Giáo hoàng dành 12 ngày tới thăm Papua New Guinea, Timor Leste, Indonesia và Singapore. Các điểm đến này đều rất xa Tòa thánh Vatican về địa lý, vốn được coi là vùng ngoại biên của Tòa thánh Vatican. Cũng vì thế mà giới truyền thông nhìn nhận mục đích chuyến công du này của Giáo hoàng Francis là thực thi chủ trương “xoay trục sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Papua New Guinea và Timor Leste đều là quốc gia nhỏ. Indonesia là quốc gia có đông người theo đạo Hồi nhất trên thế giới. Singapore là “nhà nước thành phố”. Dù vậy, tất cả đều cùng nhau tạo nên điểm nhấn cho chuyến xuất ngoại này của Giáo hoàng Francis là vươn tầm với của Nhà thờ Cơ đốc giáo và ảnh hưởng của Tòa thánh tới những vùng cách xa.
Hướng ra các vùng ngoại vi là một trong những định hướng chiến lược của Giáo hoàng Francis nhằm “toàn cầu hóa” Nhà thờ Cơ đốc giáo, nâng cao vị thế và tăng cường, mở rộng ảnh hưởng của Nhà thờ Cơ đốc giáo và Tòa thánh Vatican trong thế giới hiện đại. Giáo hoàng Francis nhìn nhận tương lai của Nhà thờ Cơ đốc giáo và ảnh hưởng của Tòa thánh Vatican ở định hướng toàn cầu hóa trên, không những chỉ vận động và khích lệ người dân trên thế giới hướng về Tòa thánh Vatican ở Roma mà còn gây dựng và tăng cường sự hiện diện trực tiếp của Tòa thánh Vatican ở vùng ngoại biên.
Đồng thời, Giáo hoàng Francis còn chủ trương gây dựng và tăng cường vai trò chính trị thế giới cho Tòa thánh Vatican, thể hiện quan điểm, thái độ về những vấn đề thời sự của thế giới như cuộc chiến ở Ukraine và Dải Gaza, chống biến đổi khí hậu trái đất hay bầu cử tổng thống ở Mỹ. Đấy cũng còn là cách để vị giáo hoàng này hoàn tất di sản chính trị và tôn giáo của chính mình.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chien-luoc-khoi-xa-cua-vatican-185240916221426779.htm