Nhà vua Frederik X của Đan Mạch có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Quốc vương kéo dài 3 ngày tới Ba Lan. Một chuyến đi không theo thông lệ…
Vua Frederik X của Đan Mạch (bên trái), và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong cuộc gặp tại Warsaw, ngày 31/1. (Nguồn: AP) |
Đây là một động thái khá thú vị của Hoàng gia Đan Mạch. Bởi theo truyền thống, Nhà vua Đan Mạch sau khi lên ngôi, thường thực hiện chuyến đi công du nước ngoài đầu tiên đến thăm một nước láng giềng thuộc bán đảo Scandinavia là Thụy Điển hoặc Na Uy. Đồng thời, chuyến đi đầu tiên đó thường phải có cả Hoàng hậu đi cùng.
Thế nhưng, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Vua Frederik lại không diễn ra như thường lệ. Nhà Vua đến thăm Ba Lan và Hoàng Hậu không đi cùng.
Tiếp truyền thống, tăng đổi mới
Theo truyền thông Đan Mạch, chuyến đi này của Vua Frederik X – người vừa lên ngôi hôm 14/1 sau khi Nữ hoàng Margrethe II, 83 tuổi bất ngờ thoái vị sau 52 năm giữ ngai vàng – là nhằm thúc đẩy các chính sách chống biến đổi khí hậu của Copenhagen, gia tăng hợp tác kinh tế và thăm hỏi những người lính Đan Mạch đang làm nhiệm vụ trong lực lượng NATO tại Ba Lan.
Quan trọng hơn, chuyến đi Ba Lan của Nhà vua được thực hiện bởi nó đã được lên kế hoạch trước khi Nữ hoàng Margrethe II nhường ngôi cho Thái tử Frederik. Giới quan sát cho rằng, bởi thế, đây chỉ là một chuyến thăm mang tính “kế thừa”, tiếp nối chương trình của Nữ hoàng còn bỏ dở mà chưa phải là chuyến đi bắt đầu chương trình nghị sự chính thức của Nhà vua Frederik X. Do đó, chuyến đi Ba Lan của Nhà Vua không được coi là chuyến thăm cấp nhà nước và cũng chính vì thế, mà ông chỉ đi một mình mà không có Nữ hoàng Mary – một phụ nữ gốc Australia “sắc nước hương trời” đi cùng.
Tuy nhiên, tháp tùng Nhà vua trong chuyến công du Ba Lan vẫn là một phái đoàn cấp cao, gồm Bộ trưởng Ngoại giao Lars Lokke Rasmussen, Bộ trưởng Khí hậu, Năng lượng và Tiện ích Lars Aagaard, và Bộ trưởng Thực phẩm, Nông nghiệp và Ngư nghiệp Jacob Jensen cùng một số doanh nghiệp hùng mạnh của “xứ sở những chú lính chì”.
Đến Warsaw, Nhà vua Frederik X đã được Tổng thống nước chủ nhà Andrzej Duda trải thảm đỏ chào đón với các nghi lễ dành cho Hoàng gia. Một trong những hoạt động đầu tiên của Nhà vua ngay sau khi đến Ba Lan vào chiều 31/1 là đặt hoa tại Đài Chiến sĩ vô danh, nơi tưởng niệm những người lính đã hy sinh trong Thế chiến II. Tiếp đó, Nhà vua có các cuộc gặp với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, gặp Chủ tịch Hạ viện và dự tiệc chiêu đãi tại Cung điện Hoàng gia ở Warsaw do Tổng thống Duda chủ trì. Trong chuyến thăm, Nhà Vua cũng đến thăm trụ sở khu vực của NATO ở Szczecin, một thành phố phía Tây Bắc Ba Lan.
Theo giới quan sát, chắc hẳn, đến Ba Lan lần này, ngoài các vấn đề về hợp tác kinh tế, chống biến đổi khí hậu mà Vua Frederik là một người rất ủng hộ, thì cuộc xung đột ở Ukraine và việc tiếp tục hỗ trợ Kiev cũng có thể được hai bên bàn thảo. Kể từ sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát, Đan Mạch và Hà Lan chính là hai quốc gia đầu tiên gửi máy bay chiến đấu tối tân F-16 cho Ukraine và cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cả về quân sự và tài chính cho Kiev.
