Sáng nay 12.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính, phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao VN đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công du dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Úc, thăm chính thức Úc và New Zealand từ ngày 5 – 11.3.
Tin cậy với đối tác
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Úc tại VN Andrew Goledzinowski đánh giá, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một “dịp lịch sử” cũng như việc nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trong chuyến thăm này là một thành tựu lịch sử. Hai nước đã xây dựng được sự hiểu biết và tin cậy hoàn toàn sau 50 năm.
Canberra đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính một cách rất đặc biệt, không chỉ là nghi thức cao nhất với cờ hoa và 19 loạt đại bác trong sự chào đón của Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Nhà Quốc hội Úc, mà Toàn quyền David Hurley còn đích thân lái xe điện đưa Thủ tướng và phu nhân tham quan Phủ toàn quyền – một đặc quyền rất hiếm thấy dành cho lãnh đạo nước ngoài khi đến Úc.
Trong cuộc họp báo chung ngay sau khi kết thúc hội đàm với tuyên bố nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng Úc Anthony Albanese dành những lời nồng nhiệt nhất khi nói về người đồng cấp VN. Ông gọi Thủ tướng Phạm Minh Chính là “người bạn của tôi”. Đó thực sự là kết quả của mối quan hệ tin cậy và hiểu biết giữa hai nước sau hơn 50 năm quan hệ ngoại giao, 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện và 6 năm quan hệ Đối tác chiến lược.
Còn ở Wellington thì khỏi nói, sự nồng ấm không chỉ đến từ thời tiết thủ đô New Zealand quá đẹp trong ngày lễ đón chính thức, từ nghi thức truyền thống chào đón thượng khách của người Maori mà cả từ cái nắm tay, ôm lưng đầy tin cậy của Thủ tướng Christopher Luxon khi dẫn Thủ tướng Phạm Minh Chính vào phòng hội đàm. Suốt buổi họp báo chung sau hội đàm, Thủ tướng Christopher Luxon luôn dành cho Thủ tướng VN ánh nhìn thân thiện, trân trọng.
Quan hệ Đối tác chiến lược với New Zealand hay việc nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện với Úc không chỉ mang tính biểu tượng mà nó thực sự có ý nghĩa và tác động ngay đến quan hệ hai nước.
Dịp này, Bộ Quốc phòng VN và Úc đã ký một Biên bản ghi nhớ mới về hợp tác gìn giữ hòa bình. Ngày 5.3, Thủ tướng Anthony Albanese đã công bố một quỹ trị giá 2 tỉ AUD cho ASEAN, giúp thúc đẩy đầu tư của Úc vào khu vực ASEAN nói chung và VN nói riêng.
Úc cũng đã công bố 95 triệu AUD để giúp khu vực sông Mê Kông của VN giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu vào năm ngoái, và năm nay, một loạt công ty Úc đã đề cập đến việc đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi VN. Khoảng 1.000 lao động VN sẽ đến Úc trong năm nay để làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, theo công bố của Thủ tướng Anthony Albanese tại cuộc họp báo ngay sau hội đàm của hai Thủ tướng.
Thủ tướng New Zealand trong cuộc họp báo chung sau hội đàm khẳng định New Zealand sẽ tiếp tục đầu tư vào VN trong các lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ môi trường; các cơ quan chức năng của hai nước đã ký kết 3 văn kiện hợp tác trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, thương mại và tài chính.
Ấm áp tình đồng bào
Gặp gỡ kiều bào luôn là một hoạt động được ưu tiên trong lịch trình dày đặc các hoạt động ngoại giao của người đứng đầu Chính phủ.
Kiều bào tại Úc đông áp đảo (500.000 người) so với New Zealand (khoảng 15.000 người), nhưng ở đâu không khí cuộc gặp của Thủ tướng cũng ấm áp, bởi sự chân tình, mộc mạc của ông. Nếu Việt kiều Úc, GS Chu Hoàng Long đặc biệt “cảm” cái tinh thần “bắt tay ngay vào việc, không nói khó, không nói không, không nói có mà không làm” của Thủ tướng thì tại New Zealand, sự gần gũi, thân thiện của Thủ tướng đã khích lệ chị Nguyễn Thị Minh dám nói ra những điều lâu nay mới “chỉ dám nghĩ”.
Chị Minh bày tỏ mong muốn thành lập hội phụ nữ VN toàn New Zealand để làm cầu nối gắn kết những người phụ nữ xa xứ. Rồi chị làm cả hội trường một phen “đứng hình” khi “hỏi khó” Thủ tướng: Ở vị trí như ngày hôm nay, Thủ tướng đã phải làm thế nào để vượt qua những khó khăn?
Câu hỏi như chạm tới trái tim Thủ tướng, ông nghẹn lời khi nhắc lại tuổi thơ gian khó của gia đình (cũng chính là thời kỳ chiến tranh, nghèo khó của đất nước). “Tôi có nguyên tắc là, được giao việc là làm, không từ chối, không phàn nàn, thấy gì tốt cho mọi người thì cố làm, làm một cách tốt nhất”. Theo Thủ tướng, để thành công thì ngoài nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ, hỗ trợ của bạn bè, anh em, đồng chí rất quan trọng. “Không có Đảng, Nhà nước, Nhân dân thì làm sao một học sinh nghèo như tôi được đi đào tạo ở nước ngoài”, giọng ông chùng xuống.
Hồi âm của Thủ tướng tới chị Minh cũng chính là thông điệp ông muốn gửi tới những người xa xứ, rằng khó khăn nào rồi cũng sẽ qua và hãy đoàn kết, nỗ lực xây dựng cộng đồng ngày một vững mạnh, phồn vinh, để các cá nhân trong đó được ấm no, hạnh phúc.