Thị trường chứng khoán khép lại phiên cuối tuần với mức giảm gần 10 điểm khi chịu áp lực chốt lời bởi lượng cổ phiếu giá rẻ về tài khoản, đã đẩy VN-Index về mức thấp nhất trong 13 phiên giao dịch nhưng vẫn trong vùng giá khá an toàn 1.260 – 1.265 điểm.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, tâm điểm là cổ phiếu Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCG). Sau thông tin bắt tạm giam Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Như Loan, cổ phiếu QCG đã bị bán tháo ồ ạt. Đóng cửa, QCG giảm 6,97% xuống mức 9.070 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 1,6 triệu đơn vị và dư bán sàn 3,5 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm thứ 6 liên tiếp của QCG, với tổng mức giảm gần 26%.
Các nhóm cổ phiếu còn lại trên thị trường đều giảm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đảo chiều giảm nhẹ chưa tới 0,5%, bởi sức ép đến từ các mã lớn. Tuy vậy, dòng cổ phiếu ngân hàng vẫn giữ nhiệt sôi động.
Mặc dù mua ròng tới gần 500 tỉ đồng cổ phiếu SBT, nhưng với áp lực bán mạnh cổ phiếu bluechip, khối ngoại nhanh chóng trở lại trạng thái bán ròng hơn 360 tỉ đồng trong phiên 19.7.
Nhìn lại khoảng thời gian 3 tuần đầu tháng 7.2024, VN-Index có nhịp hồi phục, nhưng chững lại khi chỉ số đối diện ngưỡng 1.300 điểm và liên tục điều chỉnh trước áp lực chốt lời ở phiên giao dịch tuần qua.
Thanh khoản giảm cũng cho thấy, tâm lý dè dặt và chưa thực sự tin tưởng vào việc VN-Index sẽ bứt phá của nhiều nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh một lượng tiền rất lớn phải cân đối lực bán của các nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đã bán ròng hơn 52.000 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024 và tiếp tục có động thái bán ra trong những ngày đầu tháng 7.
Mặc dù vậy, tính cho đến nay, lực cầu trong nước đỡ giá rất tốt, không bị hoảng loạn trước hoạt động thoái vốn của khối ngoại. Các chuyên gia đánh giá đây chỉ là ngưỡng tâm lý, bị cản trở trong ngắn hạn, còn trong trung hạn có nhiều yếu tố hỗ trợ để bứt phá lên các ngưỡng điểm cao hơn.
Động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán cuối năm 2024 chủ yếu đến từ yếu tố kinh tế phục hồi mạnh và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo tăng trưởng tốt từ 15 – 22% so với năm 2023. Tuy vậy, thị trường chứng khoán vẫn còn đối mặt với không ít rủi ro, đặc biệt là yếu tố về tỉ giá VND và các yếu tố vĩ mô quốc tế.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, từ nay đến cuối năm 2024, kỳ vọng Fed hạ lãi suất trong tháng 9 tới, qua đó giải toả áp lực tỉ giá, cùng với lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có triển vọng tiếp tục tăng trưởng sẽ là điểm tựa chính cho thị trường.
Bên cạnh đó, việc nước ngoài bán ròng chỉ trong hơn 6 tháng qua và đa phần các nhóm cổ phiếu phi tài chính đang được định giá cao, sẽ là những rào cản lớn với thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì thế, quan điểm là đánh giá rủi ro vẫn đan xen và không kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ quá tích cực trong nửa cuối năm mà nhiều khả năng sẽ thiên về hướng phân hóa giữa các nhóm ngành và giữa các cổ phiếu, TS Phương nêu quan điểm.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/chung-khoan-dang-di-qua-vung-nhieu-dong-1369040.ldo