống ERP (Hệ thống hoạch định nguồn lực của doanh nghiệp) nhằm quản trị các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hiệu quả, giúp tiết kiệm thời gian, giảm sai sót và tăng năng suất lao động. Công ty đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để triển khai trước giai đoạn 1 gồm các phân hệ: Sản phẩm, kho, bán hàng, phân phối, nghiên cứu và phát triển, quản lý chất lượng, nhân sự/KPI.

Hệ thống có nhiều ưu điểm nổi bật như: Toàn bộ dữ liệu được kiểm soát từ nguồn, các bước nghiệp vụ được thực hiện gần như tự động nên tiết kiệm rất nhiều thời gian, chi phí. Thông tin kịp thời, minh bạch; chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí trong công ty được xác định rõ ràng, cụ thể. Công ty có thể kiểm soát được tức thời dòng chảy của thông tin, công việc và đo lường được hiệu quả công việc của từng phòng ban, từng cá nhân. Các luồng thông tin được sắp xếp khoa học, minh bạch giúp lãnh đạo Công ty có thể nhìn thấy được bức tranh kinh doanh tổng thể để đưa ra chiến lược phát triển và sự đổi mới kịp thời trong quản lý. Đây là cơ sở giúp Công ty tạo nhiều giá trị cho khách hàng; đồng thời đón đầu xu hướng, thị hiếu, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng quốc tế để mang lại bước đột phá cho doanh nghiệp.

Bức tranh kinh tế số ngày càng sôi động hơn khi các doanh nghiệp dịch vụ cũng bắt nhịp chuyển đổi số. Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả như: Hệ thống điều hành du lịch, phần mềm quản lý cơ sở lưu trú, ứng dụng nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, hệ thống đặt dịch vụ du lịch, thanh toán trực tuyến, gắn mã QR tại các điểm di tích lịch sử…

Tiến từng bước bài bản, chắc chắn

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Phú Thọ ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực gồm: du lịch, giao thông vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính – ngân hàng, nông nghiệp…

Các sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu, bán qua Livestream trên nền tảng Tiktok tại c hương trình “Chợ phiên OCOP – Về miền Đất Tổ”

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các giải pháp chuyển đổi số nâng cao hoạt động kinh doanh với 50 doanh nghiệp đại diện cho các nhóm, loại hình khác nhau đã được lựa chọn để thí điểm các nền tảng công nghệ. Năm 2023, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện tổng giá trị ước đạt hơn 6,8 tỉ USD. Đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử với trên 6.100 tổ chức, doanh nghiệp, trên 1.100 hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử.

Công ty TNHH Phát triển Y học Việt sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch

Mới đây, tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch về phát triển Kinh tế số và Xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP đạt 20%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.

Kế hoạch cho thấy quyết tâm rất lớn của Phú Thọ trong việc phát triển kinh tế số một cách bài bản. Thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh các nhóm giải pháp: Tuyên truyền về kinh tế số; phát triển các kênh tư vấn, hỏi đáp, trợ lý ảo về kinh tế số; xây dựng và chuyển giao các mô hình kinh doanh mới, mô hình mẫu về chuyển đổi số, kinh tế số; xây dựng các doanh nghiệp chuyển đổi số điển hình, các mô hình mẫu, ứng dụng mẫu chuyển đổi số phù hợp đặc trưng của tỉnh; thúc đẩy các doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp hạt nhân đầu tư nghiên cứu, xây dựng các nền tảng số chuyên ngành, hỗ trợ chuyển giao cho các đối tác cùng ứng dụng, kết nối, chia sẻ, dẫn dắt chuyển đổi số chuỗi cung ứng, đưa chuỗi ngành nghề lên tầm cao mới; phối hợp đa ngành giữa doanh nghiệp đầu ngành, doanh nghiệp nền tảng, doanh nghiệp công nghệ tài chính để thiết lập nền tảng chuyển đổi số, kiến tạo hệ sinh thái mới.

Dù trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn song với phương châm “toàn diện, kiên quyết, kiên trì”, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh Phú Thọ quyết tâm triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế số, bắt kịp xu thế chung của cả nước.

