Hôm nay, 8-3, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP HCM tổ chức Hội nghị Kết nối xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng hàng Việt Nam. Ông Nguyễn Hồ Hải – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP HCM – chủ trì hội nghị.
Gian nan chinh phục thị trường nội
Thời gian qua, nông sản Việt đã thâm nhập thành công nhiều thị trường lớn, bao gồm những thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, hàng hóa an toàn, đạt chất lượng đang chật vật cạnh tranh với hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Kể câu chuyện trái dưa lưới, bà Huỳnh Thị Thu Trang, Giám đốc điều hành Công ty Nông sản xanh An Phát, so sánh: Dưa lưới trồng trong nhà màng được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, bảo đảm an toàn, năng suất chỉ bằng 1/3 so với dưa trồng ngoài ruộng vốn sử dụng phân bón hóa học vô tội vạ.
Tuy nhiên, giá bán 2 loại dưa ra thị trường không chênh lệch bao nhiêu. “Các nhà sản xuất chân chính đang gặp khó khăn khi sản phẩm của mình phải cạnh tranh với hàng kém chất lượng” – bà Trang nói.
Công ty Nông sản xanh An Phát đang cung cấp một số loại trái cây “sạch” cho các hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở khu vực phía Nam và xuất khẩu. Tại thị trường nội địa, công ty mất khá nhiều thời gian để xây dựng thương hiệu.
“Cần 5 năm để trái đu đủ sạch, chất lượng vượt trội với mức giá cao hơn các loại khác được thị trường chấp nhận. Trái đu đủ canh tác tự nhiên, không dùng phân thuốc hóa học thường dễ bị nhiễm nấm, vỏ không đẹp, bị lốm đốm khi chín. Trong 3 năm đầu, khách hàng chưa quen nên sản phẩm bị đổ bỏ rất nhiều” – bà Trang cho biết.
Cũng gặp tình trạng sản phẩm xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính như Nhật, châu Âu nhưng gặp khó ở thị trường nội địa là Công ty TNHH Đồng Xanh Farm. Bà Huỳnh Ngọc Bích Đào, tổng giám đốc công ty, cho hay công ty sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhưng bán với giá không chênh lệch đáng kể so với mặt bằng chung để người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm chất lượng cao. Với mấy chục hecta chuyên trồng các loại rau lá, củ, quả, thời gian đầu, công ty phải vừa bán vừa tặng để làm quen với người tiêu dùng.
Ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh, cũng băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm ở thị trường trong nước, dù đã xuất khẩu thành công sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu.
Hợp sức nâng chất hàng Việt
Theo thống kê, hàng Việt hiện chiếm 90% – 95% tổng sản phẩm tại các hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op, Satra, Bách hóa Xanh… Tỉ lệ này tại một số hệ thống siêu thị của doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài như AEON, Central Retail, Mega Market… là 80% – 90%. Còn tại các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỉ lệ hàng Việt Nam cũng từ 80% trở lên.
Tuy chiếm tỉ lệ áp đảo nhưng theo Sở Công Thương TP HCM, hoạt động thương mại hàng Việt trên thị trường hiện nay vẫn đối diện nhiều thách thức. Dù các ngành chức năng đã tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát nhưng vẫn còn tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu hành trên thị trường, nhất là ở các kênh thương mại điện tử. Ngoài ra, có tình trạng nhà sản xuất cố ý giảm dần chất lượng để cạnh tranh về giá cả…
Cung ứng sản phẩm rau – củ – quả an toàn cho thị trường TP HCM nhiều năm qua, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Nông sản Phong Thúy, chỉ rõ trên thị trường xuất hiện càng nhiều sản phẩm trôi nổi, không đạt chất lượng thì càng khó cho nhà sản xuất chân chính. Gánh nặng về kiểm soát chất lượng đang đè nặng từng khâu trong cả hệ thống sản xuất – phân phối – tiêu dùng và gây khó khăn rất lớn cho những doanh nghiệp mong muốn tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Theo các doanh nghiệp, cần có cách kiểm soát tốt hơn để tạo dư địa cho nhà sản xuất tốt, kích thích nhà sản xuất mới đầu tư để làm ra sản phẩm có chất lượng cao. Khi nhà sản xuất chân chính xây dựng được thị phần vững chắc, người tiêu dùng quen với sản phẩm đạt chất lượng thì những sản phẩm không đạt sẽ bị loại dần.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay thành phố có kế hoạch kết nối nhà sản xuất với nhà phân phối, tạo sân chơi chung để nhà phân phối bắt tay nhau nói không với sản phẩm không bảo đảm an toàn, qua đó loại bỏ sản phẩm này.
Sở Công Thương đang làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ để triển khai chương trình liên kết kiểm soát chất lượng hàng Việt theo chuẩn chung của các nhà bán lẻ, dưới sự định hướng của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở An toàn thực phẩm TP HCM.
Tinh thần chung là thông tin của nhà cung cấp và kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa sẽ được chia sẻ giữa các hệ thống phân phối tham gia chương trình. Sản phẩm vi phạm cam kết về chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị tất cả hệ thống phân phối trong chương trình đánh giá lại, có nguy cơ đánh mất hoàn toàn thị trường.
Việc liên kết kiểm soát chất lượng là cơ sở để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, làm đòn bẩy để duy trì mức tăng trưởng thương mại hàng Việt cả trong và ngoài nước, giúp thị trường đủ sức đề kháng với hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả.
“Khi có chuỗi cung ứng bền vững, nhà sản xuất chỉ tập trung vào việc nâng chất, cải tiến sản phẩm để giữ niềm tin của người tiêu dùng mà không cần cố gắng cạnh tranh về giá” – ông Nguyễn Nguyên Phương nhận định.
6 nhà bán lẻ tham gia chương trình liên kết
Theo kế hoạch, trong chương trình liên kết kiểm soát chất lượng hàng Việt, 6 nhà bán lẻ lớn là Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV, Tập đoàn Central Retail Việt Nam, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, Công ty TNHH AEON Việt Nam và Công ty CP Thương mại Bách hóa Xanh sẽ phối hợp nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống phân phối. Các hệ thống cũng sẽ phối hợp ngăn chặn thực phẩm không an toàn được đưa vào các hệ thống phân phối trên địa bàn TP HCM.
Trước mắt, chương trình áp dụng thí điểm đối với một số sản phẩm thuộc 3 nhóm trái cây, rau củ và thịt.
Nguồn: https://nld.com.vn/chuoi-cung-ung-ben-vung-cho-hang-viet-196240307202733325.htm