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng tiếp lãnh đạo các tập đoàn năng lượng hàng đầu của Đan Mạch và Anh |
Trong lĩnh vực kinh tế, tại Warsaw, Nhà vua Frederik X và Tổng thống Duda đã chứng kiến hai bên ký kết một số thỏa thuận, trong đó có dự án tái sử dụng nhiệt lượng tỏa ra từ tuyến tàu điện ngầm Warsaw để chuyển đổi thành năng lượng cho hệ thống sưởi ấm của thành phố. Phát biểu tại Quốc hội Ba Lan trước đó, Vua Frederik cho biết, mối quan hệ Đan Mạch – Ba Lan sẽ được tăng cường thông qua việc hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong những năm tới.
Nhà Vua khẳng định “Năng lượng tái tạo, sản xuất bền vững và công nghệ mới là cốt lõi của tầm nhìn chung giữa hai nước về tương lai, mang lại lợi ích cho một thế giới an toàn và thịnh vượng không những cho hôm nay mà còn cho các thế hệ tương lai”.
Những tuyên bố của vị vua trẻ trong lĩnh vực hợp tác năng lượng tái tạo với các nhà lãnh đạo Ba Lan là rất có cơ sở bởi Đan Mạch là một trong những quốc gia rất mạnh về phát triển năng lượng tái tạo cũng như việc thực hiện các cam kết của Copenhagen. Tại Đan Mạch, hơn 50% lượng điện năng của quốc gia được cung cấp bởi năng lượng gió và điện mặt trời trong khi nguồn năng lượng tái tạo được sử dụng rộng rãi nhất ở quốc gia Scandinavia nhỏ bé này là năng lượng sinh học.
Nhà vua Frederik X đã được Tổng thống nước chủ nhà Andrzej Duda trải thảm đỏ chào đón với các nghi lễ dành cho Hoàng gia. |
Gây dựng hình ảnh
Giống như Vua Charles III của Anh, Vua Frederik là người luôn ủng hộ những quan điểm hiện đại, đặc biệt là về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vị Vua 55 tuổi của Đan Mạch luôn quan tâm đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là các vấn đề môi trường. Vào năm 2000, Thái tử Frederik khi đó đã từng tham gia một chuyến thám hiểm kéo dài 4 tháng tới vùng Greenland và Bắc Cực, một chuyến đi mà sau này ông mô tả đã làm thay đổi vĩnh viễn quan điểm của ông về cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Kể từ đó đến nay, Vua Frederik đã tham dự nhiều hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế lớn. Ông được xem như gương mặt đại diện cho nỗ lực thúc đẩy năng lượng bền vững của Đan Mạch, đồng thời hỗ trợ các dự án nghiên cứu khoa học xanh, với tư cách là người bảo trợ, nhà thám hiểm hoặc thông qua quỹ từ thiện Kronprins Frederiks Fond của ông. Vua Frederik còn là một trong những tác giả của cuốn sách “Polartokt Kongelig”, xuất bản vào năm 2009, viết về những thách thức của khí hậu với lời tựa do cố Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan viết.
Pernille Almlund, giáo sư truyền thông tại Đại học Roskilde ở Đan Mạch cho rằng, một gia đình hoàng gia hiện đại không thể tách rời khỏi các vấn đề khí hậu khi xây dựng hình ảnh trong mắt công chúng.
Và, ở khía cạnh này, có thể thấy Thái tử Frederik trước đây và Nhà vua hiện nay đang làm rất tốt nhiệm vụ xây dựng “thương hiệu” Hoàng gia trong mắt công chúng, kể cả ở trong nước và bên ngoài.
Và với những mục tiêu như thế, mặc dù chỉ là chuyến đi “thừa kế”, nhưng có thể thấy rằng, chuyến thăm Ba Lan lần này của Nhà vua Đan Mạch đã đạt được mục tiêu. Thực là chuyến đi “một công đôi việc”, vừa giữ được truyền thống Hoàng gia, vừa tranh thủ gây dựng hình ảnh của một vương triều mới ở Đan Mạch.