Hương Giang – Khánh Trang – Lệ Thủy

Kỳ 3: Xã hội số: Thay đổi thói quen, từng bước hình thành công dân số

“Không cần đến trực tiếp các cửa hàng, đại lý nữa, giờ đây chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là tôi có thể mua được mặt hàng yêu thích từ nơi cách mình cả nghìn cây số hay là đặt vé máy bay, vé tàu hỏa, ô tô, đặt phòng khách sạn, chuẩn bị tươm tất cho các chuyến du lịch của gia đình mà chẳng cần tốn nhiều công sức như chục năm trước. Ngoài ra thì công nghệ cũng giúp tôi thanh toán mọi hóa đơn ở bất kỳ đâu” – chị Lê Quỳnh Trang ở thành phố Việt Trì chia sẻ. Khắc phục những khó khăn về điều kiện của tỉnh, Phú Thọ đã và đang đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, giúp người dân thay đổi nhận thức, thói quen, đồng thời tiếp cận, làm chủ công nghệ, ứng dụng công nghệ phục vụ đời sống, từng bước hình thành công dân số.

Người dân tra cứu Bộ thủ tục hành chính bằng mã QR tại Bộ phận Một cửa của UBND xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”

Không còn phải đi đến từng hộ gia đình để thông báo mọi công việc của xã và khu dân cư, chuyển đổi số đã giúp ông Nguyễn Văn Lưu – Trưởng khu dân cư 10, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao dễ dàng thực hiện việc quản lý của mình. Mọi hoạt động từ việc giám sát camera, phát thông tin trên loa thông minh, truyền tải thông tin đến người dân… đều được ông thực hiện trên chiếc điện thoại.

Ông Lưu cho biết: Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khu dân cư số 10 đã đăng ký và được UBND xã Sơn Vi lựa chọn là một trong 2 khu dân cư để xây dựng khu dân cư thông minh trong năm 2023. Với chúng tôi, đây như một cuộc “cách mạng”, bởi để vận hành được các thiết bị thông minh, tiếp cận được những tiện ích của công nghệ, chúng tôi phải dành nhiều thời gian để học hỏi. Sau đó, các đoàn thể trong khu cùng nhau đi tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và đồng hành trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng khu dân cư thông minh”.

Không còn là “hô hào”, “khẩu hiệu”, chính quyền khu đã huy động 100% các hộ dân tham gia đóng góp trên 80 triệu đồng để lắp đặt đồng bộ hệ thống camera an ninh tại các điểm ra, vào khu dân cư; hệ thống điện chiếu sáng tại 100% các tuyến đường, ngõ, xóm sử dụng công nghệ điều khiển từ xa qua điện thoại; nhà văn hóa khu đã lắp đặt hệ thống wifi để phục vụ người dân truy cập, tìm hiểu thông tin. Toàn khu đã có trên 95% hộ dân lắp đặt và sử dụng internet băng thông rộng cáp quang; trên 93% người dân sử dụng điện thoại thông minh; 86,4% người dân sử dụng tài khoản thanh toán điện tử trong giao dịch, mua sắm, thanh toán hóa đơn…

Ông Nguyễn Văn Lưu (người đứng giữa) theo dõi tình hình an ninh trật tự qua hệ thống camera an ninh

Ông Nguyễn Xuân Hồng – người dân trong khu chia sẻ: Nếu như trước đây, tôi nghĩ điện thoại thông minh, wifi, mã QR… là điều chỉ có người trẻ mới sử dụng được thì nay những người có tuổi như chúng tôi đều đã có thể sử dụng thành thạo. Chúng tôi được hưởng lợi nhiều từ công nghệ số. Mỗi người dân trong khu đều có thể truy cập vào hệ thống camera an ninh để thuận tiện quan sát tình hình an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường. Bản thân tôi thường xuyên sử dụng mã QR trong các giao dịch, thanh toán rất tiện lợi.

Công nghệ số phát triển ở nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ công cho đến mọi mặt của đời sống xã hội đã làm thay đổi cả về thói quen, hành vi của mỗi người dân. Ngày càng nhiều người tiếp cận, làm chủ công nghệ, ứng dụng công nghệ phục vụ công việc, đời sống hằng ngày.

Nằm trên địa bàn huyện miền núi Tân Sơn, từ thực tế dạy học, nhận thấy trong học ngoại ngữ việc được giao tiếp với người nước ngoài rất quan trọng, cô giáo Lê Thị Anh Minh – giáo viên Trường Tiểu học Tân Phú đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, kết hợp dạy và học thông qua các lớp học không biên giới, cộng đồng giáo dục. Thông qua các ứng dụng như Skype, Zoom… cô đã kết nối với giáo viên các nước như Anh, Mỹ, Ấn Độ… để học sinh của mình được tiếp xúc, giao tiếp. Với sự đồng hành của cô giáo Anh Minh, thành tích môn tiếng Anh của Trường Tiểu học Tân Phú ngày càng được nâng lên. Nhiều học sinh được cô dìu dắt đã đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp huyện, cấp tỉnh và quốc gia.

