Chiều qua 27.6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công du dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 – 27.6.
Khẳng định vai trò, vị thế Việt Nam
Tới với Đại Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam mang đến nhiều thông điệp quan trọng, không chỉ tại Hội nghị WEF mà trong tất cả các cuộc tiếp xúc với đối tác. Điểm nhấn chắc chắn phải kể đến bài phát biểu đặc biệt của Thủ tướng tại Phiên khai mạc toàn thể, trước khoảng 1.700 khách mời từ 80 quốc gia. Thủ tướng đã chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam về Đổi mới, hội nhập và phát triển, được WEF nhìn nhận là một hình mẫu nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tàu tăng trưởng của khu vực trong bối cảnh vẫn đang phải đối phó những “cơn gió ngược”. Thủ tướng cũng chuyển tải những thông điệp sâu sắc, rõ nét về thành tựu nổi bật về kinh tế – xã hội, về chủ trương, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển của Việt Nam, đồng thời đưa ra những nhận định sâu sắc về thế giới hiện nay và tương lai, đề xuất phải cùng nhau xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, cần có cách tiếp cận, tư duy hợp tác toàn cầu mới mẻ.
Đúng như chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”, Thủ tướng nhấn mạnh cần thúc đẩy khoa học và đổi mới sáng tạo để tạo ra những động lực tăng trưởng mới thông qua xây dựng thể chế, chính sách; tranh thủ nguồn lực và hợp tác quốc tế đồng thời tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai.
Đồng tình với thông điệp của Thủ tướng, nhà nghiên cứu cấp cao Cassey Lee tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) bình luận với Thanh Niên rằng các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang dành nhiều sự quan tâm chính sách đến công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi năng lượng, và WEF Đại Liên 2024 có thể tiếp năng lượng để thúc đẩy những nỗ lực đổi mới về hợp tác kinh tế giữa các nước.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab đã dành nhiều sự trân trọng cho cá nhân Thủ tướng cũng như đánh giá rất cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Giáo sư Schwab bày tỏ ấn tượng với những thông điệp của Thủ tướng và ngay lập tức gửi thư mời Thủ tướng tham dự WEF Davos (Thụy Sĩ) năm 2025. Không chỉ vậy, Hội nghị lần này cũng chứng kiến sự quan tâm của đối tác và các doanh nghiệp đối với Việt Nam và sự cởi mở, chân thành sâu sắc của Thủ tướng. Nhiều tập đoàn lớn đánh giá cao triển vọng, môi trường đầu tư, kinh doanh cùng những thành tựu kinh tế nổi bật của Việt Nam, đồng thời mong muốn tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá không khí các cuộc trao đổi đều rất hào hứng, khí thế, hứa hẹn nhiều cơ hội để mở rộng, thiết lập các quan hệ đối tác, đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.
Từ định hướng chiến lược đến hiệu quả, thực chất
Cũng trong chuyến công tác, Thủ tướng đã có các chương trình hoạt động song phương phong phú và có ý nghĩa rất lớn. Thủ tướng đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Lý Cường, hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh, Phó thủ tướng Trương Quốc Thanh, tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Thủ tướng khẳng định phát triển quan hệ ổn định, bền vững, lâu dài với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi trọng cao độ và luôn coi quan hệ với Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng.
Có thể thấy không khí của các cuộc làm việc với phía Trung Quốc đều rất thân tình, thực chất. Khi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Thủ tướng chia sẻ rằng trong lần thứ ba này tới Trung Quốc kể từ chuyến thăm tháng 6 năm ngoái, Thủ tướng cảm nhận rõ tin cậy chính trị hai nước cao hơn, kết quả tốt đẹp hơn. Thủ tướng và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đều nhất trí làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Nhờ không khí chung và đà phát triển tốt đẹp như vậy, vấn đề giao lưu, hợp tác trên nhiều lĩnh vực càng trở nên sôi động, thực chất, sâu rộng và toàn diện hơn.
Trong chuyến làm việc này, Thủ tướng đã đưa ra nhiều đề xuất thiết thực và cụ thể với phía Trung Quốc, trong đó có nội dung hợp tác xây dựng các công trình lớn, mang tính biểu tượng cao với hiệu quả thực chất, bền vững, hoan nghênh Trung Quốc tăng đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam. Nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại nông sản đối với đông đảo người dân, người tiêu dùng và doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện cho các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, gạo…, tạo thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam sang Trung Á và châu Âu qua Trung Quốc, đề nghị hai bên thúc đẩy hợp tác địa phương trở thành động lực tăng trưởng mới. Phía Trung Quốc đã hồi đáp rất tích cực về các đề xuất này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chuyen-cong-du-an-tuong-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-18524062723424704.htm