Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Qua đó, việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển thương mại điện tử đang từng bước giúp cho các sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao…
Công tác chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở Lào Cai bước đầu thành công trong tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ông Trần Tuấn Nghĩa, Hợp tác xã hoa quả Thắng Lợi, thị xã Sa Pa, cho biết, từ năm 2020 đơn vị đã áp dụng công nghệ tự động trong quy trình trồng dâu tây.
“Sau khi áp dụng hệ thống tưới tự động thông minh đã chính xác hơn về thời gian tưới, giúp cây phát triển, năng suất cao hơn”, ông Nghĩa nói.
Trước kia những sản phẩm nông nghiệp ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà chưa được nhiều người biết đến, qua chương trình chuyển đổi số, sản phẩm nông nghiệp có giá trị của đồng bào nơi đây như hoa mận Tả Van Chư, chè cổ thụ Hoàng Thu Phố đã được nhiều người biết đến. Từ hệ thống dữ liệu của ngành nông nghiệp về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, môi trường, thời tiết.. người dân trong quá trình sản xuất đã từng bước biết ứng dụng trên nền tảng số.
Công tác chuyển đổi, ứng dụng công nghệ số đã giúp người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ở Lào Cai bước đầu thành công trong tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc…
Anh Lý Seo Sềnh ở thôn Bản Phố 2, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, cho hay: “Thấy ở trên mạng có những cái rất là hay, cây có bệnh có phần mềm chỉ cần chụp lên là xác định lá bị bệnh gì, hay cây gì phải bón phân vào thời điểm nào, tháng nào… rất hay”.
Chương trình chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ ngành nông nghiệp là một trong các lĩnh vực được ưu tiên. Với mục tiêu mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo giá, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư huyện ủy huyện Bắc Hà cho biết, từ khi người dân kết nối được mạng internet, nhiều hộ gia đình đã biết sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm nông nghiệp qua đó tăng thêm thu nhập.
Theo ông Hòa: “Chương trình viễn thông công ích đã góp phần trong công tác chuyển đổi số ở huyện. Huyện Bắc Hà cũng xác định công tác chuyển đổi số là trọng tâm để thực hiện xóa đói giảm nghèo” .
Hiện nay, ở Lào Cai có 86 doanh nghiệp, hợp tác xã với trên 300 dòng sản phẩm được gắn mã QR-Code đã giúp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử nông sản an toàn. Cùng với đó, hệ thống hỗ trợ xúc tiến thương mại giúp cho doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh và lợi thế sản phẩm nông nghiệp. Việc triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả hơn nữa của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, cho biết: “Đối với ngành nông nghiệp nói chung đang gặp khó khăn vì thiếu một kiến trúc tổng thể, nên cần phải xây dựng một nền tảng từ Bộ NN&PTNT đến địa phương cấp xã, để công nghệ có sự tích hợp tổng thể. Hiện cũng đang chờ Bộ NN&PTNT ban hành, nhưng song song chúng tôi vẫn tham khảo, triển khai xác định cái gì căn bản là nền tảng làm trước. Những vẫn đề khác sẽ bổ sung sau khi Bộ NN&PTNT ban hành văn bản”.
Phải khẳng định, chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong chất lượng, năng suất các sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh Lào Cai mà còn nâng cao về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là nền tảng để Lào Cai phát triển nông nghiệp công nghệ cao thông minh, góp phần tăng tỷ trọng nông nghiệp trong phát triển kinh tế địa phương.