Cô giáo Lê Thị Anh Minh – Trường Tiểu học Tân Phú, huyện Tân Sơn thường xuyên ứng dụng CNTT trong giảng dạy

Cô Anh Minh cho biết: Nhằm giúp các em học sinh vừa nâng cao hiệu quả, chất lượng việc học tiếng Anh, vừa từng bước tiếp cận, ứng dụng với công nghệ thông tin trong việc học tập, tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu các phương pháp để truyền thụ kiến thức một cách phù hợp, tạo cho các em sự hứng thú trong học tập. Mỗi khi tổ chức kết nối giao lưu qua các nền tảng số, lãnh đạo nhà trường đều dự giờ để đánh giá hiệu quả hoạt động dạy và học tiếng Anh. Sau khi nhận thấy sự hiệu quả các hoạt động nhà trường lại cổ vũ, động viên các giáo viên có sự đổi mới, sáng tạo, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Công dân số – Nền tảng hình thành xã hội số

Xác định muốn chuyển đổi số thành công cần phải có những công dân số. Hiện nay, toàn tỉnh đã cấp trên 1,2 triệu thẻ căn cước công dân, 928.453 tài khoản định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt 850.836 tài khoản. Hạ tầng viễn thông được đầu tư, tạo môi trường để phát triển công dân số với 100% số xã có hạ tầng băng rộng cáp quang, phổ cập mạng thông tin di động 4G; tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 87%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet đạt 76,26%. Đây là những điều kiện cơ bản giúp người dân tiếp cận với chuyển đổi số, các ứng dụng từ công nghệ và có thể hoạt động nhiều lĩnh vực trên môi trường mạng.

Thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang hỗ trợ, hướng dẫn để mỗi người dân đều trở thành công dân số, từ năm 2021 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức 28 lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số với trên 17.800 lượt cán bộ, thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, 509 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số, tham gia sàn thương mại điện tử, thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…

Đoàn viên thanh niên Văn phòng UBND tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Nhiều cơ quan, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng các mô hình “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Thứ 5 – Ngày không hẹn”, thành lập các điểm hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến… Đoàn Thanh niên các cấp thực hiện các Chiến dịch ra quân hỗ trợ và hướng dẫn người dân thực hiện cài đặt ứng dụng VneID và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Toàn tỉnh đã thành lập 2.356 Tổ công nghệ số cộng đồng với 7.454 thành viên tại 225/225 xã, phường, thị trấn.

Các ngành, lĩnh vực khác cũng tích cực ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành, thanh toán. Căn cước công dân gắn chíp cùng với tài khoản định danh điện tử công dân đã được dùng thay thế cho hàng loạt giấy tờ, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Thông qua công nghệ số, người dân đã tiếp cận nhanh với hình thức mua sắm, thanh toán trực tuyến, bán hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến…, từng bước hình thành xã hội số.

Anh Nguyễn Huy Công ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê tra cứu kết quả chụp X-quang bằng mã QR

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Thắng – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ: Vấn đề khó khăn trong phát triển xã hội số nói chung, công dân số nói riêng là hiện nay các hệ thống thông tin, nền tảng số còn thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các bộ, ngành với địa phương gây khó khăn trong quá trình sử dụng; kỹ năng số của người dân còn hạn chế, nhất là người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

“Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, trong thời gian tới, Phú Thọ tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển hạ tầng số. Tranh thủ các nguồn lực, ưu tiên việc phủ sóng điện thoại, internet đến vùng sâu, vùng xa, xóa “vùng lõm” trên địa bàn tỉnh. Kết nối liên thông, đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Đồng thời, phát huy tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin điện tử, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát triển kỹ năng số cho người dân, đảm bảo mỗi người dân đều có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản để tham gia các hoạt động trên môi trường số an toàn, từ đó góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số tại địa phương” – ông Lê Quang Thắng khẳng định.

