VN-Index giảm nhẹ trong phiên sáng 4-12 cùng thanh khoản thấp. Sang phiên chiều, áp lực bán ở nhóm ngân hàng tăng cao khiến chứng khoán giảm 10 điểm, về mốc 1.240.
Chứng khoán Việt rơi mạnh gần về cuối phiên
Sắc đỏ bao trùm thị trường chứng khoán sau lệnh thiết quân luật do Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ban hành khuya 3-12.
Dù chỉ tồn tại 6 tiếng, nhưng những biến động về chính trị đã khiến chỉ số chứng khoán Hàn Quốc KOSPI giảm mạnh (-1,44%).
Trong khu vực, chỉ số SHCMP của Trung Quốc (-0,42%), SET của Thái Lan (-0,24%)… cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi nhiều chỉ số chứng khoán khác như NIKKEI 225 của Nhật Bản (+0,07%), STI của Singapore (+0,45%)… vẫn tăng điểm.
Còn tại Việt Nam, VN-Index giao dịch kém tích cực cả về điểm số lẫn dòng tiền. Nếu như hết phiên sáng, chỉ số đại diện sàn TP.HCM chỉ mất hơn 2 điểm, thì sang phiên chiều áp lực bán tăng cao khiến chứng khoán giảm 10 điểm, về mốc 1.240.
Tổng giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt hơn 15.600 tỉ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về tiêu cực khi có gần 450 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, đối lập với hơn 260 mã tăng giá.
Nhà đầu tư nước ngoài trở lại bán ròng phiên thứ ba liên tiếp sau khi mua ròng vào tuần trước. Quy mô bán ròng hôm nay gần 750 tỉ đồng, tăng so với hôm qua. Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã rút ròng hơn 93.000 tỉ đồng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam.
Các mã chứng khoán bị khối ngoại bán mạnh nhất phiên hôm nay gồm: MWG (-250 tỉ đồng); FPT (-134 tỉ đồng), VRE (-82 tỉ đồng), VNM (-71 tỉ đồng), MCH (-68 tỉ đồng), NLG (-49 tỉ đồng)…
Về chuyển động trong từng nhóm ngành, có thể thấy áp lực bán tăng cao ở nhóm ngân hàng. Toàn bộ nhóm cổ phiếu ngân hàng mất 0,62% hôm nay, nhiều mã bị điều chỉnh trên 1%, gồm: LPB (-1,47%), TPB (-1,25%), BID (-1,95%), MSB (-1,32%), CTG (-1,67%)…
Tương tự, nhóm chứng khoán cũng mất 1,5% phiên hôm nay. Trong đó cổ phiếu đầu ngành như VND của VNDiect “bốc hơi” 3,6% cùng thanh khoản lớn, gây tác động tâm lý không nhỏ tới nhà đầu tư.
Vì sao chứng khoán giảm điểm?
Sau khi hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước vừa có động thái chuyển sang trạng thái hút ròng trở lại.
Tổng cộng trong 3 phiên gần nhất, Ngân hàng Nhà nước đã rút khỏi hệ thống ngân hàng gần 54.000 tỉ đồng.
Động thái hút tiền về qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá hoặc tín phiếu thường được nhận định có ảnh hưởng nhất định tới thị trường chứng khoán. Về cơ bản, áp lực tỉ giá vẫn còn lớn, gây tâm lý lo ngại cho giới đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán thiếu động lực như hiện nay.
Nhìn lại trong suốt một năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng tỉ giá, biến động của VN-Index luôn ngược chiều so với chỉ số USD (DXY).
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới công bố, một công ty chứng khoán đã nâng dự báo về tỉ giá VND/USD sau khi nhận định xu hướng tăng giá của đồng USD có thể sẽ tiếp diễn, đặc biệt nếu ông Trump thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng và triển khai chính sách thuế quan.
Nhìn chung trong kịch bản tiêu cực, yếu tố rủi ro thị trường rất lớn, vùng đáy của VN-Index sẽ rất khó đoán. Điều kiện cần vẫn là các rủi ro liên quan tỉ giá trong nước phát tín hiệu hạ nhiệt, khối ngoại ngưng bán ròng…
Nguồn: https://tuoitre.vn/chung-khoan-han-lao-doc-vn-index-roi-manh-voi-gan-450-co-phieu-giam-gia-20241204155731237.htm