Tháng 11 ngăm ngoái, Bình Nhưỡng đã phóng thành công vệ tinh trinh sát đầu tiên vào quỹ đạo sau hai lần thất bại. Mỹ và các đồng minh cho rằng các vụ phóng này vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Dưới đây là dòng thời gian về chương trình không gian, các vụ phóng vệ tinh và phát triển công nghệ tên lửa của Triều Tiên.
Ngày 31/8/1998: Triều Tiên bắt đầu chương trình không gian bằng việc phóng vệ tinh Kwangmyongsong-1 trên tên lửa Paektusan từ Bãi phóng Vệ tinh Tonghae. Bình Nhưỡng tuyên bố cuộc thử nghiệm thành công nhưng các quan chức Mỹ nói rằng cuộc thử nghiệm đã thất bại trên Thái Bình Dương.
Ngày 5/4/2009: Nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là ông Kim Jong Il giám sát việc phóng vệ tinh Kwangmyongsong-2 từ khu phức hợp Tonghae, nhưng vụ phóng thất bại và rơi xuống đại dương. Truyền thông nhà nước đưa tin 14 binh sĩ Triều Tiên đã thiệt mạng trong vụ phóng.
Ngày 13/4/2012: Vệ tinh Kwangmyongsong-3 được phóng từ Trạm phóng vệ tinh Sohae mới hoàn thành ở khu vực phía tây. Báo chí nước ngoài được mời đến quan sát vụ phóng nhưng một lần nữa nó lại không thành công.
Ngày 12/12/2012: Triều Tiên phóng thành công phiên bản thứ hai của Kwangmyongsong-3, đưa một vật thể vào quỹ đạo. Mặc dù Triều Tiên tuyên bố vật thể này là một vệ tinh quan sát nhưng nhiều người tin rằng vật thể không mang theo hệ thống truyền dẫn.
Tháng 4/2013: Triều Tiên thành lập Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) nhằm theo đuổi hoạt động thám hiểm không gian cho mục đích hòa bình.
Ngày 23/6/2016: Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), với tầm bắn từ 3.200 – 5.400 km.
Ngày 24/8/2016: Ông Hyon Kwang Il, Giám đốc nghiên cứu khoa học tại NADA, cho biết “các nhà khoa học hàng không vũ trụ của chúng tôi sẽ chinh phục không gian và chắc chắn sẽ cắm cờ của Triều Tiên trên Mặt trăng”.
Ngày 4/7/2017: Lần đầu tiên, Triều Tiên thử nghiệm ICBM – tên lửa đạn đạo mà nước này cho rằng có khả năng vươn tới lục địa Mỹ. Tên lửa Hwasong-14 được thử nghiệm lại ba tuần sau đó.
Ngày 19/12/2022: Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm “giai đoạn cuối” để phát triển vệ tinh trinh sát.
Ngày 16/3/2023: Triều Tiên phóng thử ICBM Hwasong-17, tên lửa lớn nhất của nước này mà một số nhà phân tích tin rằng có tích hợp công nghệ cho các phương tiện phóng vào không gian.
Ngày 31/5/2023: Triều Tiên định phóng vệ tinh trinh sát nhưng tên lửa lao xuống biển.
Ngày 24/8/2023: Triều Tiên thực hiện nỗ lực thứ hai để đưa một vệ tinh do thám vào quỹ đạo, nhưng thất bại khi tên lửa đẩy gặp sự cố. Cơ quan tình báo Triều Tiên cho biết đây không phải là vấn đề lớn và cam kết thử lại vào tháng 10.
Ngày 13/9/2023: Trong chuyến du công tới Nga của ông Kim Jong Un, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ giúp Triều Tiên chế tạo vệ tinh.
Ngày 21/11/2023: Triều Tiên phóng tên lửa và cho biết đã đưa thành công vệ tinh trinh sát vào quỹ đạo.
Ngày 28/11/2023: Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết ông Kim Jong Un đã xem các bức ảnh chụp Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và các tàu sân bay Mỹ mà vệ tinh do thám gửi về.
Ngày 31/12/2023: Triều Tiên cam kết phóng 3 vệ tinh do thám mới vào năm 2024.
Ngày 15/1/2024: Triều Tiên tuyên bố đã thử một tên lửa siêu thanh nhiên liệu rắn mới trong bối cảnh cuộc chạy đua ngày càng gay gắt về thế hệ tên lửa tầm xa khó bị phát hiện và đánh chặn.
Ngày 27/5/2024: Triều Tiên cho biết vụ phóng tên lửa mang vệ tinh mới của họ đã thất bại khi nó phát nổ ở giai đoạn đầu tiên. Truyền thông nhà nước đưa tin, phân tích ban đầu cho thấy nguyên nhân nằm ở động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng mới được phát triển.
Hoài Phương (theo Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhung-chuong-trinh-phong-ve-tinh-va-ten-lua-tam-xa-cua-trieu-tien-post297181.html