Hương Giang – Lệ Thủy – Khánh Trang

Vietnam.vn

Cùng chủ đề

Nổi bật

Mới nhất

Cùng tác giả

Khám phá hang động núi lửa Krông Nô hùng vĩ

Hang động núi lửa Krông Nô là một hệ thống hang động núi lửa tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam. Đây là một hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan dài 25 km, trải dài từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài sông Sêrêpôk đến khu vực thác Đray Sáp. Hang xác lập kỷ lục về quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo tại Đông Nam Á, được các...

Metro – Hạnh phúc của người dân được hưởng thêm lợi ích về giao thông

Tuyến Metro số 1 hay còn gọi là tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên là một tuyến đường sắt đô thị thuộc hệ thống Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, đang được hoàn thiện để đi vào sử dụng. Tuyến Metro này có đoạn đi ngầm dài 2,6 km qua 3 ga và đoạn đi trên cao 17,1 km qua 11 ga, tổng chiều dài là 19,7 km. Việc vận hành tuyến Metro ngoài việc...

Nền tảng MISA AMIS được bình chọn Top 10 Sản phẩm – Dịch vụ Tin Dùng Việt Nam 2024

Danh hiệu được trao tặng cho nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS trong khuôn khổ Chương trình Tin Dùng Việt Nam do Thời báo Kinh tế Việt Nam, nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức. Đây là chương trình được khởi xướng và duy trì từ năm...

Petrolimex trao giải chương trình “Hóa đơn trao tay – Vận may bất ngờ” khu vực Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh

Sáng ngày 20/12/2024, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức Lễ trao giải chương trình khuyến mại “Hóa đơn trao tay - Vận may bất ngờ” đến 27 quý khách hàng may mắn tại Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Tới dự buổi lễ có ông Lưu Văn Tuyển - Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex; ông Đỗ Quốc Chính - Trưởng ban Truyền thông và Quan hệ Công chúng; ông Nguyễn Đồng -...

Tiếp viên Đường sắt gửi trả hành khách Campuchia hàng xấp ngoại tệ bỏ quên trên tàu

Sáng nay, nhân viên tàu SE3 vừa bàn giao cho bộ phận khách vận ga Huế để trao lại tài sản và nhiều ngoại tệ giá trị hành khách bỏ quên khi xuống tàu. Trưởng tàu Thống nhất SE3 Nguyễn Hoàng Diễm cho biết, sáng nay (20/12), tổ tàu đã phát hiện tài sản giá trị khách bỏ quên trên tàu khi xuống tàu tại ga Huế. Cụ thể, sau khi tàu SE3 rời ga Huế, tiếp tục hành...

Bài đọc nhiều

Thủ tướng phát lệnh khởi công Vành đai 3 Tp.HCM và 2 tuyến cao tốc

Sáng 18/6, tại Tp.Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ và phát lệnh khởi công đồng loạt xây dựng 3 dự án giao thông quan trọng quốc gia. Đó là đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1). Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến...

HLV Kim Sang-sik làm điều giống ông Troussier, đội hình Việt Nam gặp Philippines dần bật mí?

Trước trận gặp đội tuyển Philippines ở lượt đấu thứ 4 AFF Cup 2024, HLV Kim Sang-sik đang tỏ ra rất tự tin. Bằng chứng là những buổi tập gần nhất, nhà cầm quân người Hàn Quốc sẵn sàng dùng áo bib để chia nhóm cho đội tuyển Việt nam. Dưới thời HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt Nam đạt được nhiều thành công ở cấp đội tuyển quốc lẫn đội U.23, Olympic. Tuy nhiên, trong các buổi tập, ông Park Hang-seo chỉ chia áo bib cho đội...

Việt Nam lọt top điểm đến rẻ nhất thế giới năm 2024

Tạp chí du lịch nổi tiếng Condé Nast Traveler liệt kê 21 điểm đến rẻ nhất dành cho du khách năm 2024, trong đó có Việt Nam. Du khách bất ngờ nhận quà khi ghé thăm Đà Nẵng, Việt Nam vào đầu năm 2024. Ảnh: Thuỳ Trang Theo Condé Nast Traveler, nhiều yếu tố cần cân nhắc khi lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ, từ việc tìm địa điểm du lịch giá rẻ, sự an toàn của điểm đến cho tới các...

