Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, từ khi thành lập đến nay, thông qua các hoạt động kiểm toán đã góp phần tiết kiệm chi hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước, ngăn chặn và xử lý nhiều sai phạm.
Sáng nay 11.7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (11.7.1994 – 11.7.2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, từ những ngày đầu thành lập chỉ có 5 đơn vị, 60 cán bộ, công chức và kiểm toán viên, đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã phát triển mạnh mẽ với 32 đơn vị trực thuộc, hơn 2.000 cán bộ, công chức, kiểm toán viên.
Trong đó, 100% kiểm toán viên nhà nước có trình độ đại học trở lên; có trên 55% cán bộ, công chức có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế.
Đây là minh chứng rõ nét cho sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng đội ngũ kiểm toán viên của Kiểm toán Nhà nước; khẳng định Kiểm toán Nhà nước ngày càng trưởng thành, lớn mạnh; góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, từ khi thành lập đến nay, thông qua các hoạt động kiểm toán đã góp phần tiết kiệm chi hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách nhà nước, ngăn chặn và xử lý nhiều sai phạm. Hỗ trợ hiệu quả công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
“Kiểm toán Nhà nước đã luôn bám sát hoạt động của Quốc hội và công tác điều hành, quản lý kinh tế – xã hội của đất nước; giúp Quốc hội có nguồn thông tin, dữ liệu tin cậy để phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách T.Ư hằng năm; giúp cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được hiệu quả hơn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thông qua hoạt động kiểm toán đã phát hiện những bất cập trong quy định, chính sách, có những kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách về tài chính công, tài sản công. Đồng thời, qua kiểm toán, hỗ trợ HĐND, UBND các địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trên chặng đường phát triển, Kiểm toán Nhà nước đã không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế; đã là thành viên của Tổ chức Quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao và Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á.
Đặc biệt, việc đăng cai tổ chức thành công đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á 14 năm 2018 và giữ vai trò Chủ tịch nhiệm kỳ 2018 – 2021 đã đưa Kiểm toán Nhà nước lên vị thế mới trong hoạt động hợp tác quốc tế.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Nhận định thời gian tới, tình hình quốc tế có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, nắm vững và thực hiện đúng chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chỉ đạo quản lý, điều hành của Chính phủ về ngân sách nhà nước, chính sách tài khóa, tiền tệ; lựa chọn và tập trung ưu tiên thực hiện các mục tiêu trọng tâm của Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030.
Đặc biệt, cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính: ngành kiểm toán phải “luôn nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; phải “đúng vai thuộc bài”, thực sự am hiểu và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, pháp luật, quy chế, quy định; đặc biệt phải rất công tâm, khách quan, trong sáng; phải sử dụng và kiểm soát có hiệu quả quyền lực mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Thứ hai, tiếp tục củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để hoạt động của Kiểm toán Nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, rà soát luật Kiểm toán Nhà nước để đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời, bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan; tổ chức và hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả, chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại.
Xác định mục tiêu, trọng tâm kiểm toán, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, giám sát tài chính công, tài sản công, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, tiếp tục quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ vững vàng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp; củng cố, xây dựng toàn ngành kiểm toán đoàn kết, vững mạnh toàn diện.
Thứ năm, chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Kiểm toán Nhà nước; củng cố ngày càng vững chắc vị thế, uy tín của Kiểm toán Nhà nước trong hệ thống các cơ quan nhà nước Việt Nam và trong hệ thống các cơ quan kiểm toán quốc tế.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 740.000 tỉ đồng.
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hơn 2.200 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có nội dung không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, ngăn ngừa thất thoát, lãng phí.
Trong giai đoạn tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục kiên định với phương châm hành động “Chất lượng và đạo đức công vụ”, đảm bảo thực hiện trách nhiệm vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.
Trong tương lai xa hơn, tầm nhìn phát triển Kiểm toán Nhà nước phải gắn chặt với các yêu cầu mới của Đảng và Nhà nước, với mục tiêu đưa nước ta đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nguồn: https://thanhnien.vn/chu-tich-quoc-hoi-hoat-dong-kiem-toan-gop-phan-tiet-kiem-chi-hang-nghin-ti-dong-185240711112303823.htm