Kinhtedothi – Thị trường Trung Quốc rất rộng mở nhưng cũng đầy cạnh tranh đối với các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Để có thể tiến sâu vào nội địa, khai thác được thị trường tỷ dân này, đòi hỏi các DN cần chuẩn hóa chất lượng nông sản.
Để có được cái nhìn đa chiều về xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc thời gian qua, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với TS Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam) thuộc Bộ NN&PTNT.
Khi doanh nghiệp “biết mình”, “biết người”
Từ đầu năm 2024 đến nay, xuất khẩu nông sản nói chung và sang thị trường Trung Quốc nói riêng có điểm gì đáng chú ý, thưa ông?
– Từ đầu năm đến nay, các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng tốt, giúp tổng kim ngạch xuất khẩu tính riêng 10 tháng đã qua của năm 2024 ước đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc chiếm 21,5% tổng giá trị.
Điểm nhấn đáng chú ý là 2 nhóm hàng hóa có mức tăng ấn tượng gồm gạo và rau, quả. 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 7,8 triệu tấn gạo, thu về 4,9 tỷ USD, tăng hơn 23%; giá gạo bình quân đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của Việt Nam 10 tháng năm 2024 đạt 6,16 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức kỷ lục mà ngành rau, quả đạt được (cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,6 tỷ USD, cao nhất lịch sử tính tới thời điểm đó).
Một điểm cũng rất đáng chú ý là tình trạng nông sản Việt bị ách tắc, ùn ứ ở cửa khẩu biên giới với Trung Quốc từ đầu năm 2024 đến nay gần như không có. Điều này cho thấy nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt của bạn hàng Trung Quốc để có thể duy trì ổn định tỷ trọng xuất khẩu nông sản sang thị trường này.
Có vẻ như các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang tận dụng rất tốt thị trường Trung Quốc?
– Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, hiện nay cả nước có hơn 3.000 DN với khoảng 3.545 mã nông sản, thực phẩm được các cơ quan chức năng cấp để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hầu như tháng nào chúng tôi cũng ghi nhận số lượng DN đăng ký mã sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc tăng.
Nông sản, thực phẩm được các DN xuất khẩu sang Trung Quốc cũng ngày một đa dạng hơn. Ngoài các sản phẩm thủy sản chiếm đa số với hơn 800 mã, còn có các sản phẩm mang nguồn gốc thực vật và các loại hạt (400 mã), nhóm sản phẩm chế biến sâu (sữa, nước yến, nước ép trái cây)…
Điều đáng mừng là hầu hết các DN Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đều đã và đang tuân thủ nghiêm túc hai Quy định/Lệnh 248, 249 của Trung Quốc liên quan đến các điều kiện nhập khẩu. Từ đầu năm 2024 đến nay, Văn phòng SPS Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nông sản, thực phẩm của Việt Nam bị cảnh báo hoặc trả về do vi phạm quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm của nước bạn.
Nông sản xuất khẩu “được mùa” là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, có phải vì vậy mà những khó khăn đã hết, thưa ông?
– Dù nông sản Việt Nam chưa bị cảnh báo hoặc trả về, tuy nhiên, vẫn còn một vài DN khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc gặp vướng mắc về thủ tục. Nguyên nhân chủ yếu là do DN chưa hoàn thiện hồ sơ, thông tin đăng ký DN không rõ ràng, hoặc mã xuất khẩu đã hết hạn…
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gồm: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây.
Riêng sầu riêng, thanh long của Việt Nam là hai sản phẩm rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng; lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam chiếm khoảng 1/5 tổng lượng nông sản nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Việc thiếu chuẩn hóa thông tin khiến quy trình xuất khẩu bị gián đoạn. Đây là những vấn đề mà các DN cần lưu ý, để trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm, cần rà soát lại mã hàng hóa nhằm bảo đảm tuân thủ đúng quy định.
Tôi cũng muốn chia sẻ thêm rằng, hiện nay, không riêng thị trường Trung Quốc mà các quốc gia nhập khẩu khác đều thường xuyên thay đổi hoặc thiết lập mới các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Vì vậy, đòi hỏi các DN Việt Nam cần phải cập nhật liên tục quy định để tránh những vướng mắc trong quá trình xuất khẩu nông sản.
Giữ chữ “tín” để vững chân thị trường
Thực tế hiện nay, dù đang duy trì xuất khẩu nông sản khá tốt sang Trung Quốc, nhưng chúng ta mới chỉ tiếp cận được các tỉnh biên giới mà chưa đi được sâu vào nội địa, ông đánh giá sao về thực tế này?
– Đúng vậy. Trung Quốc là thị trường giàu tiềm năng cho xuất khẩu nông sản, không chỉ đối với các DN Việt Nam mà còn dành cho các quốc gia khác. Điều này thể hiện ở việc số lượng các DN trong nước đăng ký mã sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc ngày một tăng.
Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, hiện các DN Việt Nam chủ yếu mới xuất khẩu được nông sản vào các tỉnh giáp biên giới mà chưa vào sâu được nội địa Trung Quốc. Muốn vào sâu được nội địa thì phải chế biến sâu, trong khi hàm lượng nông sản chế biến sâu hiện nay của Việt Nam lại chưa nhiều.
Ông có khuyến nghị gì để nông sản Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc?
– Tăng cường chế biến sâu là giải pháp cốt lõi. Khi chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn quốc tế thì không chỉ thị trường nội địa Trung Quốc mà bất cứ quốc gia nào, nông sản Việt Nam cũng đều có thể tiếp cận được. Về lâu dài, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nâng cao uy tín và thương hiệu cho nông sản Việt.
Để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn, yếu tố tiên quyết là cần có vùng nguyên liệu tốt. Điều này đặt ra đòi hỏi các DN cần đồng quản lý, kiểm soát, giám sát chất lượng từ vùng nguyên liệu. Nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì khả năng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm là rất cao.
Chúng tôi cũng khuyến nghị các DN thường xuyên cập nhật thông tin thị trường và các quy định nhập khẩu của phía Trung Quốc thông qua các cơ quan chức năng.
Để vững chân trên thị trường Trung Quốc, theo ông các DN Việt cần phải làm gì?
– Trong thương mại nông sản thì không tránh khỏi sự cạnh tranh, không chỉ là cạnh tranh trong nước mà còn với các DN bên ngoài. Do đó, để vững chân trên thị trường Trung Quốc, theo tôi, các DN nhất định phải giữ được chữ “tín”; cần thận trọng, linh hoạt trong giao dịch với các đối tác nói chung, bạn hàng Trung Quốc nói riêng để giữ uy tín, bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chuẩn hóa chất lượng nông sản nên được xem là “kim chỉ nam” cho hoạt động xuất khẩu của các DN. Chỉ cần một lô hàng nông sản bị cảnh báo hoặc trả về, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ riêng ngành hàng đó mà còn có thể ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nông sản Việt nói chung. Chính vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu.
Xin cảm ơn ông!
Vào tháng 4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký DN sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu”, và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”. 2 lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Những DN nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới.
Văn phòng SPS Việt Nam là cơ quan đầu mối tổng hợp những thông báo từ các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bao gồm cả dự thảo lẫn văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS) có thể ảnh hưởng tới mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/chuan-hoa-nong-san-de-di-duong-dai.html