Lo đội nhà bị loại sớm ở AFF Cup, báo Indonesia cầu viện tuyển Việt Nam

(Dân trí) - Tờ Suara (Indonesia) đã lên tiếng cầu viện sự giúp đỡ của đội tuyển Việt Nam vì lo sợ đội nhà bị loại sớm ở AFF Cup 2024. Sau thất bại với tỷ số 0-1 trước đội tuyển Việt Nam vào hôm 15/12, Indonesia đối diện với nguy cơ bị loại. Họ đang xếp thứ hai bảng B với 4 điểm sau 3 trận đấu, hơn Philippines, Lào 2 điểm và hơn Myanmar 3 điểm. Tuy nhiên,...

Cùng chuyên mục

‘Huyền thoại nhạc disco’ Boney M: ‘Đến Việt Nam là một phép màu’

Để chuẩn bị cho đêm nhạc Dalat Spring Concert diễn ra tại Đà Lạt tối 21.12, các nghệ sĩ Liz Mitchell, Joy Band và Samantha Fox đã có mặt trước một ngày, dành thời gian nghỉ ngơi, khám phá. Liz Mitchell chia sẻ: "Lần nào tôi đến Việt Nam cũng là một cảm xúc khác, nhưng điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất là tình cảm từ các fan yêu nhạc" Ảnh: BTC Liz Mitchell, Joy, Samantha Fox là những huyền thoại âm nhạc...

Vì sao UAV hút khách tại triển lãm quốc phòng ở Hà Nội?

"Độc", "lạ", "lần đầu xuất hiện" hay "mang hơi thở của tương lai" là những gì người ta kháo nhau về các mẫu UAV được trưng bày, khiến chúng trở thành "nam châm" hút khách. Gian hàng của Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Israel (IAI) với mẫu máy bay không người lái đa nhiệm tầm trung HERON MK II phục vụ các nhiệm vụ chiến lược và chiến thuật. Loại UAV này được quảng cáo có thể...

Đồng loạt giữ giá trên cả nước

Giá heo hơi hôm nay 21/12/2024 ghi nhận ổn định ở cả ba miền trên cả nước. Trong đó Hà Nội, Thái Bình có giá heo hơi cao nhất toàn quốc với 67.000 đồng/kg. Khu vực miền Bắc Giá heo hơi hôm nay (21/12/2024) tại khu vực miền Bắc không ghi nhận sự tăng giá ở các tỉnh thành. Hà Nội, Thái Bình có giá cao nhất cả nước với 67.000 đồng/kg. ...

Hàng không bước vào cao điểm chống buôn lậu

(NLĐO)- Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả trong hoạt động hàng không dân dụng đơn vị mình ...

Một năm làm nhiều việc lớn

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” cùng với sự tham gia đóng góp, hỗ trợ của các tập thể, cá nhân..., Mặt trận các cấp tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 2.896 nhà Đại đoàn kết, trị giá hơn 157 tỷ đồng. ...

Mới nhất

Đại tướng Phan Văn Giang hội kiến Bộ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang cách mạng Cuba

(Bqp.vn) - Chiều 20/12, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã hội kiến Thượng tướng Álvaro López Miera, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba, Bộ trưởng Bộ các Lực lượng vũ trang cách...

Công nghệ cảnh báo sớm mưa lũ ở vùng miền núi của Quảng Ninh được dân ủng hộ, cán bộ khen

Từ năm 2020, huyện miền núi Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã đầu tư hệ thống cảnh báo sớm mưa lũ qua ứng dụng công nghệ hiện đại. Qua đó, chủ...

giấc mơ trở thành “Kinh đô ẩm thực mới của thế giới”

Kinhtedothi - Trong một cuộc bình chọn năm 2023 các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp đánh giá, ẩm thực Việt Nam đứng thứ 22 trong bảng xếp hạng 100 nền ẩm thực ngon nhất thế giới. Phở bò, bún chả, bánh hỏi, nem rán, bún bò Huế, nước mắm Phú Quốc… là những món được đánh giá...

Quay màn hình iPad chỉ với vài thao tác đơn giản

Quay màn hình iPad là một tính năng hữu ích, giúp bạn ghi lại những hình ảnh, video làm tài liệu, nội dung chia sẻ với người khác. Nếu bạn chưa biết cách quay màn hình iPad thì hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây.

Hàng chục người thương nặng và nguy kịch, lộ diện nghi phạm là người Saudi Arabia

Cập nhật thông tin liên quan tới vụ tấn công đẫm máu sau khi một chiếc xe BMW lao vào chợ Giáng sinh tối 20/12, nhà chức trách Đức đã tiết lộ danh tính của nghi phạm và cập nhật số người thương vong.

Mới nhất