Những con đường, ngõ xóm được đầu tư bê tông hóa thông thoáng, sạch đẹp; hộ dân nghèo được hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi ngành nghề…góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer Phú Mỹ. Kết quả đó cũng từ việc triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719).
Từ năm 2022 đến nay, xã Phú Mỹ đã giải ngân hỗ trợ nhà ở cho 65 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 29 hộ và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 29 hộ (mỗi hộ 3 triệu đồng). Cũng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, xã đã xây dựng 2 công trình lộ giao thông nông thôn với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng.
Gia đình anh Thạch Kim Choang là một trong những hộ nghèo ở ấp Đại Úi, xã Phú Mỹ được địa phương xét hỗ trợ 44 triệu đồng để xây dựng nhà ở; 10 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Anh Choang phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, được Nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà mới khang trang, tôi rất vui mừng. Riêng hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tôi mua 1 chiếc vỏ lãi máy để làm phương tiện đi làm, một ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Gia đình tôi yên tâm lao động để nuôi con đang theo học đại học”.
Còn anh Liêu Khenl ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ phấn khởi khi vừa được hỗ trợ nhà ở và chuyển đổi nghề. Anh Liêu Khenl cho biết: “Công việc chính của tôi là thợ xây nên thường xuyên phải đi thuê các dụng cụ phục vụ cho công việc. Nhờ được địa phương hỗ trợ máy trộn hồ, tôi tiết kiệm được chi phí để thuê công cụ, qua đó tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, do gia đình thuộc diện hộ nghèo nên được chính quyền địa phương hỗ trợ 44 triệu đồng, tôi bỏ công xây dựng nên gia đình có căn nhà khang trang hơn. Đây là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời là nguồn động viên rất lớn cho tôi và gia đình”.
Ông Võ Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ nói: “Chương trình MTQG 1719 đã và đang được triển khai thực sự là động lực quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực. Đến nay, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tổng nguồn vốn là 440 triệu đồng đã triển khai được 11 hộ; dự án phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng phát triển sản xuất, tổng nguồn vốn là 605 triệu đồng đã triển khai được 15 hộ; dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tổng nguồn vốn là hơn 1 tỷ đồng đã triển khai được 26 hộ”.
Thời gian qua, Phú Mỹ đã được chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, huy động các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, phát triển sản xuất…Nhờ đó, tạo cho bộ mặt nông thôn ở xã vùng khó khăn ngày càng được khởi sắc. Đến nay, trên 13km đường trục xã, liên xã được bê tông hóa, tất cả đường trục ấp và đường liên ấp được cứng hóa, đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa.
Trong đó, mô hình “Thắp sáng đường quê” đem lại hiệu quả thiết thực trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tại Phú Mỹ. Đến nay có 6 mô hình thắp sáng đường quê ở 6/7 ấp, chiều dài khoảng 16km, với gần 750 bóng đèn được thắp sáng, tổng chi phí thực hiện gần 920 triệu đồng. Trong đó, có 4 mô hình năng lượng Mặt trời gồm 231 trụ bóng đèn, chiều dài gần 7km ở các ấp Phú Tức, Bưng Cóc, Sóc Xoài và Tá Biên.
Ông Mã Lương Thiện, Trưởng ấp Tá Biên, xã Phú Mỹ chia sẻ: Trước kia tuyến đường liên ấp nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, tối tăm về đêm, bà con có việc về khuya luôn lo lắng, bởi con đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhưng từ khi có điện sáng, hình ảnh các con đường vào ấp thay đổi hẳn vào ban đêm, không chỉ thuận tiện cho người dân chúng tôi đi lại, thể dục thể thao, giảm thiểu tai nạn giao thông mà an ninh trật tự ấp được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm hẳn.
Ông Thạch Minh Lây, Phó Chủ tịch xã Phú Mỹ cho biết: Thành quả trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chương trình, dự án của Nhà nước. Giao thông của xã được nhựa hóa, bê tông hóa bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Số trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia là 3/4 trường; 7/7 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa và có nhà sinh hoạt cộng đồng, khu thể thao cơ bản bảo đảm phục vụ nhu cầu về văn hóa, thể thao của người dân; nhà ở kiên cố và bán kiên cố chiếm 89%; không còn nhà tạm, dột nát. Thu nhập của người dân đến năm 2023 đạt 57 triệu đồng; hộ nghèo đa chiều còn 6 hộ (chiếm 0,15%); lao động qua đào tạo đạt 71%; hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 99,7%; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn.
Sự đổi thay Phú Mỹ hôm nay là minh chứng cụ thể cho những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, giúp đồng bào Khmer Phú Mỹ có điều kiện an cư lạc nghiệp, lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.