Tại Đại hội Đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Công ty Cổ phần FPT diễn ra chiều 6/4, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình cho biết, FPT đang vươn tầm về vị thế trong ba lĩnh vực nóng về chuyển đổi số của thế giới: bảo trì hệ thống SAP/S4Hana hay Dynamics 365 Microsoft trên toàn cầu; chuyển đổi ngôn ngữ Cobol lên ngôn ngữ hiện đại và Phần mềm kỹ thuật ô tô điện. Đây sẽ là các động lực tăng trưởng cao bền vững trong nhiều năm tới.
Liên quan tới xe điện, ông Bình cho rằng, Tesla đã mở ra cuộc cách mạng từ ô tô cơ khí sang ô tô số. Tuy nhiên, nhóm làm xe thì không thạo công nghệ số, nhóm tin học thì không thạo kỹ thuật ô tô. Thế giới đang chờ đợi một công ty kiểu mới am hiểu cả kỹ thuật số và kỹ thuật ô tô, gồm cơ khí, khí động học, điện, điện tử và IoT, AI, Autosar, tích hợp hệ thống, an toàn, bảo mật…
FPT dẫn đầu về hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến (ADAS), dẫn đầu về điện tử công suất (PE) cho sạc điện và Top5 trong phần mềm kỹ thuật ô tô điện.
Cơ hội tiếp theo là chuyển từ ngôn ngữ Cobol – một ngôn ngữ phần mềm chạy trên máy tính lớn đã được viết từ thế kỷ trước lên hệ thống hiện đại. Theo lãnh đạo FPT, rất nhiều công ty lớn đang mắc kẹt ở đây.
“Đây là công việc khổng lồ trong nhiều năm và nhiều doanh nghiệp lúng túng không biết làm thế nào. FPT có người, có công nghệ, có phương pháp luận giải quyết việc này”, ông Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT cho hay, Tập đoàn đang vận hành bộ máy trên toàn cầu. Ở FPT, một lập trình viên tại Hà Nội viết những dòng code lên hệ thống. Tại Nhật Bản, kỹ sư khác tiếp tục thực hiện lệnh. Bên kia bán cầu, lập trình viên ở châu Mỹ La tinh cũng thực hiện thao tác. Ở nhiều quốc gia, nhân viên FPT cùng hoàn thiện dự án.
“Chúng tôi gọi đó là toàn cầu hoá. Người FPT dù khác màu da, sắc tộc, làm việc ở những múi giờ khác nhau… nhưng cùng mang lại dự án quy mô triệu USD. Nhân viên của FPT đang làm việc ở 29 quốc gia”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.
Năm 2022, dịch vụ CNTT đóng góp 44% lợi nhuận cho FPT. Thị trường nước ngoài tăng trưởng doanh thu 30,1%, đặc biệt tại Mỹ tăng hơn 50% và châu Á – Thái Bình Dương tăng 35,7%. Thị trường Nhật Bản cho thấy sức bật tốt vào nửa cuối năm, đóng góp vào mức tăng trưởng 16%, tương đương 30,3% tính theo đồng yên.
Sau 23 năm vươn ra nước ngoài, lần đầu tiên FPT đạt mốc doanh số ký 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế.
Tập đoàn nỗ lực tăng trưởng từ các thương vụ mua bán sáp nhật với các đối tác lớn như Intellinet, Intertect để mở rộng hiện diện tại quốc gia mới như Costa Rica, Colombia, Romania.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, Tổng giám đốc FPT cho biết, doanh thu đạt 44.010 tỷ đồng, tăng 23,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 7.662 tỷ đồng, tăng 20,9%. Lợi nhuận FPT tăng trưởng vững chắc ở cả ba khối công nghệ, viễn thông và giáo dục. Trong đó, công nghệ là mũi nhọn giúp tập đoàn phát triển.
Nói về mục tiêu 2023, ông Khoa khẳng định, tập đoàn sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững với cam kết doanh thu tăng 18,8%, lợi nhuận tăng 18,2% trong bối cảnh kinh tế và ngành công nghệ có nhiều khó khăn.
Đặc biệt ở tuổi 35, FPT định vị sẽ trở thành nơi làm việc hạnh phúc.